Nội Dung Chính
“Miếng bánh” giao nhận thức ăn tại thị trường Việt Nam vốn đã béo bở từ những ngày đầu, nay càng tăng giá trị bởi hàng loạt tên tuổi từ Now, GrabFood đến GoFood…
Trong khi các “cơn mưa” khuyến mãi, giảm giá chỉ đủ sức giữ chân khách hàng trong nay mai, thì tốc độ dường như đang là con át chủ bài níu kéo sự trung thành của người dùng về lâu dài.
Ai nhanh hơn, người đó thắng!
Một điều khó có thể phủ nhận rằng, tốc độ đóng vai trò quan trọng trong ngành dịch vụ giao nhận thức ăn trực tuyến. Bởi, món ăn có giữ trọn hương vị hay không, trải nghiệm ẩm thực có đúng như mong đợi hay không đều phụ thuộc phần lớn vào hai chữ “tốc độ”. Điều này đã được minh chứng bởi kết quả nghiên cứu gần đây nhất do Công ty Nghiên cứu Thị trường GCOMM thực hiện: 65% người tiêu dùng đồng ý tốc độ giao thức ăn là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn dịch vụ giao nhận thức ăn.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện thỏa mãn “chiếc bụng đói”, cuộc chiến giữa các dịch vụ đặt món trực tuyến hiện nay còn là cuộc đua tốc độ nhằm chinh phục khách hàng. Từ “tên tuổi cũ” đến những “gương mặt lạ” đều nhanh chóng nhận ra chân lí của thị trường giao thức ăn đầy khốc liệt: Kẻ nào nhanh hơn kẻ đó thắng!
Là một “người đi trước” có kinh nghiệm, Now đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua “tốc độ” gay cấn bằng việc “phủ đầu” truyền thông với câu khẩu hiệu dễ hiểu nhưng đánh thẳng vào trọng tâm: “Đặt đồ ăn, giao hàng từ 25 phút”. Đi cùng với câu khẩu hiệu ấy, Now cũng liên kết chặt chẽ với các nhà hàng để đơn giản hóa thủ tục đặt mua, cam kết rút ngắn thời gian giao hàng, cải thiện tốc độ giao đồ ăn tới người sử dụng.
Cuộc đua ngày càng trở nên thú vị hơn với sự góp mặt của tân binh GoFood. Bên cạnh những “cơn mưa” khuyến mãi vô cùng hấp dẫn, thì chiêu bài tốc độ cũng được GoFood tận dụng triệt để. Chọn cho mình một hướng đi riêng với sự khẳng định của một danh sách nhà hàng đa dạng nhưng GoFood cũng không quên nhắc đến yếu tố tốc độ trong câu khẩu hiệu: “Món gì cũng có, mà còn giao nhanh”.
Và cũng thiếu sót nếu bỏ qua những động thái “gắt” không kém từ GrabFood, như chương trình khuyến mại gần đây: “Giao món 20 phút hoặc 0 đồng”. Dù chỉ mới chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam vào tháng 6/2018, GrabFood sẵn sàng “thách thức” những tên tuổi lâu đời khi khẳng định tốc độ giao thức ăn trung bình 25 phút/đơn hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Thậm chí, thời gian giao hàng của GrabFood, theo ghi nhận của phóng viên, chỉ khoảng 20 phút ở một số khu vực tại trung tâm TP.HCM.
Dễ dàng thấy rằng, chính khách hàng chứ không phải ai khác là người được lợi lớn nhất từ cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Với những lợi thế riêng, chiến lược riêng, các dịch vụ luôn không ngừng nỗ lực cải tiến dịch vụ, đặc biệt là tốc độ, nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Thương hiệu nào chiếm ưu thế?
Ông Lê Minh Phương (Giám Đốc bộ phận Nghiên Cứu Thị Trường của GCOMM – đơn vị thực hiện nghiên cứu gần đây nhất về thị trường giao thức ăn) nhận định: “Rõ ràng tốc độ giao món là yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng – dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ chiếm lợi thế.”
So về số lượng, khó thương hiệu nào có thể cạnh tranh với Grab. Theo thông tin mới nhất mà hãng cập nhật, hiện Grab có lực lượng đối tác tài xế lên đến 175.000 – trong đó số lượng hai bánh chiếm phần lớn. Với cơ chế “shipper” đến mua món trực tiếp, cùng lực lượng đối tác tài xế “hùng hậu” nói trên, luôn có “shipper áo xanh” nhận đơn và giao món hầu như ngay lập tức cho khách hàng.
Điều này giải thích tại sao, 80% người tham gia khảo sát của GCOMM đồng ý với nhận định: GrabFood là ứng dụng giao thức ăn nhanh nhất Việt Nam. Ngoài ra, khách hàng GrabFood cũng đánh giá cao mức giá cạnh tranh mà ứng dụng này đưa ra, hệ thống nhà hàng đa dạng, thái độ tài xế, cũng như nhiều các nhận định tích cực khác về món ăn.
Theo hãng công bố, thời gian trung bình để giao một đơn hàng GrabFood là 20-25 phút. Tính tới thời điểm hiện tại, chưa có hãng nào công bố tốc độ vượt trội hơn. Bên cạnh đó, GrabFood cũng là dịch vụ duy nhất sở hữu nhiều món ăn/thức uống độc quyền từ các nhà hàng nổi tiếng với chương trình “Món độc quán quen”. Những món ăn độc quyền liên tục nằm trong top 3 món ăn được đặt giao nhiều nhất trong vòng 1 tháng kể từ khi ra mắt.
Có thể nói, việc nâng cao chất lượng dịch vụ bằng các yếu tố như tốc độ giao hàng, trải nghiệm người dùng mới thật sự là chiến lược lâu dài và đúng đắn đối với thị trường tiềm năng nhưng không kém phần cạnh tranh này. Điều này có thể lí giải việc những “ông lớn” như Now hay GrabFood vẫn chiếm được ưu thế dù các tân binh xuất hiện ồ ạt.