Nội Dung Chính
Đầu tháng 11, hơn 1 tháng sau khi bị cáo buộc gắn phần mềm đo khí thải gian lận vào mô-đun điều khiển điện tử của các mẫu xe chạy nhiên liệu diesel sản xuất trong thời gian 2008-2015, Hãng ô tô Volkswagen (VW) đưa ra thông báo phát hiện thêm mẫu động cơ trong 800.000 xe tại châu Âu có dấu hiệu “bất thường”, nghi vi phạm mức phát thải khí CO2.
Mặc dù đã “tự thú”, nhưng các chuyên gia dự đoán hãng xe lớn nhất của Đức sẽ thiệt hại thêm khoảng 3 tỷ Euro vì sự cố này, sau khi đã mất gần 3,5 tỷ Euro trong vụ “thiết bị nói dối” hồi giữa tháng 9.
Hình ảnh của VW đang bị tổn thất nặng nề, đi ngược lại với những giá trị mà hãng xe này đã dày công xây dựng như: hiện đại, hiệu quả, kỹ thuật cao và thân thiện. Bây giờ, VW lại trở thành biểu tượng của gian dối, ô nhiễm, ung thư phổi.
Để tránh mất đi một thế hệ khách hàng đam mê những chiếc VW, công ty cần làm 3 điều sau:
1. Hoàn toàn minh bạch
Nếu còn bất cứ vấn đề gì, VW cần tiết lộ ngay bây giờ. “Một lời thú tội lớn vẫn tốt hơn những sự cố nhỏ giọt, kéo dài khiến công ty lâm vào tình trạng tệ hơn”, Bloomberg bình luận.
2. Xử lý sự cố
Khách hàng mua xe VW để sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu như lời quảng cáo của hãng. Vì vậy, công ty phải có trách nhiệm sửa chữa hoặc hoàn lại tiền cho những khách hàng đã bị “lừa” khi mua những chiếc xe không đúng chất lượng.
3. “Chiến đấu” bằng lợi thế
Trong khi những kỹ sư của VW đang mải mê viết những phần mềm để lừa cả thế giới về những chiếc xe chạy nhiên liệu sạch thì đối thủ Tesla đã phát triển những chiếc xe dùng pin cho tương lai. Những chiếc xe này không bao giờ vi phạm vào quy định khí thải vì thậm chí chúng còn không có ống xả, Bloomberg cho biết.
Tuy nhiên, kể cả khi Tesla đã khởi động trước trong cuộc đua xe điện thì vẫn không thực sự tạo được lợi thế trước VW. Công nghệ sản xuất xe điện vẫn còn là một cuộc đuổi bắt giữa các hãng xe lớn trên thế giới, kể cả những “tay chơi” mới như Google và Apple.
Cho đến nay, không có hãng xe nào hoàn toàn sản xuất xe điện. Ví dụ, chiếc hybrid BMW i8 là một tác phẩm hoàn hảo về công nghệ kỹ thuật cao nhưng gần như vô dụng khi sử dụng trong thực tế khi năng lượng điện chỉ có thể giúp xe đi được 20 dặm.
Một vài tuần trước, Volkswagen cũng đã tiết lộ kế hoạch phát triển xe điện và xe lai hybrid trong một thông cáo báo chí. Nhưng chủ yếu là các công cụ gia tăng: một nền tảng mô-đun mới để tạo ra các phiên bản truyền động điện của chiếc xe thông dụng, và hiệu suất cao cho thế hệ Phaeton tiếp theo, nhằm cạnh tranh trực tiếp với Tesla.
Về quy mô và tài chính, VW đều có nhiều lợi thế hơn đối thủ. Năm ngoái, Tesla chi 1,7 tỷ USD để xây dựng doanh nghiệp trong khi VW đã bỏ ra đến 30 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Trong khi, CEO Elon Musk của Tesla hy vọng doanh số của hãng tăng từ 50.000 chiếc xe lên 500.000 chiếc vào năm 2020 thì VW đã bán được đến 10 triệu chiếc xe/năm.
Giá trị cổ phiếu VW là 58 tỷ USD trong khi Tesla sở hữu giá trị vốn hóa chỉ 30 tỷ USD. “Nhà giàu” VW chiếm ưu thế trên mọi phương diện so với đối thủ.
Tuy nhiên, Tesla có được điều mà VW thèm muốn, đó chính là: sự thiện chí của khách hàng, nhà đầu tư vì đã mang đến tương lai tốt hơn cho nền công nghiệp xe hơi. Do đó, việc lớn nhất mà VW phải làm không phải là chiến đấu với bất cứ đối thủ nào mà là với chính những lỗi lầm quá khứ của họ. Và “cách duy nhất để bù đắp cho quá khứ là để cam kết tương lai”, Bloomberg bình luận.