Gần 2 tỷ người đang thường xuyên online trên Facebook. Sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội này đang kéo theo nhiều hệ lụy chết người.
Vụ việc mới đây tại Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động quá khủng khiếp của Facebook với người dùng. Một bé gái mới 11 tháng tuổi đã bị chính cha đẻ, vốn là một facebooker, sát hại rồi quay trực tiếp trên kênh Facebook Live.
Còn rất nhiều trường hợp mang tính chất tàn bạo và phi đạo đức khác cũng được truyền trực tiếp trên Facebook Live.
Với gần 2 tỷ người dùng thường xuyên, Facebook đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Dường như Facebook đã vượt quá khuôn khổ các thuật toán máy tính thông thường, và một nhóm nhỏ nhân viên và đơn vị được thuê không thể quản lý cùng lúc hàng nghìn tỷ post trên mạng xã hội này.
Tất nhiên, Mark Zuckerberg không thể để mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong một bài viết đăng trên Facebook, CEO này nói rằng trong năm tới công ty sẽ thuê thêm 3.000 người chỉ để kiểm soát các nội dung không phù hợp, đặc biệt là các video được truyền trực tiếp.
Gần 2 tỷ người đang thường xuyên online trên Facebook.
Những người này đóng vai trò như “cảnh sát nội dung”, được toàn quyền xử lý các bài viết và nội dung vi phạm.
“Nếu muốn xây dựng một cộng đồng an toàn, chúng ta cần phản ứng nhanh chóng. Điều chỉnh mới sẽ cho phép người dùng phản hồi ngay lập tức các video có vấn đề để Facebook đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả”, Zuckerberg cho biết.
Tuy nhiên, Zuckerberg không nói rõ Facebook sẽ có những thay đổi mới nào.
Tuyên bố của Zuckerberg được đưa ra sau khi Facebook Live, dịch vụ phát video thông dụng của hãng, bị lợi dụng để phát đi những cảnh quay khủng khiếp, bao gồm một kẻ khoác lác về việc chọn giết người ngẫu nhiên ở bang Ohio (Mỹ), và vụ sát hại trẻ sơ sinh ở Thái Lan.
Facebook bị chỉ trích vì không thể kiểm soát những việc làm vi phạm đạo đức này. Ngoài ra, đội ngũ ít ỏi của Facebook cũng không thể chặn hết các nội dung gây hại kiểu như khoe ảnh nude hay rao bán súng bất hợp pháp.
Facebook cũng bộc lộ những hạn chế khác của thuật toán tự động, chẳng hạn không thể ngăn chặn thông tin giả mạo hay phần cung cấp thông tin News Feed chủ yếu để câu view.
Mặc dù đích thân Zuckerberg cam kết sẽ kiểm soát nội dung tốt hơn nhưng nhiều người dùng Facebook tỏ ra không tin sẽ có thay đổi đáng kể. Sự nghi ngờ này thể hiện qua hàng trăm bình luận tiêu cực đối với bài viết của Zuckerberg.
Hầu hết người chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung trên Facebook đều ở dạng thuê mướn. Đó là các nhà thầu nước ngoài được trả lương rất thấp. Họ chỉ dành trung bình một vài giây đảo qua các post xem chúng có vấn đề gì hay không.
Theo cuộc điều tra năm ngoái của National Public Radio, các đơn vị thầu khoán trên không tuân thủ triệt để tiêu chuẩn của Facebook. Cách làm việc của họ rất hời hợt, nhưng lại tương xứng với số tiền ít ỏi mà họ nhận được.
Zeynep Tufekci, phó giáo sư tại Đại học North Carolia, nói rằng bà không ngạc nhiên khi chức năng phát video trực tiếp của Facebook có thể dẫn tới những vụ tự tử, giết người, lạm dụng hoặc tra tấn.
Thậm chí FBI cũng coi Facebook Live là kênh theo dõi các hành vi phạm tội. FBI từng liên hệ với Facebook để điều tra một số vụ án liên quan.
Về phần Facebook, hãng không có ý định dẹp tiệm chức năng Facebook Live. Quảng cáo trên kênh video này đang mang lại khá nhiều lợi nhuận.
Thực tế, quảng cáo chính là nguồn nuôi sống Facebook, đóng góp hầu hết cho doanh thu và lợi nhuận của hãng. Chỉ trong quý đầu năm nay, Facebook kiếm được 3,1 tỉ USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Facebook đang cố cân bằng giữa kiểm soát nội dung với tự do ngôn luận. Tính năng video của Facebook đóng vai trò rất quan trọng. Nó là kênh chia sẻ hàng triệu câu chuyện cá nhân và các sự kiện được công chúng quan tâm.
Hàng loạt video cảnh sát Mỹ bắn người da đen không trang bị vũ khí đã thổi bùng tranh luận khắp nơi về phân biệt chủng tộc và khả năng thực thi pháp luật. Facebook cũng bị chỉ trích vì không ngăn các video bạo lực chống lại cảnh sát Maryland hồi năm ngoái.
Quyết định thuê thêm người kiểm soát nội dung sẽ giúp mạng xã hội này phản ứng tốt hơn với nội dung xấu, vì dù sao con người cũng có thể hiểu ngữ cảnh tốt hơn thuật toán máy móc.
Đề cập tới các hành vi bạo lực gần đây, Zuckerberg cho rằng đó là sự kiện “đau lòng”, đồng thời nói rằng công ty muốn thực thi quy trình đơn giản và nhanh hơn để người kiểm soát nội dung có thể phát hiện và xử lý ngay vấn đề, đồng thời báo cho cơ quan chức năng nếu cần thiết.
Zuckerberg cũng nhắc tới các công cụ trí tuệ nhân tạo và nói rằng chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho bộ phận kiểm soát nội dung.
Thực ra, Facebook không phải công ty duy nhất đối mặt với trở ngại kiểu này. Google đang phải đánh vật với những vấn đề tương tự liên quan tới kênh video YouTube và hệ thống quảng cáo tự động.
Hệ thống quảng cáo tự động của Google chính là “tội đồ” đặt nội dung quảng cáo ngay cạnh các video bạo lực, hoặc các video có nội dung “không thể chấp nhận được”.
Philipp Schindler, giám đốc kinh doanh của Google, nói trong cuộc phỏng vấn gần đây rằng cũng như Facebook, công ty của ông tin rằng Internet quá rộng lớn đến mức công cụ học máy cần phải kết hợp với con người thì mới đạt được kết quả tốt.