Nội Dung Chính
Nếu mục đích của một cuộc bầu cử sớm sẽ khiến mọi người bất ngờ thì Thủ tướng Shinzo Abe đã làm được điều đó. Bởi lẽ, gần như không một người nào tại Nhật nghĩ rằng sẽ diễn ra một cuộc bầu cử quốc hội chỉ 2 năm sau khi ông Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật: ngày 14.12.2014, người dân nước Nhật sẽ đi bầu cử để chọn ra Hạ viện mới, một cơ quan đầy quyền lực trong Quốc hội.
Kết quả bầu cử gần như ai cũng dự đoán được: đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe sẽ giành chiến thắng, nhưng câu hỏi đặt ra là thắng ở mức độ nào. Nếu đảng LDP thắng lớn, vị trí của ông sẽ được củng cố. Đó là lý do vì sao ông tìm cách tổ chức bầu cử như một cuộc trưng cầu dân ý đối với chính sách kích thích kinh tế Abenomics – một nỗ lực của ông nhằm vực dậy nền kinh tế sau gần 2 thập kỷ rơi vào giảm phát.
Ông có thể dùng chiến thắng này để củng cố chiếc ghế Thủ tướng cho đến cuối năm 2018, cũng như thổi luồng sinh khí mới vào chính sách mang tên ông. Thế nhưng, chiến lược này cũng có thể phản pháo. Vì nếu đảng cầm quyền khiến cho cử tri thất vọng, uy tín của ông Abe sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Vậy khả năng thành công của canh bạc này tới đâu?
Nước cờ hiểm
Thoạt nhìn, thời điểm ông Abe chọn bầu cử sớm có vẻ như là tự làm hại mình. Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm chính sách Abenomics đang trải qua thời khắc cam go nhất kể từ khi được triển khai vào đầu năm 2013. Theo các ước tính sơ bộ, nền kinh tế đã rơi vào “suy thoái kỹ thuật” trong quý III/2014, do ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4.2014. Lạm phát đã xuống thấp chưa tới phân nửa mục tiêu 2% đặt ra, buộc Ngân hàng Trung ương Nhật phải thực hiện đợt nới lỏng tiền tệ thứ hai bằng cách mua lại lượng lớn trái phiếu chính phủ.
Tuần qua Moody’s đã hạ một bậc tín nhiệm nợ của Nhật, do hoài nghi về các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách trong dài hạn khi ông Abe quyết định hoãn thi hành đợt tăng thuế tiêu dùng lần hai thêm 18 tháng.
“Khi lên cầm quyền, ông Abe không thể tìm được một chính sách thông minh cho tương lai của nước Nhật”, ông Kaoru Yosano, nguyên là một chính khách lão thành của đảng LDP, nhận xét. Theo ông, nới lỏng tiền tệ là “con đường sai”. “Cái đang cần không phải là vốn, mà là công nghệ mới, sản phẩm mới, tính hiệu quả mới”, ông nói.
Không chỉ chính sách Abenomics đang mất đi sự ủng hộ mà trục trặc cũng bắt đầu xảy ra trong nội các của Thủ tướng.
Lạm phát – điểm cốt lõi của chính sách kinh tế Abenomics – đến nay vẫn quen thuộc với các nhà kinh tế vĩ mô hơn là dân chúng vì người dân chỉ thấy sức mua giảm do lương không tăng tương xứng. Các cuộc trưng cầu dân ý gần đây nhất do các tờ báo Nikkei và Yomiuri thực hiện cũng cho thấy số người không đồng tình với chính sách kinh tế nhiều hơn số người đồng tình. Không chỉ chính sách Abenomics đang mất đi sự ủng hộ mà trục trặc cũng bắt đầu xảy ra trong nội các của Thủ tướng. Sự kiện 2 bộ trưởng từ chức do các vụ bê bối liên quan đến bầu cử hồi tháng 10 là một ví dụ. Tất cả những điều này đã khiến tỉ lệ ủng hộ ông Abe giảm mạnh còn dưới 50%.
Vậy tại sao ông Abe lại chọn thời điểm rất không thích hợp này để tổ chức bầu cử sớm?
“Câu trả lời đơn giản là ông có cơ may lớn giành chiến thắng. Các đảng đối lập vẫn còn đang gặp vấn đề của mình và chưa thể lấy lại phong độ tốt nhất. Đó là cơ hội tốt cho ông Abe”, Kiichi Fujiwara, Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Đại học Tokyo, nhận xét.
Ông Taro Aso, nguyên Thủ tướng đảng LDP, đã chờ quá lâu mới ra đối diện trước công chúng và cuối cùng là bị thất sủng. Để tránh đi vào vết xe đổ, các chuyên gia cố vấn của ông Abe đã khuyên ông nên xúc tiến việc bầu cử để củng cố thêm 4 năm nhiệm kỳ nữa trong khi vẫn còn có thể làm được điều này. Bởi lẽ, năm tới, ông sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn trong đó có việc khởi động lại các nhà máy hạt nhân, vốn bị ngưng sau sự cố Fukushima vào năm 2011. Nếu càng để lâu, mọi thứ chỉ càng phức tạp hơn.
Giữa lúc các đảng đối thủ còn yếu sức và các thách thức của ông Abe chưa đến nỗi cam go là thời cơ tốt cho ông Abe, vì trong lúc này, nhiều người dân có thể chọn cách “giữ nguyên hiện trường” hơn là làm xáo trộn thêm. “Đối với một cuộc bầu cử nói chung, không có ông Abe làm Thủ tướng còn tệ hơn cả việc có ông ấy. Thà là có sự ổn định chính trị hơn là thêm một lần thay Thủ tướng mới”, Gerry Curtis, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia, nhận xét.
