7-Eleven vào Việt Nam: Khi các đại gia dồn lực giành khách từ chợ truyền thống & tạp hóa?

0
855

Mới đây, chuỗi cửa hàng 7-Eleven đã có những động thái chính thức đầu tiên để chuẩn bị đặt chân vào TPHCM. 7-Eleven đã đăng thông báo tuyển dụng hàng loạt các vị trí mà một cửa hàng tiện lợi cần có, như quản lý cửa hàng, nhân viên cửa hàng… Sự xuất hiện của 7-Eleven nằm trong xu thế bùng nổ của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini trên thị trường.

Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên như nấm

Các cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini đang phát triển nhanh chóng với tăng trưởng trên 2 con số mỗi năm. Kênh bán hàng này đang trở thành xu hướng bởi tính chất hiện đại, hàng hoá có xuất xứ rõ ràng, hệ thống quản trị tốt và là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ nông dân đưa hàng hoá vào đây.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bài toán đầu tư vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có lợi thế hơn hẳn so với đầu tư vào siêu thị truyền thống. Trong khi một siêu thị chuẩn cần mặt bằng trên dưới 10.000m2, với số vốn lên tới vài trăm tỷ đồng, thì việc mở một siêu thị mini hay cửa hàng tiện lợi đơn giản hơn rất nhiều. Ngoài ra, số lượng mặt hàng không quá lớn, thời gian thu hồi vốn của cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini khá nhanh là điểm cộng của mô hình này.

Quan trọng hơn cả, sự “tiện lợi” là điều thuyết phục được người tiêu dùng. Chị Thuý Vân, một người nội trợ chia sẻ: “Nhà tôi cách khá xa chợ truyền thống, đi xe máy thì không bõ công còn đi bộ thì tôi lười. Chính vì thế, từ khi có siêu thị mini V. ở gần nhà, tôi thường vào đây mua sẵn thịt đông lạnh và rau củ quả, rất tiện”.

Hay Việt Hưng, một sinh viên đại học năm thứ 3 (Hà Nội) cho biết: “Gần nhà trọ của em có cửa hàng tiện lợi K., em hay đến đây mua đồ lặt vặt, thậm chí đến mùa thi thì em ăn trưa và học bài ở đây luôn. Ở đó có tầng 2 rộng để ngồi, wifi, máy lạnh đầy đủ, đồ ăn cũng rẻ và ngon”.

Câu chuyện của chị Vân hay bạn Hưng cũng là câu chuyện của nhiều người khác, khi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang len lỏi khắp các ngóc ngách trên đường phố. Sự xuất hiện của những kênh mua sắm hiện đại này đang thu hút không ít khách hàng trẻ dịch chuyển từ các điểm mua sắm truyền thống như chợ hay tạp hóa, đặc biệt ở các đô thị lớn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cứ 69.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người. Dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn, cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng, rõ rệt khiến mô hình bán lẻ hiện đại này trở thành mảnh đất vô cùng tiềm năng.

Trong số các chuỗi cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini trên thị trường hiện nay, chuỗi Vinmart+ của Vingroup đang dẫn đầu. Tính đến cuối tháng 6/2016, Vinmart+ có 825 cửa hàng, cao gấp 4 lần đối thủ đứng sau là Shop&Go với 210 cửa hàng. Các chuỗi cửa hàng khác như Circle K có 178 cửa hàng, B’s Mart 146 cửa hàng, Ministop 58 cửa hàng. Hầu hết đều tập trung ở TPHCM và Hà Nội.

Với tốc độ mở rộng rất lớn nhằm nhanh chóng phủ kín thị trường, ước tính Vinmart+ hiện đã tăng lượng siêu thị lên 1.500 điểm trên cả nước, cao gấp 5 lần số cửa hàng hồi cuối năm 2015.

Tiềm năng thị trường rộng mở

Hầu hết các cơ quan nghiên cứu, khảo sát thị trường bán lẻ đều có cái nhìn tích cực về thị trường bán lẻ Việt Nam, là cơ hội rộng mở cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành bán lẻ tại Việt Nam hiện đạt trên 10% mỗi năm. Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt 2,68 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 10,2% so với năm trước. Trong đó, tỷ trọng doanh thu từ phương thức bán lẻ truyền thống chiếm tới 80%, còn bán lẻ hiện đại chỉ chiếm 20%.

Theo xếp hạng trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) do Tập đoàn Tư vấn Thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố hàng năm, Việt Nam liên tục nằm trong tốp 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới cho đầu tư nước ngoài từ năm 2008 đến nay.

Còn theo báo cáo của Kantar Worldpanel, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini còn hưởng lợi từ thói quen mua sắm nhỏ lẻ của người Việt, thường sử dụng xe máy và không mang vác quá nhiều đồ về nhà trong cùng một lần mua. Chính vì thế, các cửa hàng nhỏ, gần gũi với người tiêu dùng sẽ có lợi thế hơn so với các đại siêu thị hoành tráng, đặt tại các vị trí xa xôi.

Kế hoạch của 7-Eleven là mở 100 cửa hàng trong 3 năm tới và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm.

Kantar Worldpanel cho biết Vinmart+ sẽ mở hơn 1.000 cửa hàng trong năm nay và các chuỗi khác cũng đang có kế hoạch mở rộng đáng kể số lượng cửa hàng. 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi “khổng lồ” của Nhật Bản cũng đang rục rịch tuyển người để chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 4. Kế hoạch của 7-Eleven là mở 100 cửa hàng trong 3 năm tới và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm.

Mặc dù phát triển với tốc độ rất nhanh, nhưng cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini cũng có những nhược điểm của mình.

“Giá cả trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini luôn cao hơn giá tại các đại siêu thị, chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa. Chính vì thế, khi mua 1-2 món đồ, tôi chọn các cửa hàng tiện lợi, nhưng khi mua nhiều hơn, tôi sẽ tới các siêu thị lớn hơn”, chị Thúy Vân cho biết.

Như vậy, trong tương lai, để tận dụng được dư địa của thị trường và cạnh tranh được, phân khúc cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini phải tìm cách giảm giá sản phẩm thông qua tiết giảm chi phí, tinh gọn các khâu phân phối và lựa chọn sản phẩm nội địa có chất lượng ổn định.

Mặt khác, các cửa hàng tiện lợi/siêu thị mini đối mặt với rủi ro từ xu hướng mua sắm online. Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng và được Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thương mại điện tử bán lẻ chiếm tỷ trọng 50% tổng mức bán lẻ hàng hoá cả nước.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here