Nội Dung Chính
Điều hành 700 nhân sự năm 27 tuổi và không có kinh nghiệm trong tay, Carlos Ghosn – CEO liên minh Renault-Nissan đã rút ra được 6 bài học quan trọng cho sự nghiệp quản lý sau này.
Những kinh nghiệm này đã được Carlos Ghosn chia sẻ trong một bài viết mang tên “Làm thế nào để những quản lý trẻ thành công?”. Ông đã viết:
Tại liên minh Renault-Nissan, chúng tôi có hệ thống tuyển chọn những cá nhân làm việc xuất sắc nhất tham gia chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo để tạo nguồn cho nội bộ.
Những người tham dự được tuyển chọn trên tiêu chí có tham vọng tạo ra những đóng góp tích cực lớn lao cho tổ chức. Họ là những cá nhân nổi bật so với 450.000 nhân viên toàn cầu của công ty. Một vài cá nhân tham dự chưa tròn 30 tuổi.
Chúng tôi thường đưa cho họ những thử thách khắc nghiệt để buộc họ bước ra khỏi “vùng an toàn” và bộc lộ hết khả năng của bản thân. Sức ép của những cá nhân này đến từ việc họ có thể quản lý hàng trăm hay thậm chí hàng ngàn công nhân, trong đó hầu hết đều lớn tuổi hơn họ.
“Phép thử lửa” đầu tiên của tôi bắt đầu vào năm 1981, khoảng thời gian tôi còn làm việc tại công ty lốp xe Michelin (Pháp). Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công ty. Chỉ 3 năm sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã hoàn thành chương trình tập huấn khắc nghiệt của công ty và nhận vị trí trưởng bộ phận sản xuất của nhà máy đặt tại Cholet (Pháp) của Công ty Michelin trong một năm.
Đến một ngày, tổng giám đốc sản xuất tại Pháp của Michelin gọi tôi lên và nói “Anh sẽ quản lý một nhà máy từ hôm nay”. Khi đó tôi chỉ mới 27 tuổi, thành viên trẻ tuổi nhất trong hội đồng điều hành của công ty. Tôi chuyển đến Puy-en-Velay (Pháp) và giữ vai trò giám đốc điều hành cho đội ngũ 700 nhân viên.
Nhờ giai đoạn này, tôi đã học được những bài học đắt giá, chúng theo tôi trong suốt sự nghiệp điều hành sau này. Đó là:
1. Xây dựng lòng tin
Nhiệm vụ đầu tiên bạn cần làm là xây dựng lòng tin với các thành viên trong tổ chức. Hãy rời khỏi bàn giấy và bắt đầu tìm hiểu thật kỹ những thành viên cùng trong nhóm điều hành với bạn.
Lúc còn ở Puy-en-Velay, tôi dành thời gian với từng thành viên trong ban điều hành, hỏi ý kiến họ về thách thức chính mà nhà máy đang đối mặt và cơ hội trong những thách thức này là gì. Tôi dành thời gian nói chuyện bên ngoài, lắng nghe các công nhân và thấu hiểu họ.
2. Phá bỏ các định kiến
Sinh ra ở Brazil, lớn lên ở Lebanon, và đi học đại học tại Pháp đã giúp tôi tin vào sức mạnh của sự đa dạng. Khi đến công xưởng, tìm kiếm những cá nhân có giải pháp cho vấn đề chung bất kể quá khứ của họ như thế nào, tôi nhận ra những ý tưởng tốt nhất đều đến từ đây.
Hãy tận dụng sức mạnh từ sự đa dạng tính cách trong đội ngũ nhân viên.
Nếu bạn có thể tổng hợp được cái hay trong ý tưởng của số đông thì giải pháp bạn đưa ra sẽ nhận được sự đồng thuận lớn. Bạn sẽ có một hậu phương vững chắc để cùng đi đến thành công.
3. Tự tin nhưng đừng tự cao
Cảm giác bị choáng ban đầu khi bước vào môi trường mới là điều hiển nhiên. Song, hãy nhớ cấp trên đã tin tưởng bạn thì bạn cần tin tưởng vào bản thân mình. Hãy gạt ra khỏi đầu những “đám mây” tự ti về năng lực của bản thân. Tuy nhiên đồng thời cũng đừng trở nên tự mãn với những gì mình đã biết.
Hãy đặt mình ở tâm thế người học bằng cách đặt thật nhiều câu hỏi và không ngại cho mọi người thấy điểm nào mình chưa hiểu. Hãy theo sát và hỏi thật kỹ vai trò, công việc của mỗi nhân viên nếu bạn chưa biết về họ.
Hãy mở lòng đón nhận mọi ý kiến phản hồi, nhất là các ý kiến tiêu cực. Trong trường hợp bị bối rối không ra được quyết định, bạn có thể hỏi để tham khảo lời khuyên từ cấp trên, đồng nghiệp, các chuyên gia quen biết hoặc bạn bè thân thiết. Lời giải sẽ đến từ những cá nhân bạn không ngờ nhất.
Khi bạn mở lòng lên tiếng nhờ giúp đỡ, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều người sẵn sàng giúp bạn.
4. Nghiêm khắc với bản thân
Những cá nhân khác sẽ sẵn lòng để tuân theo hướng dẫn của bạn nếu bạn cho họ thấy bản thân làm việc hết công suất, không ngại khó và cởi mở với những ý tưởng mới. Hãy thể hiện rằng thành công của bạn gắn liền với thành công của tập thể.
Hãy đặt mình ở tâm thế người học bằng cách đặt thật nhiều câu hỏi.
Nhà quản lý thành công là người làm mẫu cho những người khác. Bạn sẽ không thể đạt được mục tiêu nếu không truyền cảm hứng và động lực cho các thành viên đi cùng.
5. Lắng nghe và trao đổi
Những nhà quản lý trẻ thường nghĩ rằng họ cần nói liên tục, thực tế, họ cần lắng nghe nhiều hơn. Trong những tháng đầu tiên, bạn nên dành thời gian để lắng nghe vai trò, khó khăn của từng bộ phận. Sau đó, lập kế hoạch công việc với những yêu cầu chính, các mục tiêu định lượng cụ thể dựa trên các thông tin thu nhận được.
Bạn hãy truyền đạt nhiệm vụ này đến các thành viên cùng làm việc bằng nhiều dạng thứ khác nhau (như đối thoại giao nhiệm vụ, thuyết trình trước cả nhóm, họp bàn, chia sẻ qua video…) tùy theo từng trường hợp cụ thể.
6. Hiệu suất
Cuối cùng, tất cả những nỗ lực xây dựng niềm tin, giao tiếp thân thiện, lắng nghe tích cực… ở trên sẽ không mang đến hiệu quả nếu bạn không cho thấy hiệu suất giải quyết công việc của mình.
Vì vậy, hãy tập trung vào giải quyết dứt điểm những nhiệm vụ của bản thân và cho tập thể thấy kết quả xử lý đúng hạn.