Ế ẩm vé hạng nhất

0
860

Vé hạng nhất đã hết thời khi các doanh nhân ngày nay chọn bay hạng thương gia, các nhà tài phiệt thì đi phi cơ riêng.

Dubai thường được mệnh danh là “Disneyland cho người giàu”. Tại sân bay của thành phố này, 3 phòng chờ hạng nhất của Emirates, hãng hàng không quốc gia của UAE, không khiến cho hành khách thất vọng. Mỗi phòng, với nhiều nhà hàng, quầy bar sang trọng, có diện tích rất rộng cỡ phòng chờ lớn của sân bay, vốn được xây dựng để chứa cả hàng ngàn hành khách. Trong các khu miễn thuế, không có thứ gì rẻ tiền, với những chai rượu có giá lên tới 25.000 USD/chai. Thế nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng 100 khách bước vào phòng chờ hạng nhất này. Hàng trăm dãy ghế bành vắng người ngồi…

Hình ảnh này là minh chứng rõ nhất cho thấy hành khách đã không còn mặn mà với ghế hạng nhất của các hãng hàng không. Và điều đó đúng cả với Emirates, vốn bán vé hạng nhất nhiều hơn bất kỳ hãng nào. Thời điểm để tung ra các sản phẩm hạng nhất mới là vào đầu tháng 3 tại ITB Berlin, cuộc triển lãm thương mại lớn nhất thế giới của ngành hàng không. Tại sự kiện này vào năm 2017, Emirates đã ra mắt một quầy bar và phòng chờ trên máy bay dành cho những hành khách trả tiền cao nhất. Cùng năm, Qatar Airways đã tung ra chiếc giường đôi đầu tiên của thế giới. Nhưng nay đã khác. Năm ngoái Emirates đã ngưng tham gia triển lãm.

Vé hạng nhất ế ẩm khiến cho không ít người ngạc nhiên, vì tiện nghi cho khách hạng nhất chưa bao giờ tuyệt vời hơn thế. Trên chiếc siêu máy bay A380, khách đi hạng nhất của Emirates có cả buồng tắm vòi sen. Hơn nữa, số người siêu giàu đã tăng rất nhanh. Forbes ước tính số tỉ phú đã tăng gấp đôi lên hơn 2.100 trong 20 năm qua. Các phân khúc khác của ngành lữ hành xa xỉ cũng đang bùng nổ. Richard Clarke, thuộc hãng nghiên cứu Bernstein, ước tính số khách sạn xa xỉ ở châu Á có thể tăng tới 168% trong thập niên tiếp theo.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia phân tích dự báo vé hạng nhất sẽ sớm biến mất như chưa từng xuất hiện. Tại Mỹ, nó gần như “tuyệt chủng”. Tại các nước khác, ngày càng nhiều hãng hàng không như Turkish Airlines và Air New Zealand đã hủy ghế hạng nhất. Điều tương tự cũng xảy ra ở các hãng hàng không bán được nhiều vé hạng nhất hơn cả. Số ghế hạng nhất đã giảm mạnh từ 14 còn chỉ 11 trên các siêu máy bay của Emirates và từ 12 còn 6 trên những chuyến bay của Singapore Airlines.

Dù nay hành khách chuộng đi vé giá rẻ hơn, nhưng các hãng hàng không vẫn kiếm được nhiều tiền từ những chỗ ngồi có giá đắt đỏ. Emirates cho biết, vé hạng nhất và hạng thương gia chiếm chỉ 12% tổng số vé bán ra, nhưng góp khoảng 40% doanh thu. Nhu cầu cao đối với giường nằm trên các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đã cứu các hãng hàng không lớn của châu Âu như British Airways, Air France và Lufthansa khỏi phá sản.