Hiện tại, đảng LDP và đảng liên minh Komeito có 2/3 ghế trong Hạ viện, vốn cho phép họ nắm thế thượng phong trong việc bác bỏ bất kỳ phủ quyết nào của Thượng viện. Nhưng ông Abe có thể sẽ mất đi thế thượng phong này trong đợt bầu cử sắp tới. Nếu điều đó xảy ra, những chương trình lớn ông Abe muốn thực hiện sẽ rất khó làm được, trong đó có các quyết sách ảnh hưởng đến mức độ thành công của chính sách Abenomics.
Thế trận chông chênh
“Trước đợt tăng thuế tiêu dùng, Nhật đang tăng trưởng với tốc độ hằng năm 2%. Sau đợt tăng thuế, chúng tôi lại có một nền kinh tế đi xuống. Không nghi ngờ gì nữa, đợt tăng thuế là thủ phạm”, Masazumi Wakatabe, Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Waseda, nhận xét.
Đợt tăng thuế này đã khiến cho chính sách Abenomics của ông Abe khốn đốn. Giờ một câu hỏi lớn là liệu ông có thể đưa Nhật quay trở lại tăng trưởng như kịch bản mà nhiều lần ông đã đề cập. Trong kịch bản lạc quan này, sản lượng cao hơn và mức tăng giá cả khiêm tốn sẽ dẫn đến mức lương cao hơn, sức tiêu thụ tốt hơn và cuối cùng giúp sản lượng cao hơn. Nhưng nếu thất bại thì có nghĩa là lạm phát tiếp tục trượt dốc, tăng trưởng ì ạch và nền kinh tế sẽ quay trở lại tình trạng đình đốn.
Dẫu vậy, vẫn còn một hy vọng là tăng trưởng sẽ quay trở lại sau 2 quý gập ghềnh khi tác động của đợt tăng thuế tiêu dùng phai nhạt. Với việc hàng tồn kho đang ở mức thấp, sản xuất có thể sẽ nhanh chóng khởi sắc. JPMorgan đang dự đoán Nhật sẽ đạt mức tăng trưởng thực hằng năm 4% trong quý IV năm nay, gấp đôi mức ước tính trước đó.
Đạt mức tăng trưởng bền vững đóng vai trò sống còn trong việc đạt được một mảnh ghép còn thiếu khác trong chính sách Abenomics: tăng lương. Kể từ khi chính sách này được tung ra, hàng trăm ngàn người, chủ yếu là phụ nữ, đã gia nhập vào lực lượng lao động. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp 17 năm qua, còn 3,5%. Và nhiều ngành, trong đó có xây dựng, y tế và logistics đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên do thiếu lao động. Tuy nhiên, một phần do nhiều trong số các công việc mới này thuộc các công việc trả lương thấp và không thường xuyên, nên mức lương đã không tăng nhiều như dự kiến.
“Hầu hết mọi người cảm thấy nghèo hơn. Họ không thực sự thấy rằng nền kinh tế phục hồi”, Nobuaki Koga, Chủ tịch Rengo, công đoàn lớn nhất nước Nhật, cho biết. Rengo đang thúc giục các thành viên của mình đề xuất mức tăng lương cơ bản ít nhất 2% trong các cuộc đàm phán lương hằng năm bắt đầu vào đầu năm tới.
Đợt tăng thuế tiêu dùng đã khiến cho chính sách Abenomics của ông Abe khốn đốn.
Akinari Horii, thuộc Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, cho rằng chắc chắn sẽ có độ trễ để các nhà sử dụng lao động “rũ bỏ” tư tưởng giảm phát và quen với thực tế mới là giá cả đang tăng lên. “Tôi nghĩ rồi chúng ta sẽ tới được đích đó. Mọi người vẫn còn hoài nghi nhưng sự hoài nghi này sẽ mất đi vào mùa xuân tới nếu ban điều hành doanh nghiệp và các công đoàn có thể thỏa thuận được các mức tăng lương”.
Nhưng ông Fujiwara, Đại học Tokyo thì không mấy chắc chắn vì một thực tế là gần 40% lao động thuộc nhóm không thường xuyên. Còn các chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng ông Abe vẫn chưa nỗ lực hết sức để hồi phục nền kinh tế, trong đó quan trọng nhất là việc triển khai các cải cách, từ thương mại hóa nông nghiệp cho đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Giáo sư Curtis cho rằng số phận của ông Abe gần như sẽ trông cậy vào mức độ phục hồi kinh tế. Theo ông, nếu tăng trưởng kinh tế và mức lương vẫn ì ạch, Thủ tướng có thể sẽ bị phản đối ngay chính trong nội bộ đảng của ông và bị đặt dấu hỏi cho vai trò lãnh đạo LDP vào tháng 9 tới. Nhưng nếu mọi thứ trở nên tốt hơn, đặc biệt nếu thu nhập bắt đầu tăng lên, ông Curtis cho rằng sự ủng hộ dành cho ông Abe và đảng của ông sẽ tăng rất cao. “Mọi người nói rằng ông ấy đang cố gắng, vì thế có lẽ nên cho ông ấy thêm chút thời gian”, ông Curtis nói. Cuộc bầu cử sắp tới chính là lúc để xem người dân cho ông Abe sự ủng hộ đến mức nào.