CEO Peacesoft chia sẻ chiến lược chuyển chữ E sang chữ D

0
697

Từ chỗ chỉ gắn với chức danh Tổng giám đốc Peacesoft, Nguyễn Hòa Bình đang chuyển sang vai trò là nhà đầu tư chiến lược vào các dự án công nghệ và tập trung cho chiến lược chuyển chữ E sang chữ D.

Hai năm trước, Công ty CP Giải pháp phần mềm Hòa Bình – Peacesoft bán 50% cổ phần của NgânLượng (NgânLượng.vn một trong các sản phẩm chính của Peacesoft) cho MOL – một công ty trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến khu vực Đông Nam Á. Ngay sau đó, trong một bài phỏng vấn, ông Nguyễn Hòa Bình – TGĐ Peacesoft chia sẻ rằng, bán công ty không phải để lấy tiền tiêu xài. Vậy số tiền này được Hòa Bình sử dụng như thế nào? Sau hai năm im hơi lặng tiếng, ông chủ Peacesoft đã “bật mí” về những bước đi của mình.

Từ E-Commerce đến D-Commerce

* Điều đầu tiên, tôi rất tò mò là hai năm qua ông làm gì?

Tôi đầu tư vào các startup công nghệ đi theo hướng điện tử hóa những thứ truyền thống. Uber, Airbnb là những ví dụ cho xu hướng này. Uber ứng dụng công nghệ thông tin để điện tử hóa việc di chuyển. Airbnb giải quyết nhu cầu lưu trú thông qua mạng kết nối các cá nhân có phòng thừa, nhà thừa. Cụ thể, tôi đầu tư vào một công ty ở Singapore phát triển sản phẩm MPOS (Mobile POS) giúp xã hội hóa việc thanh toán thẻ. Nếu như trước đây, các điểm chấp nhận thanh toán chỉ đặt ở những cửa hàng, siêu thị có quy mô nhất định thì với MPOS, thông qua một thiết bị bé bằng bao diêm cắm vào điện thoại và phần mềm miễn phí trên kho ứng dụng là tất cả mọi cá nhân, cửa hàng ở bất kỳ quy mô nào cũng có thể chấp nhận thanh toán thẻ. Sau 3 tháng triển khai, đã có khoảng 10.000 thiết bị ứng dụng MPOS. Sản phẩm này cũng đang được chúng tôi phát triển ở thị trường Indonesia. Ngoài ra, tôi đầu tư vào một ứng dụng dành cho các hãng taxi truyền thống, cung cấp cho họ “vũ khí” để đối đầu với cuộc càn quét của Uber hay GrabTaxi. Vừa qua, 3.000 lái xe của Tập đoàn Mai Linh đã triển khai ứng dụng này với tên là Open99.vn. Chúng tôi cũng đang đàm phán với một hãng taxi lớn của Indonesia để cung cấp giải pháp này cho họ. Tôi còn đầu tư vào khoảng 10 doanh nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á theo hướng như vậy.

* Điều gì khiến ông tự tin về khả năng thành công?

Đơn giản là vì tôi đầu tư vào các công ty không còn dưới góc độ của một fresh startup (tạm dịch: Lính mới khởi nghiệp) nữa mà tôi gọi là veteran startup (tạm dịch: Cựu binh khởi nghiệp) – đội ngũ nhiều kinh nghiệm đã thành công trong quá khứ và nắm được những bí quyết để thành công.

* Với xu hướng điện tử hóa như ông nói thì các sản phẩm đều phải theo hướng tích hợp trên điện thoại di động?

Nếu tính làm gì để có thể “đi theo” được người ta ra tận ngoài đường thì chỉ có gắn với cái điện thoại. Thế hệ startup thứ nhất của tôi là E-Commerce, tức là sản phẩm gắn với máy tính cá nhân. Thế hệ này sẽ là D-Commerce (Digitalize Comerce) hay là điện tử hóa thương mại.

* Và ở định hướng về thị trường thì không chỉ bó hẹp ở trong nước nữa?

Đúng vậy. Đây sẽ là những sản phẩm trí tuệ thuộc sở hữu của người Việt đi khai thác các thị trường nước ngoài. Nghe có vẻ điên rồ, nhiều người sẽ cho là đi ngược dòng nước và thậm chí dè bỉu, nhưng điều đó không quan trọng, miễn là tôi tự tin mình nằm được chìa khóa để điều khiển cuộc chơi.

* Định hướng của ông chuyển sang chữ D, vậy còn Peacesoft thì sao?

Theo thỏa thuận với các cổ đông cũ, Peacesoft vẫn tập trung vào chữ E.

Thế hệ startup thứ nhất của tôi là E-Commerce, tức là sản phẩm gắn với máy tính cá nhân. Thế hệ này sẽ là D-Commerce – Điện tử hóa thương mại.

* Ông đánh giá tiềm năng thị trường của E-Commerce và D-Commerce như thế nào?

Mỗi hướng có một cơ hội riêng. Chữ D tiềm năng rất lớn, nhưng tăng trưởng tại Việt Nam hiện nay vẫn chậm, chỉ khoảng 6%. Trong khi chữ E vẫn tăng trưởng rất nhanh, có năm tăng trưởng đến 100% và các nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào đó.

“Vũ khí” là hệ sinh thái

* Trước đây, Peacesoft có đưa ra mô hình hệ sinh thái ngôi sao năm cánh. Đến nay, hệ sinh thái này vận hành như thế nào rồi, thưa ông?

Chuỗi giá trị của chúng tôi sắp hoàn thiện với sản phẩm chuẩn bị ra mắt là kho vận. Trước đó, Shipchung – cổng vận chuyển và giao hàng thu tiền đã khá thành công.

