Nội Dung Chính
1. Liên kết – Buôn có bạn, bán có phường
Liên kết là một xu hướng quan trọng của thế giới hiện nay, liên kết thường đem lại lợi thế khi chia sẻ mạng lưới phân phối, các chi phí marketing. Riêng trong lĩnh vực dịch vụ tiếp thị, PR, quảng cáo hiện nay cũng đã bắt đầu xuất hiện xu hướng liên kết giữa những công ty thực hiện các công đoạn khác nhau của một chiến dịch tiếp thị để đưa ra giải pháp tích hợp vừa trọn gói, vừa chuyên nghiệp cho khách hàng.
Đó là kiểu liên kết “xuôi dòng nước”, gồm công ty tư vấn chiến lược, nghiên cứu thị trường, dịch vụ marketing, quảng cáo và PR. Chưa vội đánh giá hiệu quả của kiểu liên kết này, nhưng nói một cách ví von, nếu như khả năng tiếp cận thị trường của mỗi công ty là một tấm lưới và nếu như ghép nhiều tấm lưới lại với nhau thì khả năng bắt được nhiều cá hơn hoặc cá to hơn là điều có thể thấy được.
Tuy nhiên, đây là một tấm lưới ghép nên điểm yếu và điểm mạnh cũng nằm ở ngay các điểm nối. Nếu một trong những tấm lưới có “chất lượng” không tương xứng với những tấm còn lại thì độ bền tấm lưới lớn cũng bị giảm dần theo thời gian, việc hợp tác giữa các đối tác khác nhau đòi hỏi phải có sự sàng lọc để đảm bảo tính tương thích với thị trường và bản thân mối liên kết.
2. Tận dụng một số công cụ PR/Quảng cáo ít tốn kém
Hãy là người dẫn đầu: Để tốn ít chi phí quảng bá hãy là người đầu tiên trong một lĩnh vực nào đó. Trung Nguyên đã tận dụng tối đa chiêu này khi xuất hiện trên khắp các mặt báo để trả lời những câu chuyện liên quan đến nhượng quyền thương hiệu, cà phê.
Đánh trúng mục tiêu chính: Để không lãng phí tiền, hãy đánh trúng mục tiêu. Quy luật 80/20 luôn hoạt động tốt. Cac chiến dịch của những tập đoàn hàng đầu thế giới luôn đánh vào một nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể: theo giới tính, độ tuổi, khu vực địa lý…
Tập trung vào khách hàng cũ: Các nghiên cứu tiếp thị cho thấy, chi phí để tiếp cận một khách hàng mới thông thường cao hơn từ 5 đến 15 lần chi phí duy trì một khách hàng đã có sẵn. Thông thường, các doanh nghiệp có thói quen đi tìm khách hàng mới nhiều hơn giữ quan hệ tốt với khách hàng cũ.
Nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí, hãy từ bỏ sở thích xa xỉ này. Nói một cách hình tượng, tương ứng với chi phí, ta cần phải ưu tiên khách hàng cũ gấp 10 lần khách hàng mới. Việc quan trọng nhất ở đây là xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu khách hàng.
Khi đã có cơ sở dữ liệu này trong tay, sẽ có vô số cách để tận dụng nó như: gưi thư trực tiếp, thiệp chúc mừng trong dịp đặc biệt, thông báo giảm giá, điểm ưu tiên cho thành viên, thăm dò ý kiến cho sản phẩm mới… Chúng ta có thể dễ dàng thấy những thành công của cách làm này tại hệ thống Co.op Mart.
Liên tục đưa ra những lý do để khách hàng quay lại: Các siêu thị ở Nhật thường có cách thức giống nhau để thu hút khách hàng cũ quay lại cửa hàng. Mỗi tuần, họ lại giảm giá vài mặt hàng khác nhau và thay đổi các mặt hàng giảm giá liên tục.
