Twitter và Linkedin có địch nổi Facebook?

0
696

Sự đi xuống của cổ phiếu LinkedIn và Twitter là hồi chuông báo động mới nhất về giá trị thực của các tập đoàn công nghệ.

“Tôi khá ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra, vì tình hình kinh doanh của chúng tôi không có thay đổi gì quá lớn cả”.Đó là tâm sự của Steve Sordello, Giám đốc Tài chính mạng xã hội LinkedIn, hồi đầu tháng 2 này.

Giá cổ phiếu của LinkedIn đã sụt giảm tới 40% chỉ trong 1 ngày sau khi Công ty công bố kết quả kinh doanh quý IV/2015. Dù doanh thu của LinkedIn đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kết quả này vẫn không làm an lòng các nhà đầu tư: trong cùng thời gian, doanh thu của đối thủ số 1 Facebook đã tăng tới 52%.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay giá cổ phiếu của một mạng xã hội khác là Twitter cũng đã giảm 38%, chỉ còn 17,5 USD, giảm mạnh so với mức giá hồi đầu năm 2014 là 70 USD/cổ phiếu. Mặc dù doanh thu quý IV/2015 của Twitter đã tăng 48%, nhưng chi phí hoạt động cũng tăng theo 52%. Kết quả là Twitter đã lỗ 90 triệu USD trong quý và 521 triệu USD cả năm.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá trị cổ phiếu của cả LinkedIn lẫn Twitter đều đã giảm tới hơn 60%. Một dấu hiệu dễ thấy về tình trạng khó khăn ở 2 công ty này là việc các CEO đồng loạt đưa ra những bài diễn văn động viên nhân viên tiếp tục ở lại.

Gần phân nửa dàn lãnh đạo cấp cao của Twitter rời công ty hồi đầu năm nay, bao gồm những người đứng đầu các mảng kỹ thuật, truyền thông và nhân sự. Để trấn an, CEO Jack Dorsey đã có một bài diễn văn nội bộ được hưởng ứng nhiệt liệt. Hai tuần sau, báo cáo quý IV/2015 của Twitter cho thấy lượng người dùng mạng xã hội này đang hoàn toàn giậm chân tại chỗ.

Về phía LinkedIn, sau khi giá cổ phiếu công ty giảm tới 40% chỉ trong ngày 5.2, CEO Jeff Weiner tuyên bố với các nhân viên: “Chúng ta để việc định giá cho thị trường quyết định và chỉ tập trung vào việc thực hiện thật tốt kế hoạch của mình, vào những thứ cơ bản nhất. Nếu chúng ta làm được điều đó, vấn đề định giá sẽ tự động được giải quyết”. Trang tin công nghệ Mashable bình luận: “Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, nhất là khi tình hình cổ phiếu của công ty bạn đang chìm lỉm”.

Một vấn đề nghiêm trọng mà cả 2 mạng xã hội này đều gặp phải là hiệu quả kinh doanh của họ đang thua kém quá nhiều so với Facebook. Theo số liệu năm 2015, trong khi mỗi nhân viên của Facebook tạo ra doanh thu bình quân là 1,4 triệu USD thì mỗi nhân viên của LinkedIn chỉ mang lại 320.000 USD; Twitter còn thảm hại hơn với con số 245.000 USD. Trong khi Facebook thu về hơn 1 tỉ USD lợi nhuận mỗi quý (trong quý IV/2015 là 1,56 tỉ USD) thì cả Twitter lẫn LinkedIn đều không kiếm được đồng lợi nhuận nào trong 4 quý liền.

Nhìn chung, vấn đề của cả Twitter lẫn LinkedIn đều đến từ tính năng sản phẩm. Dàn lãnh đạo Twitter thường xuyên biện hộ về số lượng người dùng của mạng xã hội này so với Facebook. Lý lẽ của họ là do Twitter không đòi hỏi yêu cầu đăng nhập để xem nội dung, nên có tới 500 triệu người thường xuyên truy cập mà không đăng ký tài khoản và như vậy, tổng số người dùng Twittter thực tế là hơn 800 triệu người, bằng một nửa của Facebook.

Dĩ nhiên, điều này cũng có nghĩa là Twitter không thu thập được thông tin gì về số người dùng không tài khoản này để phục vụ cho hoạt động bán quảng cáo. Giám đốc Tài chính Anthony Noto của Twitter từng nói rằng nhóm người dùng này là một thị trường tiềm năng trị giá tới hơn 11 tỉ USD và cho tới nay, mọi chuyện phần lớn vẫn đang dừng ở dạng… tiềm năng. Có lẽ điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên khi Twitter đã thay tới 6 đời giám đốc sản phẩm trong vòng 6 năm qua.

Trong khi đó, Facebook vừa có thể thu thập thông tin về gần 1,6 tỉ người dùng để giúp các thương hiệu thực hiện chiến dịch quảng cáo có độ chính xác cao, lại vừa tinh chỉnh thuật toán để người dùng luôn được thấy các loại nội dung mà họ quan tâm nhất và ở lại trên website lâu hơn. Theo khảo sát tháng 4.2015 của Pew Research, có tới 70% người dùng Facebook truy cập vào mạng xã hội này hằng ngày, trong khi tỉ lệ này của Twitter chỉ đạt 38%, còn của LinkedIn vỏn vẹn 22%.