* Trong hệ sinh thái này, sản phẩm nào đang được đánh giá là thành công nhất?

Chodientu.vn đang làm tốt nhất và đem lại tăng trưởng cho toàn bộ hệ sinh thái.

* Nhưng có vẻ sản phẩm này gặp phải sự cạnh tranh của rất nhiều thương hiệu sừng sỏ?

Đúng vậy, chodientu.vn đụng phải Lazada, VinEcom… nhưng chúng tôi không e ngại, bởi Peacesoft đã xây dựng thành công hệ sinh thái.

* Và bù lại thì họ có thương hiệu đình đám và có tài chính mạnh?

Mỗi “ông” đều có một cách riêng để sống. Nhưng ít nhất là tôi có hệ sinh thái để không bị các ông lớn đè chết. Tất nhiên việc có nguồn tiền dồi dào để đầu tư cũng mang lại cho các ông lớn những hiệu quả đáng kể. Ví dụ, với Lazada, họ sẵn sàng cho tiền khách hàng, khách hàng vào đó có thể mua được sản phẩm dưới giá vốn. Chiến lược này có thể thu hút được khách hàng rất nhanh trong giai đoạn đầu, nhưng không bền vững, vì sẽ đến lúc giá bán phải quay trở lại trạng thái trung bình. Còn với chúng tôi, hệ sinh thái giúp người bán hàng cảm thấy tiện dụng hơn. Trong khi với Lazada, không phải ai cũng bán hàng được, thì chodientu.vn là một hệ thống mở, ai cũng bán hàng được và khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

* Ngoài ra, theo ông doanh nghiệp Việt có còn lợi thế gì khác?

Tôi mong Việt Nam có những doanh nghiệp công nghệ đạt quy mô tương đương hoặc lớn hơn những doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, khai khoáng.

Sự linh hoạt. Nếu là doanh nghiệp toàn cầu thì chỉ đạo thường rất chậm và muốn thay đổi phải mất nhiều thời gian. Đó là chưa kể, nếu rơi vào tình huống xấu, con tàu to bao giờ cũng chìm nhanh hơn. Trong tình thế này, tôi nghiệm ra rằng, ra ngoài vẫn là cách tốt nhất. Khi anh ở trong nước, bị những thương hiệu lớn đè, anh thấy bế tắc và chán đời. Nhưng nếu bước ra bên ngoài để tìm cơ hội, sẽ có nhiều điều mở ra, cũng giống như bước lên một cảnh giới khác vậy (cười). Nhiều người sẽ bảo, ở Việt Nam còn bị đè như thế thì còn mơ làm được gì ở những nơi khác! Nhưng đó là tư duy lối mòn. Với tôi, tiến công là cách phòng thủ tốt nhất.

* Vậy bối cảnh nào khiến ông quyết định phải bước vào một “cảnh giới khác”?

Tôi đã có ý định đó từ cách đây vài năm và việc bán một phần công ty là để lấy vốn thực hiện ước mơ này. Có ba yếu tố chính tác động đến tôi. Đầu tiên, đó là nguồn cảm hứng đến từ các bậc đàn anh như Viettel, FPT, họ mạnh dạn đi chinh phục thị trường toàn cầu và họ đã làm được. Thứ hai, khi đi đến nhiều nước, tôi phát hiện ra rằng, có nhiều cái mình đang làm nhưng các nước trong khu vực chưa có hoặc có nhưng chưa tốt, tôi nghĩ: hay là mình đưa sản phẩm của mình sang đây bán. Lý do cuối cùng và quan trọng nhất: việc liên doanh với MOL, Ebay giúp tôi hiểu được cách thức mà một công ty đa quốc gia hoạt động và nhìn thấy rõ hơn các cơ hội.

* Đầu tư cùng lúc nhiều công ty, làm thế nào ông thu xếp được thời gian điều hành để đảm bảo các công ty đi đúng hướng?

Tôi mong Việt Nam có những doanh nghiệp công nghệ đạt quy mô tương đương hoặc lớn hơn những doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, khai khoángĐiều tôi làm chính là vạch ra chiến lược, định hướng và sản phẩm, đó cũng là niềm đam mê của tôi, vì vậy mà tôi có thể cùng một lúc vận hành nhiều công ty mà không cảm thấy quá tải. Với những bước đi cụ thể, tôi xây dựng hệ thống, đội ngũ để giúp mình thực thi.

* Đến thời điểm này nhìn lại, đâu là động lực lớn nhất để ông liên tục có những sự thay đổi trong tư duy kinh doanh về công nghệ, thậm chí là những cuộc lột xác?

Đầu tiên, tôi mong Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp công nghệ đạt được quy mô tương đương hoặc lớn hơn những doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, khai khoáng. Ở các quốc gia phát triển, những người giàu nhất đều làm trong lĩnh vực công nghệ hay năng lượng mới…

Mặt khác, tôi muốn chứng tỏ rằng, người Việt Nam có thể làm được điều gì đó không thua kém các quốc gia khác. Và cuối cùng, tôi thay đổi và làm những cái mới để tiếp tục được nhìn thấy những cơ hội khác. Nếu anh đứng yên thì anh sẽ không bao giờ nhìn thấy các cơ hội mới. Mặc dù chưa biết tiếp theo sẽ bước đén đâu, nhưng cứ phải bước, đó mới là một cuộc sống thú vị mà tôi tìm kiếm. Tôi còn có thể làm việc được khoảng 30 năm nữa, phải làm được điều gì đó cho tương lai chứ!

* Xin cám ơn ông.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here