Khách hàng khó cưỡng lại việc quay lại siêu thị để có những khoản giảm giá cho các nhu cầu khác của họ. Và khi đến cửa hàng, ngoài những sản phẩm giảm giá họ còn mua thêm các sản phẩm khác do tiện dịp mua sắm.
Tận dụng “cây nhà lá vườn”: Dùng chính sản phẩm của doanh nghiệp để làm quà tặng khách hàng sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể vì chỉ phải tặng sản phẩm với “giá vốn”. Nếu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp bạn đòi hỏi phải có đôi chút kiến thức mới sử dụng được thì hãy in những quyển sách nhỏ để hướng dẫn chuyên môn.
Làm trước khi đối thủ thực hiện có thể gây thiện cảm với khách hàng mà không tốn nhiều chi phí. Khéo léo hơn, có thể tạo ra các sản phẩm một cách sáng tạo, độc đáo để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Chẳng hạn như trường hợp của gốm sứ Minh Long với cúp Rồng Việt và chiếc võng xếp Duy Lợi khổng lồ được đem bán đấu giá trong chương trình truyền hình trực tiếp của VTV gần đây với giá “ngất ngưởng”. Hiện nay, mỗi ngày có đến hàng ngàn người tham quan chiếc võng này của Duy Lợi tại Công viên Văn hóa Đầm Sen.
3. Tiếp thị truyền miệng: nhanh, bổ, rẻ
Theo một nghiên cứu gần đây của Ban tổ chức Hàng Việt Nam Chất lượng cao thì hình thức “truyền miệng thông qua người quen” là kênh thông tin chiếm đến 19,04% trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người mua hàng. Yếu tố người quen giới thiệu chỉ đứng sau quảng cáo và kinh nghiệm của bản thân người mua.
Ngoài ưu điểm lan truyền nhanh, chi phí thấp thì tiếp thị truyền miệng có thể gặp rủi ro khi thông tin truyền đi bị sai lạc hoặc theo những diễn tiến không lường trước được. Tiếp thị truyền miệng còn được dùng như một vũ khí để tấn công đối thủ.
4. Chiến thắng tại cửa hiệu
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi ngành hàng đều có rất nhiều nhãn hiệu cạnh tranh nhau khốc liệt với trong cùng một phân khúc. Các nhãn hiệu này chỉ hơn nhau một khoảnh khắc, khi người tiêu dùng quyết định chọn mua nhãn hiệu này chứ không phải nhãn hiệu kia. Dân trong nghề gọi cái khoảng khắc vàng ấy là the first moment of truth.
Theo điều tra 80% quyết định mua hàng của người tiêu dùng xảy ra tại cửa hiệu, chứ không phải khi người ta thấy quảng cáo ở trên báo đài hoặc khi nghe bạn bè nói. Điều này giúp các nhãn hiệu nhỏ không có khả năng quảng cáo rộng rãi trên báo đài vẫn có cơ hội bán được hàng, nếu họ biết tập trung để chiến thắng tại cửa hiệu.
5. Tiếp thị trực tiếp: Bắn trúng đích ngắm
Tiếp thị trực tiếp là một trong những hình thức đã được các công ty, nhãn hàng lớn thực hiện xen kẽ và rất thường xuyên tại Việt Nam như các sản phẩm về bảo hiểm, bất động sản, ôtô, dịch vụ viễn thông, mỹ phẩm…
Cũng có người cho rằng đây là hình thức không tiết kiệm, vì phần lớn khách hàng khi bắt gặp brochure, quà tặng hay bất cứ vật phẩm quảng cáo nào khác thường vứt qua một bên, và như vậy xem như số tiền dành cho việc in ấn, sản xuất những vật phẩm trên không còn mấy hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu xác định mục đích rõ ràng và có chiến lược thị trường tập trung cụ thể, thì phương thức này sẽ đem lại hiệu quả cao, đặc biệt tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hai lợi điểm cốt lõi trong khi thực hiện là: sản phẩm được giới thiệu một cách rõ ràng, cụ thể và sản phẩm được đưa đến đúng đối tượng có nhu cầu.