Các ông chủ ngành hàng không đang lo lắng về nhu cầu hạng nhất bị sụt giảm, nhưng lỗi cũng một phần do họ. Theo Geoffrey Weston, thuộc Bain & Co., ngành hàng không đã “phá bĩnh” chính mình. Trên các chuyến bay ngắn, mô hình giá rẻ đã thắng thế. Hầu hết hành khách “hạng nhất” trên những chuyến bay này giờ ngồi trên những chiếc ghế có chỗ để chân giống như hành khách đi vé phổ thông; họ cũng thoải mái với các khoản trả thêm như nước uống, thực phẩm…

Trên các chuyến bay dài hơn, những chiếc ghế mới mà chuyển thành giường nằm là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Loại giường này lần đầu tiên được giới thiệu bởi British Airways cho khách đi vé hạng nhất vào năm 1995 và sau đó được nhiều hãng hưởng ứng. Nếu hành khách có thể ngủ thoải mái khi bay trên bầu trời, họ có thể tiết kiệm chi phí thuê khách sạn và không lãng phí một ngày làm việc đối với những doanh nhân có quá ít thời gian. Tuy nhiên, năm 2000, British Airways đã tung ra dịch vụ tương tự cho vé hạng thương gia và hầu hết các hãng khác đều nối gót. Điều này đã làm giảm nhu cầu bay hạng nhất, bởi nhiều công ty cho rằng mua một chiếc giường hạng thương gia cho nhân viên là đủ rồi.

Thái độ thay đổi của tầng lớp siêu giàu cũng làm giảm nhu cầu bay hạng nhất. Trong thập niên qua, số tỉ phú đã tăng nhanh nhất ở Trung Quốc, Ấn Độ và các trung tâm công nghệ của Mỹ. Nhưng nhiều ông trùm tự thân lập nghiệp muốn con cái trải qua quá trình lớn lên của tầng lớp trung lưu bình thường giống như họ, theo Charlotte Vangsgaard thuộc ReD Associates. Vì thế, họ đặt vé hạng thương gia hoặc phổ thông cho họ và gia đình.

ù nhiều hãng đã giảm vé hạng nhất nhưng một số vẫn còn duy trì như Emirates. Bởi một số ít khách hàng vẫn còn chọn đi vé hạng nhất. Tính riêng tư là một lý do, theo Ngài Tim Clark, Chủ tịch Emirates. Phòng cabin nhỏ hơn và chỗ ngồi có vách ngăn lại hợp ý những người nổi tiếng muốn đi máy bay mà không bị ai chú ý. Một lý do khác là tính linh hoạt. Hành khách bay hạng nhất muốn ngủ và ăn lúc nào họ muốn, không phải theo giờ ăn của phi hành đoàn.

Nhưng việc bán vé hạng nhất và vé thương gia của Emirates nay cũng không dễ dàng bởi sự trỗi dậy của phi cơ riêng. Vì dùng máy bay riêng giúp các doanh nhân không phải chờ đợi theo một lịch bay sắp sẵn và cũng nhanh hơn nhiều khi qua bộ phận an ninh ở khu vực dành riêng cho máy bay tư nhân. Hơn nữa, theo Adam Twidell thuộc PrivateFly, phi cơ riêng đang trở nên rẻ hơn, nhờ chia sẻ quyền sở hữu và các dịch vụ gọi xe.

Một xu hướng khác có thể đẩy nhanh cái chết của vé hạng nhất là sự chuyển dịch sang loại máy bay nhỏ hơn. Ngày 14.2, Airbus tuyên bố sẽ ngừng sản xuất siêu máy bay A380 kể từ năm 2021 do ế ẩm. Những chiếc máy bay nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn cũng sẽ không còn chỗ để làm buồng tắm vòi sen… nhất là các máy bay thân hẹp đường dài mới hiện nay. Vì thế, Emirates cũng như một số hãng hàng không còn “mến mộ” ghế hạng nhất sẽ phải tìm cách khác để buộc hành khách chi trả nhiều hơn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here