Theo một báo cáo mới của công ty đo lường hiệu quả kinh doanh Nielsen kết hợp cùng công ty chuyên về chiến lược kinh tế AlphaBeta, các thành phố lớn – siêu đô thị như Jakarta, Manila và Bangkok không còn là động lực duy nhất thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thị trường Đông Nam Á.
Thay vào đó, nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cả thị trường này đó là các “khu vực hạng trung/tầm trung” (middleweight cities/regions) – những nơi có dân số vào khoảng 500.000 đến 5 triệu dân.
Báo cáo của Nielsen/AlphaBeta, Những khía cạnh khác về thị trường Đông Nam Á, đã bác bỏ những hiểu lầm phổ biến về người tiêu dùng và các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để mang đến một cái nhìn toàn cảnh về người tiêu dùng tại thị trường Đông Nam Á, và dự báo các “điểm nóng” cho sự tăng trưởng của thị trường này đến năm 2030. Phân tích của báo cáo dựa trên nhu cầu hiện tại và tương lai của hơn 700 thành phố/khu vực và 7 nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, nghiên cứu trên 10 ngành hàng sản phẩm phổ biến nhất, bao gồm: sô-cô-la, mì ăn liền, nước uống có ga, bia, thuốc lá, dầu gội đầu, các sản phẩm giặt giũ, tã giấy trẻ em, kem dưỡng da và các sản phẩm vitamin.
“Mặc dù trong những năm gần đây khu vực Đông Nam Á đã nhận được sự công nhận về kinh tế nhưng các doanh nghiệp lại coi đây là một thực thể duy nhất, nhưng một điều đáng ngạc nhiên là nhiều thành phố và khu vực có những đóng góp cho nền kinh tế của khu vực này lại ít được biết đến. Đông Nam Á là một khu vực đa dạng với 625 triệu dân đại diện ho nhiều sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Điều này rất quan trọng với các công ty để có một cách tiếp cận chi tiết để nắm bắt các cơ hội tại thị trường Đông Nam Á,” nhận xét của ông Patrick Dodd, Chủ tịch Nhóm Các Thị Trường Phát Triển, Nielsen. “Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải mở rộng kinh doanh của họ ra khỏi các thành phố lớn, các siêu đô thị để tìm kiếm cơ hội phát triển tại các khu vực tầm trung ở Đông Nam Á.”
Báo cáo của Nielsen/AlphaBeta xác định ba loại thành phố chính đang hiện hữu Đông Nam Á – đó là: các thành phố lớn/siêu đô thị, với dân số trên 5 triệu người; “khu vực tầm trung cao” là các khuc vực có dân số vào khoảng trên 1 triệu và ít hơn 5 triệu người; cuối cùng đó là “khu vực tầm trung thấp” đó là khu vực có dân số vào khoảng 500.000 đến 1 triệu người.
Báo cáo cũng được thực hiện với “ASEAN Consumer Demand Forecaster” (Dự đoán nhu cầu người tiêu dùng Đông Nam Á), một công cụ có thể thực hiện những dự báo cho 10 ngành hàng sản phẩm hàng đầu cho đến năm 2030. Báo cáo cũng cung cấp một cái nhìn bao quát trên 700 khu vực/tỉnh thành để giúp các doanh nghiệp có thể có một cái nhìn chi tiết về các thị trường này.
Trong các khu vực và các tỉnh thành được khảo sát tại Đông Nam Á, báo cáo cũng tiết lộ thêm rằng trong một quốc gia, có thể có những khu vực có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số, trong khi đó cũng có những khu vực khác không cho thấy sự tăng trưởng. Ví dụ, kể từ năm 2010, tốc độ tăng trưởng của Thái Lan đạt mức 1.2% mỗi năm, tuy nhiên chỉ với hơn 500.000 dân, tốc độ tăng trưởng của Chiang Mai cao gấp 7 lần mức tăng trưởng của toàn Thái Lan.
“Khi mục tiêu của các doanh nghiệp là người tiêu dùng, thì việc xem xét các dữ liệu ở cấp quốc gia sẽ không mang nhiều ý nghĩa”, ông Dodd nhận xét. “Mặc dù phân tích ở cấp độ quốc gia sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện về cảnh quan thị trường nhưng nó không cho thấy sự khác biệt trong tăng trưởng giữa các khu vực trong cùng một quốc gia.”
Đâu là những động lực thúc đẩy sự tăng trưởng tại các “khu vực tầm trung”?
Sáu yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của các “khu vực tầm trung” được báo cáo chỉ ra bao gồm: thương mại đa quốc gia & logistics, sự hiện diện của các cụm kinh tế và các khu vực kinh tế gia công, sự tăng trưởng của các khu vực vệ tinh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế du lịch sôi động, và một nền tảng người tiêu dùng liên tục phát triển.
Ông Dodd nhận định thêm: “Các điểm nóng tiêu dùng mới xuất hiện trên khắp khu vực Đông Nam Á là kết quả của sự kết hợp của một số động lực tăng trưởng. Các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kĩ hơn về các nguồn lực đang thúc đẩy sự tăng trưởng ở các khu vực tầm trung để hiểu sự tăng trưởng trong quá khứ cũng như đánh giá tính bền vững của các quỹ đạo phát triển.
Đối với khu vực Đông Nam Á, sẽ không phù hợp nếu sử dụng một chiến lược phát triển chung để áp dụng cho tất cả các thị trường trong khu vực. Để khai thác các thị trường này, các nhà sản xuất nên tập trung vào các chiến lược sáng tạo, đổi mới sản phẩm và xây dựng, cải thiện hệ thống phân phối nhằm đáp ứng lối sống, nhu cầu và cả những thách thức của người tiêu dùng ở từng khu vực cụ thể.”
Ông Dodd đã đưa ra 3 đề xuất dành cho các nhà sản xuất muốn mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ở các khu vực tầm trung tại khu vực Đông Nam Á:
- Trước khi thâm nhập vào thị trường, các nhà sản xuất nên cân nhắc “điểm-cất-cánh” cụ thể cho từng ngành hàng, đồng thời cũng cần phải xác định thời điểm và địa điểm chính xác để mở rộng hoạt động của mình ở từng quốc gia cụ thể. Các doanh nghiệp cũng nên phát triển các chương trình hoạt động thương mại cho các ngành hàng theo đặc điểm của từng khu vực sao cho phù hợp.
- Sự phức tạp của thị trường Đông Nam Á đòi hỏi các nhà sản xuất phải có cách tiếp cận thật chi tiết để nắm bắt được những cơ hội mà thị trường này mang lại. Các nhà sản xuất nên thiết lập các chiến lược nhắm tới phân khúc khách hàng cụ thể và từng khu vực cụ thể. Cách tiếp cận này sẽ giúp các nhà sản xuất ưu tiên các nguồn lực của họ, có thể là chi phí tiếp thị hoặc các chiến lược kinh doanh quan trọng.
- Với sự đa dạng của các khu vực tại thị trường Đông Nam Á và sự phân mảnh trong các kênh phân phối kinh doanh, các nhà sản xuất nên tìm hiểu về các cấu trúc phân phối trong mỗi quốc gia, do đó, họ có thể quản lý mối quan hệ với các kênh phân phối và các đối tác của mình tốt hơn và giúp họ xác định nơi nào tốt nhất để phát triển các mối quan hệ phân phối trong dài hạn