ABBank lại thay ghế nóng 

0
1024

Sau nhiều biến động, ABbank tiếp tục phải đổi ghế CEO.

Chiếc ghế nóng của Ngân hàng ABBank lại thêm lần nữa thay đổi, trong bối cảnh ngân hàng này vẫn đang loay hoay chưa thể tăng tốc tín dụng trong thời gian gần đây.

Bà Dương Thị Mai Hoa chính thức rời ghế nóng của ABBank chỉ sau chưa tới 3 tháng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chức danh. Đây là lần thứ 3 ghế nóng của ABBank đổi chủ trong vòng 2 năm qua. Đã từng là CEO kiêm Giám đốc Tài chính của Vingroup, rồi đến Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam, Giám đốc Tài chính Oracle Việt Nam, hẳn nhiên bà Hoa không gặp nhiều khó khăn với việc quản lý Ngân hàng với khối tài sản chỉ ở mức gần 84.000 tỉ đồng. Vậy, vấn đề gì đã xảy ra?

Bà Hoa rời ghế trong bối cảnh ABBank vừa mới báo lãi tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt 707 tỉ đồng, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận lên đến 900 tỉ đồng. Mặc dù báo lãi cao nhưng thực tế, nếu nhìn rõ hơn vào báo cáo tài chính, kết quả này không hẳn đến từ sự tăng trưởng “hữu cơ”. Theo đó, mức thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm lại giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán mang lại khoản lợi nhuận 366 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 212 tỉ đồng cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận báo tăng còn vì chi phí trích lập dự phòng trong kỳ đã giảm mạnh (32,6%). Thêm nữa, dư nợ tín dụng lại tăng trưởng ở mức âm (gần 5,3%) trong khi các ngân hàng khác trong hệ thống đang tăng tốc nhanh.

Có một thực tế là dường như ABBank gặp trục trặc về vấn đề nhân sự trong thời gian gần đây. Trước bà Hoa, ABBank đã chia tay lần lượt với ông Nguyễn Mạnh Quân và Cù Anh Tuấn. Tại Đại hội cổ đông năm nay, ông Vũ Văn Tiền cũng đã rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vì vướng phải quy định của cơ quan quản lý.

Tại kỳ đại hội vừa qua, lãnh đạo ABBank có vẻ rất háo hức với năm 2018 tăng trưởng mới, đặc biệt là khi có vị nữ CEO từng kinh qua nhiều vị trí tương tự. Thêm nữa, cổ đông của ABBank lần này cũng trông chờ vào lời hứa lên sàn của Ban lãnh đạo. Theo đó, ABBank dự kiến tăng vốn lên gấp đôi so với mức hiện tại (duy trì ở mức 5.319 tỉ đồng từ năm 2016 đến nay), bằng phương án phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho cổ đông hiện hữu, bán cổ phần nội bộ (ESOP) và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Quyết định này dường như được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán quý I thuận lợi, khiến lãnh đạo Ngân hàng tự tin. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thị trường khoán chìm trong sắc đỏ, đi cùng diễn biến với các thị trường trên thế giới, khi chiến tranh thương mại chưa có đáp án cuối cùng. Mới đây, lãnh đạo Ngân hàng VPBank công bố lùi thời hạn phát hành thêm cổ phiếu vì thị trường không thuận lợi. Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính bán niên của ABBank, đó là có nhiều khoản lưu ý đến việc thu hồi nợ.

Trên thị trường, ABBank là ngân hàng tự tái cấu trúc sau khi thị trường ngân hàng gặp trục trặc trong giai đoạn trước đây. Cổ đông lớn là Tập đoàn Điện lực (EVN) đã thoái vốn theo yêu cầu quản lý, ABBank vẫn còn 2 cổ đông ngoại là MayBank và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC). Hiện tại, với 2 cổ đông này, ABBank cho biết hiện hợp tác phát triển dự án tín dụng nông nghiệp thông minh, còn MayBank cũng đã cử chuyên gia về quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp tư vấn xây dựng và triển khai khung quản lý rủi ro theo chuẩn Basel II, được thực hiện theo lộ trình năm 2018-2020. Trước đó, tại kỳ đại hội cổ đông vừa qua, đại diện ABBank cho biết Ngân hàng vẫn tiếp tục đi theo hướng bán lẻ, tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trở lại với chiếc ghế nóng của ABBank, nhân vật mới lại hứa hẹn là người cũ. Theo đó, ngân hàng này bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu giữ chức Phó Tổng Giám đốc, cùng đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc kể từ giữa tháng 10. Gương mặt lãnh đạo trẻ này cũng khá thân quen trong ngành. Ông Hiếu từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc ABBank giai đoạn 2012-2015. Trước đó, ông Hiếu từng gữ chức vụ tương tự tại Ngân hàng Việt Á.

Sau khi rời ngân hàng, ông Hiếu được biết đến với vai trò Tổng Giám đốc của Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trước đó, cũng chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, từng nói rằng, một phần nguồn vốn huy động được sẽ đầu tư vào những mảng công nghệ ngân hàng như digital banking và Fintech. Vẫn còn một chặng đường rất dài và thách thức phía trước cho vị tướng mới mà cũ của ABBank.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here