Lực đẩy của hãng hàng không bikini 

0
1022

Chiếm tới tới 45% thị phần hàng không nội địa năm vào quý III, Vietjet Air đang tích cực hướng ra thị trường nước ngoài. 80% đường bay Hãng dự kiến mở mới trong năm 2018 sẽ đến từ thị trường quốc tế.

Tăng độ phủ quốc tế

Vietjet công bố kết quả kinh doanh quý III tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao dù tháng 9 không phải là mùa cao điểm của ngành hàng không và du lịch. Cụ thể, doanh thu đạt xấp xỉ 12.713 tỉ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ và quý này có doanh thu từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay.

Tổng lợi nhuận trước thuế quý III đạt 1.709 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉ trọng doanh thu quốc tế chiếm trên 50%. Trong những năm tiếp theo, Vietjet sẽ hướng đến những thị trường có thu nhập cao. Mục tiêu của Vietjet không còn là cạnh tranh nội địa nữa mà cạnh tranh với các hãng trên thế giới.

Vietjet hiện đang khai thác 103 đường bay gồm 39 đường nội địa và 64 đường quốc tế, phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia… Mới đây, ngày 8.11, Hãng vừa khai trương đường bay Hà Nội – Osaka, được khai thác khứ hồi hằng ngày với thời gian bay mỗi chặng hơn 4 giờ bằng máy bay Airbus A321neo mới và hiện đại.

Trong quý III, Vietjet vừa được xếp hạng an toàn hàng không ở mức cao nhất thế giới với mức 7 sao bởi AirlineRatings.com, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới chuyên đánh giá về an toàn và sản phẩm của các hãng hàng không toàn cầu.

Có thể thấy, Vietjet đang tạo ra mạng lưới những hành trình bay quốc tế vượt ngoài khu vực. Hãng hàng không này đang lên kế hoạch mở thêm những đường bay mới như tới Ấn Độ, Nga và Úc. Hãng cũng đang cân nhắc khả năng hợp tác với với các hãng vận chuyển châu Âu.

Theo đà tăng trưởng doanh thu, đội bay của Vietjet Air cũng được mở rộng. Hiện tại, Vietjet đang khai thác 60 máy bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 65 triệu lượt hành khách, với 103 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế. Sự mở rộng của Vietjet một phần là nhờ các hiệp định hợp tác thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Một đòn bẩy khác là tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam nhờ các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài. GDP của Việt Nam tăng 6,88% trong quý kết thúc vào tháng 9, tốc độ nhanh nhất từ trước tới nay. Tiêu dùng cũng tăng cao. Số lượng người Việt du lịch ra nước ngoài tăng từ 10% lên 15% trong vài năm qua, đạt 7,5 triệu lượt vào năm 2017.

Chiến lược trung và dài hạn của VJC có các nền tảng chính: (1) không ngừng mở rộng mạng lưới bay nội địa và quốc tế bằng cách thiết lập các đường bay mới, ưu tiên phát triển tập trung vào các thị trường Bắc Á, Đông Nam Á và Trung Quốc; (2) phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng thương mại điện tử; và (3) đa dạng hóa nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho các hoạt động tài chính.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 được kiểm toán bởi KPMG, doanh thu thuần của Vietjet là 42.303 tỉ đồng (tăng trưởng 53,8% so với cùng kỳ). Ấn tượng hơn, vốn hóa thị trường của Vietjet Air hiện ở mức 71.492 tỉ đồng (tương đương hơn 3 tỉ USD), có quy mô của một hãng hàng không lớn trong khu vực Đông Nam Á. Gần đây, Hãng cũng lọt vào top 50 hãng hàng không toàn cầu về hoạt động và sức khỏe tài chính năm 2018, theo Tạp chí Airfinance Journal.

Khách hàng trên mây

Vietjet tiếp tục phát huy thế mạnh của mô hình kinh doanh khá mới mẻ Consumer Airlines. Theo mô hình này, hành khách của Vietjet không đơn thuần chỉ là “hành khách” mà đúng nghĩa hơn là một “khách hàng”. Khách hàng sẽ không chỉ đi máy bay, mà còn mua vé, đặt phòng khách sạn, mua dịch vụ bảo hiểm… và nhiều dịch vụ tiện ích khác.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, từng hóm hỉnh giải thích: “Với những khách hàng đi Nha Trang, họ còn có nhu cầu mua thêm… bikini cho bạn gái và Vietjet có thể đáp ứng được nhu cầu đó. Chúng ta thường thấy, chỉ có mua nhà, mua xe hơi, điện thoại mới trả góp, sắp tới, khách hàng của Vietjet cũng có thể trả góp để mua vé máy bay”.

Hỗ trợ các hoạt động thu hút và mở rộng nhóm khách hàng, Vietjet tập trung chủ yếu vào chiến lược cắt giảm chi phí. Không chỉ là hãng hàng không không tách biệt hoàn toàn những dịch vụ phụ đi kèm, đây còn là hãng mua được những chiếc máy bay tiết kiệm nhiên liệu tối đa.

Vietjet là hãng hàng không đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á khai thác Airbus 321neo – dòng máy bay nổi bật với khả năng khai thác tối ưu về chi phí và lượng ghế cung ứng (230-240 ghế, tiết kiệm 16% tiêu hao nhiên liệu).

Chi phí trung bình mỗi ghế của Vietjet, không tính nguyên liệu, chỉ cộng thêm 2,25cent cho mỗi km, thấp nhất trong số những hãng hàng không toàn cầu. Nhờ vậy, giá vé của hãng được đánh giá là thấp, ví dụ, với hành trình giữa Hà Nội và Osaka (Nhật) chỉ hơn 6,9 triệu đồng, tức là chỉ bằng 1/3 so với mức giá tương tự của đối thủ cạnh tranh.

Biên lợi nhuận của Vietjet quanh mức 11%, vượt cả những hãng vận chuyển đẳng cấp như Singapore Airlines. Các bữa ăn trong chuyến bay – được thu thêm phí với menu giống với những hãng hàng không giá rẻ. Nhờ dịch vụ độc đáo này, doanh thu hằng năm của Vietjet đã tăng trưởng 160% trong 3 năm qua.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here