Hiểu thêm về tân CEO Google – Sundar Pichai

0
613

“Tôi thách bạn tìm ra bất cứ ai tại Google nói rằng không thích Sundar Pichai hoặc có ý nghĩ rằng Sundar Pichai là một gã ngốc”, Caesar Sengupta, một Phó chủ tịch của Google, người có 8 năm làm việc cùng Pichai nhận xét về tân CEO của Google.

Goolge vừa công bố tái cơ cấu cơ bản, tạo ra một công ty mẹ được giao dịch công khai với tên gọi Alphabet Inc. Theo đó, Larry Page sẽ chuyển lên làm CEO của công ty mẹ, trong khi Phó chủ tịch Cao cấp Sundar Pichai sẽ thay ông đảm nhiệm vị trí CEO của Google.

Khi Google bất ngờ công bố thông tin cơ cấu lại vào hôm thứ Hai, mọi sự chú ý đều đột nhiên đổ dồn về phía Sundar Pichai.

Thiên tài công nghệ bẩm sinh

Tân CEO của Google sinh ra tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ trong một gia đình có mẹ là người làm việc như một người viết tốc ký và cha là một kỹ sư điện cho Tập đoàn British GEC, ông quản lý một công xưởng của nhà máy sản xuất rơle điện.

Sundar Pichai, tân CEO của Google.

Gia đình bốn người nhà Pichai sống trong một căn hộ hai phòng, Sundar và em trai thường ngủ trong phòng khách. Trong phần lớn thời thơ ấu của mình, Sundar không được xem truyền hình hay đi ô tô. Phương tiện di chuyển chủ yếu của ông và gia đình là những chiếc xe buýt chật chội hoặc chiếc máy Lambretta của gia đình. Cả bốn người thường ngồi trên một chiếc xe máy do bố Sundar điều khiển còn Sundar đứng trước còn mẹ và em trai ngồi phía sau.

Gia đình Pichai có chiếc điện thoại đầu tiên khi Sundar 12 tuổi. Chiếc điện thoại với Sundar khi đó là một tiện ích kỳ diệu của công nghệ, cũng như là một món quà khác thường. Do đó, Sundar nhớ hết tất cả các số mà cậu từng gọi.

Vốn là một cậu bé thông minh, Sundar luôn đạt những thành tích rất xuất sắc ở trường và cuối cùng giành được một học bổng đáng thèm muốn tại Học viện Công nghệ Kharagpur, nơi ông theo học chuyên ngành công nghệ và nhận bằng cử nhân.

Sau khi tốt nghiệp, ông đã giành được một học bổng bổ sung tại Đại học Stanford để nghiên cứu khoa học vật liệu và vật lý bán dẫn.

Cha Pichai đã cố gắng vay tiền để trang trải chi phí vé máy bay và các chi phí khác để con trai có thể sang Mỹ học tiếp. Thậm chí, ông đã rút toàn bộ 1.000 USD từ tiền tiết kiệm của gia đình (số tiền lớn hơn cả mức lương hàng năm của ông lúc đó) để đưa cho Sundar.

“Bố và mẹ tôi đã làm điều mà nhiều bậc cha mẹ đã làm vào thời điểm đó. Họ đã hy sinh rất nhiều điều trong cuộc sống của họ và sử dụng hết thu nhập của họ để đảm bảo rằng con cái của họ đã được giáo dục”, Sundar nói.

Tại Mỹ, sau khi nhận bằng thạc sỹ tại Đại học Stanford, Sundar Pichai còn học thêm bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Tại trường Wharton, Pichai đều tham gia các chương trình Siebel Scholar và Palmer Scholar dành cho người có thành tích xuất sắc.

Cánh tay phải của Larry Page

Mặc dù Sundar Pichai gia nhập Google từ năm 2004 và đang là cánh tay phải của Larry Page, nhưng Pichai là người khá kín tiếng.

Trước khi làm việc tại Google, Pichai từng là kỹ sư của Applied Materials và cố vấn quản trị tại McKinsey & Company.

Năm 2004, ông gia nhập Google với vai trò Phó chủ tịch quản lý sản phẩm và chịu trách nhiệm lãnh đạo nhóm phát triển trình duyệt và hệ điều hành Chrome.

