Học được gì từ văn hóa doanh nghiệp của Thế Giới Di Động?

0
1105

Nhiều năm trước, nếu nghe đến văn hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế Giới Di Động (MWG) thừa nhận, ông sẽ đút tay vào túi quần và bỏ đi. Nhưng bây giờ, ông liên tục nói về nó, dành thời gian cho nó.

Như ông lý giải, đó là niềm tự hào, là sự khác biệt đã góp phần tạo sức mạnh, đưa Thế Giới Di Động phát triển như ngày hôm nay.

Không có hình mẫu

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, tỏ ra thích thú với câu chuyện Thế Giới Di Động mà ông Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ tại hội thảo do Mekong Capital tổ chức mới đây. “Chúng tôi muốn biết chi tiết Thế Giới Di Động đã làm thế nào mà đạt được kết quả như hiện nay”, ông nói. Lộc Trời sắp lên sàn UPCoM, dự kiến trong khoảng tháng 5 này. Lộc Trời đã chuẩn bị nhiều thứ, về tài chính, thông tin, các chiến lược kinh doanh, kế hoạch đầu tư mở rộng… Nhưng như ông Thòn chia sẻ, Lộc Trời còn phải học hỏi thêm.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thuận, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Traphaco, ưu tư đến cách thức triển khai và chi phí đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp. Bà Thuận đã ngồi nghe suốt 4 tiếng, đủ thấy bà rất quan tâm đến văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp.

Bà Thuận ở cách TP.HCM cả ngàn cây số. Cũng như bà, nhiều người đã đáp máy bay từ Hà Nội vào để lắng nghe câu chuyện về Thế Giới Di Động để rút ra những bài học kinh nghiệm trong điều hành, tổ chức hoạt động cũng như thiết lập giá trị văn hóa ứng xử. Nhưng ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh, không có văn hóa doanh nghiệp tốt hay xấu, đúng hay sai mà đó chỉ đơn giản là lựa chọn của doanh nghiệp. Chọn như thế nào, theo tầm nhìn, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi, cam kết nào là tùy ở mỗi công ty, tùy đặc điểm ngành nghề, tùy quy mô mức độ phát triển của doanh nghiệp. Nói như thế để thấy, không có khuôn mẫu về văn hóa doanh nghiệp để các đơn vị khác rập khuôn áp dụng. Bài học ở Thế Giới Di Động dù hấp dẫn thế nào thì theo ông Tài, cũng chỉ có giá trị tham khảo.

Trên thực tế, ngay từ khi bắt đầu hoạt động, mỗi doanh nghiệp đều đã định hình văn hóa ứng xử với khách hàng, đối tác, nhân viên… theo kiểu riêng. Văn hóa này, dù được ghi rõ ràng trong điều lệ công ty hay không được lưu tâm thì vẫn tồn tại, mang cá tính, quan điểm của người chủ lãnh đạo doanh nghiệp đó. Văn hóa ấy ở mỗi chặng đường đi của doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi. Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận, lúc mới lập Thế Giới Di Động, ông chịu áp lực phải kiếm tiền. Lúc đó, ông cũng như bao người khác, chăm chăm vào túi tiền khách hàng. Nhưng càng làm, ông càng thấy, cách thức ấy ngắn hạn. Muốn bền vững, quan trọng là phải làm hài lòng khách hàng. Khách hàng hài lòng thì sẽ trở nên gắn bó và giới thiệu thêm khách hàng mới.

Định hướng của Thế Giới Di Động thực ra không mới. Hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp vẫn lấy câu “Khách hàng là thượng đế” làm tôn chỉ. Nhưng họ đã không thành công. Vấn đề nằm ở khoảng cách giữa nói với làm. Theo ông Tài, mọi doanh nghiệp đều có thể nói, thậm chí còn nói lời cao siêu, hoa mỹ, hùng hồn. Nhưng để các giá trị, định hướng ấy được “sống”, được thực hiện nhất quán, là cả quá trình.

Đầu tư làm văn hóa

Thế Giới Di Động đã cụ thể hóa các yếu tố làm nên sự hài lòng khách hàng theo hướng dễ hiểu, đơn giản, để mỗi nhân viên hiểu đúng. Công ty cũng nghĩ cách sao cho mọi nhân viên đều nhận thức, suy nghĩ giống với quan điểm của Công ty. Áp lực cho Thế Giới Di Động là làm sao truyền thông liên tục nhưng không nhàm chán, áp đặt. Vì thế, Công ty đã nghĩ đến cách hình thức truyền thông qua trò chơi, đố vui, tranh ảnh….

Đặc biệt, Công ty đưa các quy định liên quan đến văn hóa doanh nghiệp gắn chặt với quyền lợi cá nhân để nhân viên tự nguyện thực hiện. Theo đó, nếu nhân viên làm đúng, làm tốt, họ sẽ có thu nhập tốt, có thưởng và có cơ hội thăng tiến. Công ty cũng đầu tư các phần mềm, hệ thống chấm điểm, theo dõi để đảm bảo đánh giá chính xác, khách quan. Ngoài ra, như ông Đặng Minh Lượm, Giám đốc Nhân sự Thế Giới Di Động, chia sẻ Công ty còn có những bài kiểm tra, trắc nghiệm lồng ghép để lựa chọn nhân sự có suy nghĩ, nhận thức phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp.

Tính ra, đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp tốn kém, mất thời gian. Ông Lượm cho biết, để một giá trị văn hóa doanh nghiệp “sống” được, Công ty phải mất hàng năm trời cho đào tạo, truyền thông nội bộ. Đơn cử, năm ngoái, khi nhận thấy yếu tố “làm việc nhóm” không còn phù hợp với quy mô Công ty đã lên đến hơn 26.000 nhân viên, dễ dẫn đến tình trạng chà đạp, áp đặt lên nhau để có kết quả chung, Thế Giới Di Động đã bỏ cũ thay mới.

Chỉ một giá trị cốt lõi thay đổi mà theo ông Lượm, Thế Giới Di Động phải điều chỉnh rất nhiều, từ trong khâu đánh giá, chấm điểm cho đến triển khai đào tạo. Kế hoạch của Công ty là đào tạo 400 buổi cho nhân viên cả nước. Ba nhà lãnh đạo ở Công ty phải ngược xuôi đi các tỉnh để tập huấn.

Thế Giới Di Động đã và đang dành thời gian, tâm sức, tiền bạc cho các giá trị văn hóa doanh nghiệp được “sống”. Vì ông Nguyễn Đức Tài nhận thấy, văn hóa doanh nghiệp tuy không tạo ra tiền tươi, không liên quan một cách “hữu hình” đến doanh số, tăng trưởng, đến các tiêu chí KPI nhưng lại là cơ sở tạo môi trường làm việc hiệu quả, là động lực phát huy thế mạnh nội lực, từ đó đưa doanh nghiệp tiến xa hơn.

Ông Tài cũng lưu ý rằng, để văn hóa doanh nghiệp lan tỏa, cấp trên phải nghiêm túc làm gương, là hình mẫu cho cấp dưới thực hiện. Văn hóa doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh sao cho số đông chấp nhận. Với số ít không thích nghi được, họ sẽ chọn giải pháp ra đi. Đây là việc mà các công ty phải tính đến cũng như chấp nhận hy sinh. Trên thực tế, văn hóa doanh nghiệp cũng như môi trường nước ngọt, chỉ thích hợp với loài cá nào đó, không phải thích hợp với tất cả.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here