Nội Dung Chính
Tham vọng như Vingroup chắc chắn không bỏ qua thị trường dược phẩm hơn 5 tỉ USD.
Vingroup vừa khai trương chuỗi 11 nhà thuốc VinFa tại Hà Nội, chính thức tấn công vào thị trường bán lẻ dược phẩm.
Thị trường phân mảnh
Đây là thị trường có quy mô lớn, đạt 5,2 tỉ USD năm 2017, theo số liệu từ Business Monitor International (BMI). Đáng chú ý, thị trường này đã tăng trưởng 10% so với năm trước. BMI dự đoán, bán lẻ dược phẩm sẽ còn tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong 5 năm tới. Vì thế, không riêng Vingroup, nhiều doanh nghiệp cũng đã có bước thâm nhập thị trường bán lẻ dược phẩm. Điển hình, ngay đầu năm 2018, Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức lấn sân sang đây khi mở 7 nhà thuốc An Khang tại TP.HCM. Hay FPT Retail lên kế hoạch sẽ đạt 400 nhà thuốc vào năm 2022. Một số tập đoàn nước ngoài cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Đơn cử Adamed, tập đoàn dược phẩm lớn thứ 2 của Ba Lan, đã chi 50 triệu USD để thâu tóm 70% vốn điều lệ của Davipharm. Hay Abbott (Mỹ) đã mua lại Công ty Dược Việt Nam Glomed.
Các doanh nghiệp đã nhìn thấy triển vọng của bán lẻ dược phẩm. Đó là tầng lớp trung lưu gia tăng (tăng thêm 3 triệu người giai đoạn 2014-2016, theo World Bank); người dân Việt Nam ngày càng già hóa (người trên 65 tuổi chiếm 6,5% dân số năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050). Trong khi đó, theo đánh giá của BMI, bán lẻ dược phẩm vẫn chưa nhiều doanh nghiệp lớn tham gia.
Thực tế, các chuỗi phân phối dược phẩm lớn hiện nay như Phano Pharmacy, Pharmacity có vốn điều lệ trung bình chỉ trên dưới 100 tỉ đồng. Quy mô này khá khiêm tốn so với quy mô của MWG, Digiworld hay FPT Retail. Xét về độ phủ, Phano, Pharmacity… cũng chủ yếu mở chuỗi nhà thuốc ở miền Nam. Chẳng hạn, 60 nhà thuốc Phano của Duy Tân đều ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tương tự, trong 142 nhà thuốc của Pharmacity, tất cả đều ở TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương. Các chuỗi nhà thuốc/cửa hàng chăm sóc sức khỏe – sắc đẹp như Phúc An Khang (nay là An Khang), Minh Châu, Long Châu, Vista Pharmacy, Mỹ Châu, Medicare, Guardian, Eco, Sapharco… cũng tập trung ở phía Nam. Thị trường bán lẻ dược phẩm miền Bắc vẫn do các nhà thuốc tư nhân chiếm ưu thế.
Tiệm thuốc họ Vin
11 nhà thuốc VinFa đầu tiên của Vingroup đều ở phía Bắc, cụ thể là Hà Nội. Các nhà thuốc này nằm kế bên các cửa hàng tiện lợi VinMart+ và tại các khu đô thị, các tòa chung cư. Trong định hướng chiến lược, VinFa sẽ sản xuất, bán nhiều đông dược. Như bà Phan Thu Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty, từng chia sẻ: “VinFa sẽ đồng thời bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý và các bài thuốc cổ truyền của dân tộc”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền. 1/4 số thuốc ở các nước phát triển đều chứa hoạt chất thảo mộc. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 50.000-60.000 tấn dược liệu các loại. Tiềm năng như vậy nhưng Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu sản xuất thuốc. Việt Nam cũng chưa đưa được các bài thuốc quý trong cộng đồng ra sử dụng rộng rãi. Đồng thời, các sản phẩm từ dược liệu quý của Việt Nam như sâm Ngọc Linh, sâm Vũ Diệp, tam thất hoàng, bách hợp… chưa trở thành hàng hóa có giá trị cao.
Đây có lẽ là những lý do vì sao nửa năm trước, Vingroup đã lập Trung tâm Nghiên cứu sản xuất thuốc VinFa. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng. VinFa cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín từ Mỹ, châu Âu, Úc… để nhận tư vấn và chuyển nhượng công nghệ, kỹ thuật và nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm. VinFa cũng sẽ đầu tư vào mảng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, vắc-xin và thiết bị y tế.
Tuy nhiên, các tính toán của Vingroup có thể sẽ có những trở ngại nhất định. Vì quy mô thị trường dược phẩm tuy lớn nhưng 70% thị phần lại ở kênh bệnh viện, theo BMI. Chỉ 30% là dành cho các nhà bán lẻ dược phẩm, tương đương 1,6 tỉ USD.
Đó là chưa kể Vingroup cùng các nhà bán lẻ dược phẩm phải cạnh tranh nhau và cạnh tranh với gần 60.000 nhà thuốc tư nhân khác. Việc đẩy mạnh chuỗi nhà thuốc cũng không dễ dàng. Vì theo quy định, mỗi nhà thuốc cần có dược sĩ đạt bằng đại học trở lên. Với tỉ lệ dược sĩ/người dân ở Việt Nam hiện thấp nhất thế giới, trong khi mật độ nhà thuốc tại Việt Nam đã trong top cao nhất thế giới, theo các chuyên gia ngành dược, việc tìm kiếm dược sĩ để mở rộng chuỗi nhà thuốc là khá khó khăn.
Do đó, các doanh nghiệp thường sẽ chọn con đường M&A để đi tắt đón đầu. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chi tiền đậm nếu muốn đạt quy mô lớn, định hình lại thị trường.
Việc phát triển chuỗi nhà thuốc cũng không giống với phát triển chuỗi điện máy, điện tử hay bán lẻ thực phẩm. Mỗi mô hình có những đặc thù, đòi hỏi riêng. Đơn cử nhà thuốc phải có cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP), hay kho bãi, phương tiện bảo quản thuốc phải theo nguyên tắc thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP). Đây là lý do trong Đại hội cổ đông năm 2018, thay vì quyết định nắm quyền chi phối ngay Phúc An Khang, Thế Giới Di Động chỉ đặt mục tiêu mua lại tối đa 40% vốn điều lệ ở công ty này vì muốn đánh giá chính xác hơn hiệu quả và rủi ro trong đầu tư vào bán lẻ dược.
Tuy nhiên, từ những biến động mạnh trong ngành dược, liên quan đến hoạt động đầu tư, M&A liên tục trong ngành, theo đánh giá của giới quan sát, biến đổi, phân chia lại trong ngành dược Việt Nam theo hướng hiện đại, minh bạch, tiện ích… chắn chắn sẽ xảy ra. Trong xu hướng đó, bước lấn sân của Vingroup sang mảng bán lẻ dược phẩm, để chớp thời cơ và tạo hệ sinh thái đa dạng cho Vingroup là hoàn toàn dễ hiểu.