23 thương hiệu đình đám được Instagram “gọi tên” trong phiên bản thử nghiệm tính năng mua sắm của Instagram mang tên “Checkout”. Theo đó, khách hàng của Adidas, Nike, H&M, Dior, Kylie Cosmetics, MAC, Zara…. có thể mua trực tiếp sản phẩm từ bài đăng instagram mà không cần thoát khỏi ứng dụng.
Phiên bản thử nghiệm của tính năng Checkout ra mắt tại Mỹ ngày 19/3 vừa qua là công cụ đắc lực giúp khách hàng nhanh chóng thanh toán đơn hàng trên Instagram. Người dùng vừa có thể tìm hiểu thông tin qua các tag sản phẩm trên bài đăng, vừa dễ dàng thực hiện giao dịch mua hàng với tùy chọn “Check out on Instagram” mà không cần chuyển đến trang web của nhà bán lẻ. Xu hướng chung, khi khách hàng yêu thích một mặt hàng nào đó, nhưng bị bắt phải rời nền tảng đang dùng, điều này sẽ giảm lượng truy cập đáng kể.
Kể từ khi tung ra tính năng mua sắm đầu tiên vào năm 2016 đến nay, Instagram đã nhận được rất nhiều câu hỏi về việc thanh toán trực tiếp ngay trên ứng dụng. Cuối cùng, tính năng Checkout cũng ra mắt và được xem là bước tiếp theo trong quá trình phát triển tham vọng thương mại điện tử của Instagram. Không chỉ là nền tảng chia sẻ ảnh như trước kia, Instagram nay đã đáp ứng mong muốn của các tín đồ mua sắm, mang đến toàn bộ trải nghiệm từ khám phá các sản phẩm đến thanh toán đơn hàng.
Layla Amjadi, giám đốc sản phẩm trên Instagram Shopping cho biết, mỗi tháng có hơn 130 triệu người nhấp vào tag mua sắm trong các bài đăng, so với tháng 9/2018 con số này đã tăng 90 triệu người. Khi tiến đến mục đích thúc đẩy mua sắm, yếu tố thuận lợi của các giao dịch được Instagram chú trọng hàng đầu. Theo đó, người dùng có thể lựa chọn lưu lại thông tin thẻ tín dụng để tránh các bước nhập thông tin rườm rà trong các lần mua sắm tiếp theo. Tất nhiên, nếu khách hàng lo sợ về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư, họ hoàn toàn có thể xóa chúng khỏi hệ thống giao dịch. Instagram cũng thông báo rằng, việc xử lý thanh toán được thực hiện qua PayPal nên có thể đảm bảo yên tâm cho khách hàng.
Bên cạnh đó, Michael Froggatt, giám đốc tình báo tại Gartner for Marketers, đề xuất rằng các thương hiệu nên sử dụng Instagram để thu hút sự quan tâm của người dùng đối với sản phẩm của họ, nhưng hãy cẩn thận kiểm soát toàn bộ quá trình bán hàng và không nên quá phụ thuộc vào nền tảng.
Instagram quả không hổ danh là sàn thương mại điện tử đầy tiềm năng khi liên tục mang đến những trải nghiệm mua sắm tiện lợi cho khách hàng. Đối mặt với hệ sinh thái bán lẻ trực tuyến, nơi tập hợp những đối thủ mạnh từ Google, Amazon đến Pinterest, Snapchat, thì Instagram càng cần tăng mức độ cạnh tranh bằng cách tung ra những tính năng mua sắm thân thiện với người dùng trong tương lai.