Với năng lực của mình, Pichai nhanh chóng nhận được nhiều vị trí quan trọng liên quan đến các sản phẩm tìm kiếm Google, bao gồm: Firefox, Google Toolbar, Desktop Search, Gadgets và Google Gears & Gadgets.

Tháng 9/2008, nhóm của ông đã thành công trong việc cho ra đời trình duyệt Chrome, và chưa đầy một năm sau hệ điều hành Chrome cho netbook và desktop cũng ra đời.

Năm 2012, ông được giao dảm nhiệm thêm bộ phận Google Apps khi người phụ trách trước đó Dave Girouard rút ra thành lập công ty riêng.

Một năm sau đó, Pichai tiếp tục nắm quyền điều hành Android sau khi người sáng lập Android Andy Rubin từ chức vào tháng 3/2013.

Trong suốt thời gian làm việc tại Google, Pichai gây dựng được hình ảnh của một lãnh đạo nghiêm túc và được yêu mến.

Theo nhận xét của cựu Giám đốc sản phẩm Google, Chris Beckmann trong một bài đăng trên mạng hỏi đáp Quora, Pichai có khả năng xử lý các dự án khó. “Ông ấy tuyển dụng, hướng dẫn và duy trì một nhóm tuyệt vời. Nhóm do Sundar quản lý luôn nằm trong số tốt nhất của tốt nhất”.

Beckmann cũng cho rằng Pichai rất khéo trong việc “tránh gây thù chuốc oán” tại Google. Điều đó thể hiện qua các ông cố gắng đưa nhóm đến thành công trong khi giảm tối đa va chạm với nhóm khác. Khi còn là cấp dưới của Marissa Mayer, Pichai “thường chờ hàng giờ trước cửa phòng của Mayer để bảo đảm bà đánh giá tốt cho nhóm”.

Thành tích ấn tượng của Pichai tại Google khiến ông trở thành đối tượng được nhiều công ty công nghệ săn đón. Trong đó, có lời đề nghị trở thành phụ trách sản phẩm của Twitter hay trở thành một ứng cử viên tiềm năng cho vị trí CEO Microsoft sau khi Steve Baller tuyên bố từ chức tháng 8/2013, nhưng cả hai đề nghị đều bị ông từ chối.

Tháng 10/2014, khi Google thông báo CEO đương nhiệm Larry Page sẽ rút lui về phía sau để chuẩn bị cho một kế hoạch lớn hơn, Pichai đã được nâng lên làm phụ trách các sản phẩm cốt lõi của Google, bao gồm mảng tìm kiếm, bản đồ, nghiên cứu, Google+, Android, Chrome, cơ sở hạ tầng, thương mại, quảng cáo và Google Apps.

Trong thông cáo báo chí quyết định bổ nhiệm Pichai làm CEO Google phát đi, Page viết: “Pichai đã thực sự thăng chức từ tháng 10 năm ngoái khi phụ trách sản phẩm và kỹ thuật cho các mảng Internet của chúng tôi. Sergey và tôi vô cùng vui mừng trước sự tiến bộ và cống hiến của anh ấy cho công ty. Rõ ràng với chúng tôi và ban quản trị, đây là thời điểm thích hợp để Sundar trở thành CEO Google. Tôi cảm thấy rất may mắn vì có một người tài năng như anh điều hành Google, nó cho tôi thêm thời gian để tiếp tục theo đuổi những mục tiêu lớn hơn”.

“Tôi đã dành khá nhiều thời gian với Sundar và tôi sẽ tiếp tục giúp anh ấy và công ty theo bất kỳ cách nào tôi có thể”, Larry Page cho biết thêm.

Colin Gillis, nhà phân tích công nghệ tại BGC Partners cho biết việc nâng Pichai lên làm CEO là một động thái thông minh của Google để giữ người tài trong cuộc chiến “săn đầu người” đang ngày càng nóng tại các công ty công nghệ.

Eric Schmidt, cựu Chủ tịch điều hành của Google và hiện sẽ trở thành Chủ tịch điều hành của Alphabet, viết trên Twitter rằng: “Thật vui mừng về tầm nhìn và thành tựu của Sundar… Anh sẽ là một CEO vĩ đại”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here