7 cách cạnh tranh với các “đại gia” bán lẻ

0
751

Trong nhiều năm qua, những công ty như Amazon, eBay đã thống lĩnh thế giới thương mại điện tử và xóa sổ nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn trong lĩnh vực này.

Những “đại gia” này sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để tiếp thị và chào bán nhiều loại hàng hóa với giá thấp đến nỗi khó có nhà bán lẻ nhỏ hơn nào đủ sức để cạnh tranh.

Sứ mệnh của các công ty bán lẻ trực tuyến hàng đầu này là: Thống lĩnh thị trường bằng mọi giá. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục trong vài thập niên tới.

Tuy nhiên, trong kinh doanh nói chung, khó có công ty nào có thể duy trì vị trí thống lĩnh hoàn toàn và vĩnh viễn. Thực tế đã cho thấy nhiều công ty lớn từng phải sụp đổ vì không theo kịp những đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn nhưng lại có những bước đột phá về công nghệ và sáng tạo.

Thị trường luôn phát sinh ra nhiều ý tưởng mới và luôn có những cách làm mới, những khái niệm mới về sản phẩm và dịch vụ. Nếu được đầu tư đúng mức, những công ty sở hữu những ý tưởng mới ấy hoàn toàn có khả năng đánh bại các đối thủ đứng đầu thị trường, hoặc ít nhất cũng tạo ra một phân khúc hẹp mới trên thị trường và thành công nhờ đó.

Từ thực tế này, John Rampton, một nhà đầu tư, nhà sáng lập của Pato Alto, một công ty tiếp thị có trụ sởở California (Mỹ) chuyên giúp các doanh nghiệp mới thành lập, đưa ra những lời khuyên cụ thể dưới đây giúp các công ty nhỏ mới thành lập cạnh tranh trực tiếp với các “nhà khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử.

1. Tạo ra những sản phẩm mới hay phân khúc thị trường hẹp

Nếu là một công ty bán lẻ mới thành lập, doanh nghiệp nên nghĩ đến việc đem đến cho thị trường những sản phẩm mới và mang tính “độc quyền”.

Chẳng hạn, Amazon đã từng giành được một vị thế rất mạnh trong ngành bán lẻ thông qua những thương vụ đặc biệt với các nhãn hiệu như Nike và Calvin Klein. Doanh nghiệp nên tập trung vào những phân khúc hẹp của thị trường chưa tồn tại trước đây hoặc chưa được thỏa mãn đầy đủ.

Doanh nghiệp cũng có thể tạo ra những nhãn hiệu mới hay những sản phẩm mới có tính sáng tạo cao để tránh cạnh tranh trực tiếp với các công ty lớn. Những nhãn hiệu bán lẻ mới nổi lên như Kickstarter, Chloe & Isabel và MeUndies là những công ty điển hình thu được thành công nhờ đi theo chiến lược này.

2. Tìm hiểu khách hàng

Sau khi đã có được ý tưởng về sản phẩm, doanh nghiệp cần phải kiểm nghiệm lại phản ứng của người tiêu dùng và chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường.

Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp muốn tạo ra một phân khúc thị trường mới cho sản phẩm quần áo dành cho trẻ em thì cần thu thập các dữ liệu về ý kiến của khách hàng triển vọng đối với nhãn hiệu của doanh nghiệp, mức độ hài lòng của các bậc phụ huynh, lý do khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp và những suy nghĩ, cảm nhận của họ khi tiếp cận với logo, màu sắc, thiết kế của nhãn hiệu, và quan trọng nhất là cách doanh nghiệp xây dựng quan hệ với khách hàng.

3. Đưa sản phẩm lên thị trường trực tuyến

Hiện nay doanh nghiệp có thể rút ngắn rất nhiều thời gian từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Doanh nghiệp không nhất thiết phải chờ cho đến khi sản phẩm hoàn chỉnh mới mở một trang web.

Với các công cụ như IM Creator và Wix (các trang web hỗ trợ xây dựng trang web), doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự phát triển các web miễn phí.

4. Quản lý việc bán hàng và các dữ liệu của khách hàng

Hiện nay việc ứng dụng các hệ thống bán hàng thanh toán qua POS (điểm bán hàng/point-of-sales) vào thương mại điện tử không tốn quá nhiều chi phí.

Các công ty như Vend hiện đã đưa công nghệ đám mây vào POS, giúp các doanh nghiệp quản lý dễ dàng hơn việc tồn kho và bán hàng. Vend cũng phát triển các hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) giúp doanh nghiệp thu thập các dữ liệu của khách hàng và sử dụng các dữ liệu này để tương tác với họ qua các mạng xã hội.

5. Xây dựng và duy trì quan hệ với khách hàng

Các dịch vụ như Hootsuite và Oktopost có thể giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả các chiến dịch tiếp thị và duy trì quan hệ với khách hàng và cộng đồng qua các mạng truyền thông xã hội.

Doanh nghiệp nên xây dựng văn hóa lắng nghe phản hồi của khách hàng từ các mạng xã hội và tìm các cơ hội đóng góp những thông tin có giá trị cho họ thông qua các mạng này.

6. Khai thác kênh thương mại điện tử qua thiết bị di động

Theo Alto, doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ có nguy cơ thất bại nếu không có chiến lược khai thác kênh này. Thiết bị di động hiện đang trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm mua sắm của khách hàng.

Họ có thể dùng điện thoại di động lúc đang ở cửa hàng để so sánh giá, chia sẻ trải nghiệm hay tìm hiểu thông tin về sản phẩm khi đang ở nhà.

Theo một nghiên cứu mới đây, 88% khách hàng cho biết các thiết bị di động giúp họ có nhiều thông tin thực hơn và làm cho việc mua sắm thoải mái hơn, ra quyết định mua hàng nhanh chóng và dễ dàng hơn. Trong khi đó, 63% cho biết sẽ mua hàng qua thiết bị di động nhiều hơn nữa trong vài năm tới.

7. Phát hiện và thỏa mãn các nhu cầu mới

Alto cho rằng, doanh nghiệp luôn có cơ hội để làm cho các thị trường hay các phân khúc thị trường hẹp tốt hơn. Khi thành lập một công ty mới, hãy tìm hiểu những nhu cầu mà thị trường mục tiêu của doanh nghiệp chưa được đáp ứng hay những khó khăn, than phiền thường xuyên của khách hàng, để từ đó sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Một nghiên cứu do UPS thực hiện gần đây sẽ giúp doanh nghiệp hiểu thêm nhiều điều về khách hàng mua hàng trực tuyến, các trải nghiệm và mong đợi của họ.

Những thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ sở để hướng tới những sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng khi đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here