Xu hướng truyền thông hội tụ

0
819

Một báo cáo của NiemanLab vào cuối tháng 5 cho biết, số người sử dụng các công cụ chặn quảng cáo trên điện thoại di động (mobile adblocking) đã lên tới 419 triệu người, tức là bằng 22% trong số 1,9 tỷ người sử dụng smartphone trên toàn cầu.

Càng quan ngại hơn, theo một báo cáo khác của Reuters Institute, những người trẻ – thế hệ millenium, lực lượng mua hàng chủ lực, là những người tích cực sử dụng adblocking nhất.

Mobile – nền tảng truyền thông thời thượng

Trong khi đó, chúng ta phải thừa nhận một điều rằng, mobile đang trở thành một nền tảng truyền thông thời thượng, đe doạ sự tồn vong của các phương tiện truyền thông truyền thống, bao gồm cả báo in và truyền hình.

Các ông lớn về công nghệ và truyền thông như Facebook và Google đang tận dụng rất tốt ưu thế của xu hướng này, tạo ra ngày càng nhiều những tiện ích thân thiện với điện thoại di động như Instant Articles hay AMP. Các dịch vụ OTT như Viber, Zalo… cũng đang trở thành các phương tiện truyền thông lấn lướt. Báo chí dần phụ thuộc vào các nền tảng truyền thông mới này, theo cái cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”, buộc phải chung sống để tránh tụt hậu về công nghệ.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Số lượng phát hành của báo in sụt giảm thê thảm. Hầu như người ta đang mất dần thói quen truy cập vào các trang báo điện tử, mà chỉ đọc những gì được chia sẻ trên facebook. Một bộ phận lớn chọn xem truyền hình qua website và các kênh Youtube của các đài truyền hình. Và số liệu chưa được kiểm chứng là tỷ lệ dùng adblocking trong giới trẻ khoảng 15%.

Như vậy là, cả báo chí và doanh nghiệp, các nhà quảng cáo buộc phải tính đến những giải pháp bền vững hơn. Một mặt, báo chí phải tham gia vào cuộc chơi của di động và mạng xã hội, nhưng không phải theo cái cách mà chúng ta đang làm, đó là thân thiện hoá website thông thường trên màn hình di động và chia sẻ đường link trên mạng xã hội. Thay vào đó, báo chí phải tính đến việc xây dựng những nền tảng nội dung mới ứng dụng trên thiết bị di động và mạng xã hội.

Mặt khác, báo chí và doanh nghiệp phải bắt tay trong chiến lược chuyển hướng sang marketing bằng nội dung (content marketing) và quảng cáo tự nhiên (native advertising), các hình thức quảng bá dựa trên trải nghiệm nội dung của bạn đọc. Shane Snow, COO của Contently, chuyên về content marketing, dự đoán tổng chi phí cho content marketing trên toàn cầu đến năm 2019 sẽ vào khoảng 50 tỷ USD – con số cho thấy sự chuyển dịch trong cơ cấu ngân sách marketing kỹ thuật số của các doanh nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các xu thế công nghệ mới trong thể hiện nội dung đang được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm. Năm ngoái, New York Times đã tặng không cho độc giả ở Hoa Kỳ 1,2 triệu chiếc kính thực tại ảo (VR) Google Cardboard, một động thái được cho là tờ báo này dọn đường để cung cấp nội dung bằng video và hình ảnh 360 độ.

CEO của New York Times, Mark Thompson tuyên bố họ đã kiếm được lợi nhuận từ công nghệ thực tại ảo và sẽ tiếp tục có lãi trong năm nay. Facebook cũng đã nỗ lực cung cấp khả năng upload video 360 độ cho tất cả mọi người dùng, một động thái không nằm ngoài trào lưu VR đang bùng phát này.

Hội tụ cách nào?

Tất cả cho thấy, đối chọi với adblocking, sự xâm lấn của mạng xã hội vào công nghiệp truyền thông, báo chí đang tích cực tạo ra nhiều giải pháp nội dung mới, trên nhiều nền tảng truyền thông mới, sử dụng chính các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Instagram. Một lần nữa, người ta lại đặt ra vấn đề chuyển đổi sang xu hướng truyền thông hội tụ (media convergence) trong báo chí, một khái niệm không mới, nhưng đang được hoàn thiện dựa trên sự phát triển của công nghệ và nhu cầu sinh tồn của truyền thông truyền thống.

Truyền thông hội tụ là chuyển tải nội dung trên các nền tảng truyền thông khác nhau trong một hệ sinh thái thống nhất, không thay thế hay triệt tiêu lẫn nhau, mà ngược lại có tác dụng bổ trợ và tối ưu hoá các nền tảng khác trong hệ sinh thái. Định nghĩa này đề cao tính cạnh tranh cộng sinh và quảng bá chéo giữa các nền tảng truyền thông khác nhau trong một hệ thống hội tụ của các cơ quan báo chí. Như thế, hội tụ không phải đơn thuần là sự thay đổi vật lý trong một toà soạn, mà là sự đổi mới trong cơ chế quan hệ giữa các hình thái truyền thông, càng không phải là sự chuyển tiếp từ truyền thông truyền thống sang truyền thông mới.

Trong tương lai gần, mỗi cơ quan báo chí sẽ là một hệ sinh thái đa nền tảng truyền thông, ở đó các kênh truyền thông truyền thống như báo chí in, truyền hình, radio, sẽ tương tác với báo chí điện tử, di động, mạng xã hội, v.v… và gắn kết chặt chẽ với trải nghiệm của bạn đọc. Doanh nghiệp, từ đó, sẽ hưởng lợi từ sự phong phú, đa dạng và khả năng tương tác với đối tượng khách hàng từ dòng chảy nội dung qua các hệ thống đa nền tảng mà báo chí xây dựng và phát triển.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here