Về phía LinkedIn, mặc dù đánh vào một thị trường ngách màu mỡ là dịch vụ dành cho khối doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, nhưng xem ra mạng xã hội này chưa thể hiện được ưu thế rõ ràng so với chiến lược phục vụ thị trường đại trà của đối thủ Facebook. Doanh thu bình quân người dùng (ARPU) của LinkedIn chỉ hơn 2 USD, bằng với Twitter và thua xa mức 3,73 USD của Facebook.

Hiện tại, gần 2/3 doanh thu của LinkedIn đang đến từ các dịch vụ kết nối nhà tuyển dụng với người tìm việc làm và 1/3 còn lại đến từ các gói quảng cáo. Trong mảng dịch vụ việc làm, LinkedIn đang đối đầu với một số đối thủ mới có tốc độ tăng trưởng cực nhanh là Glassdoor và Indeed.

Về phương diện sản phẩm quảng cáo, mặc dù người dùng LinkedIn có thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với người dùng Facebook, nhưng giá trị của một giao dịch đến từ Facebook cũng đạt 165 USD, không thua kém nhiều so với mức 207 USD của LinkedIn. Ngoài ra, LinkedIn cũng vừa ngưng phát triển gói dịch vụ marketing B2B Lead Accelerator chỉ sau chưa đầy 1 năm ra mắt.

Liệu Twitter và LinkedIn có còn cơ hội lật ngược thế cờ, khi mà các luật chơi khắc nghiệt của thị trường sẵn sàng nhấn chìm họ? Chuyên gia phân tích độc lập Lior Alkalay bình luận: “Việc hiệu ứng domino xảy ra chỉ còn là vấn đề thời gian. Đầu tư vào xây dựng thương hiệu trên một mạng xã hội đòi hỏi nhiều chi phí. Nếu như bộ phận marketing của các thương hiệu nhận thấy rằng Twitter và LinkedIn đang gặp nhiều khó khăn tài chính và có thể sẽ không còn tồn tại trong nay mai, vậy thì lý do gì để họ bỏ tiền ra cho 2 mạng xã hội đó?”.

Nhìn toàn cảnh, sự đi xuống của cổ phiếu LinkedIn và Twitter còn là hồi chuông báo động mới nhất về giá trị thực của các tập đoàn công nghệ, điều mà nhiều người nghi ngờ là đã bị thổi phồng quá mức trong những năm qua.

Giá cổ phiếu của trang web đặt thức ăn GrubHub, vốn còn có giá trị vốn hóa lên tới 4 tỉ USD hồi tháng 3 năm ngoái, đã giảm tới 60% trong vòng chưa đầy 1 năm. Dịch vụ cho vay ngang hàng (p2p lending) Lending Club từng một thời được định giá 6 tỉ USD lúc chuẩn bị IPO hồi tháng 12.2014, nay cũng đã mất tới gần 50% giá trị cổ phiếu. Công ty công nghệ y tế Theranos vừa mới được định giá 9 tỉ USD hồi cuối năm ngoái thì đang lao đao, sau khi 2 cuộc điều tra liên tiếp của tờ Wall Street Journal và Chính phủ Mỹ làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về độ tin cậy của công nghệ xét nghiệm máu do hãng này phát triển.

Theo ước tính đầu năm nay của Tạp chí Fortune, trên toàn thế giới đang có khoảng 173 công ty khởi nghiệp thuộc dạng “kỳ lân” (unicorn), nghĩa là công ty cổ phần nội bộ với mức định giá ít nhất 1 tỉ USD. Tổng mức định giá của các công ty này lên tới 585 tỉ USD và điều đáng nói nhất là hầu hết đều đang thua lỗ.

Ngay cả Uber với mức định giá 62,5 tỉ USD cũng đang bị đặt nhiều câu hỏi về triển vọng lợi nhuận. Trong 3 quý đầu năm 2015, Uber đã lỗ 1,4 tỉ USD trên doanh thu 1,2 tỉ USD. Tập đoàn thương mại điện tử Amazon là một ví dụ hay được đưa ra về việc chấp nhận lỗ lớn để tăng trưởng trước khi có lãi, nhưng ngay cả trong giai đoạn 4 quý tồi tệ nhất của Amazon hồi năm 2000 thì họ cũng chỉ lỗ 1,4 tỉ USD trên doanh thu 2,8 tỉ USD.

Giáo sư Steven Davidoff Solomon của Đại học UC Berkeley bình luận trên New York Times: “Sắp có nhiều chuyện thú vị xảy ra ở Thung lũng Silicon. Khi các “kỳ lân” hóa thành lừa, đó là lúc các luật sư vào cuộc và tìm cách phân chia tài sản giữa các nhà sáng lập, nhà đầu tư và đội ngũ nhân viên đầy hậm hực. Mục tiêu khi đó không còn là tạo ra các khối tài sản tỉ đô nữa, mà chỉ là cố gắng trục vớt tàn dư từ bong bóng “kỳ lân” đang nổ tung”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here