Bạn có tố chất của một nhà quảng cáo giỏi?

0
745

Bài viết khó có thể cover hết mọi điều lẽ phải trong ngành quảng cáo. Bằng kinh nghiệm và kiến thức còn non kém trong một số ít năm trải nghiệm, xin gửi tới các bạn – những con người đam mê và khao khát muốn cống hiến và thành công với quảng cáo – một chút những chia sẻ với hi vọng sẽ giúp được một ít sức lực nâng đỡ cho bạn trên con đường trải thảm gai nhưng không ít vinh quang này.

Những người làm quảng cáo không chỉ đơn giản giỏi về các kỹ năng bán ý tưởng và giải pháp như chúng ta thường biết. Khi nhìn sâu vào ngành công nghiệp quảng cáo và quan sát các cây đại thụ đi trước, chúng ta sẽ thấy để thành công trong ngành, không đơn thuần chỉ đam mê và kiên trì chịu nếm mật nằm gai thì sẽ trở thành một người làm quảng cáo xuất sắc, được ăn được nói được gói mang về.

Đây là một sự thật mà các bạn trẻ cần phải hiểu rõ để tránh nhiều ngộ nhận đáng tiếc xảy ra khi các bạn xây dựng sự nghiệp của mình trong tất cả các ngành nghề chứ không chỉ là ngành công nghiệp quảng cáo. Đam mê và kiên trì, chỉ mới đóng góp (nếu may mắn) là 2/3 thành công của bạn, còn nếu xui xẻo thì chẳng có ăn được miếng nào cả.

Nhiều lớp đàn anh có lòng tốt giúp đỡ thế hệ đi sau, đưa ra những lời cổ vũ bằng cả tấm lòng, “Nếu đam mê và kiên trì thì em sẽ thành công…”, điều đó không hoàn toàn đúng, nhất là đối với các vị trí nghề nghiệp nhạy cảm trong quảng cáo.

Có hàng triệu người trên thế giới đang làm những công việc này, nhưng 5-10 năm sau, chưa chắc còn tới 10% trụ lại với nghề, đó là chưa kể số người thành công với nghề thực sự ở mỗi quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, vậy số còn lại sẽ đi về đâu? Chúng ta đều không biết câu trả lời, nhưng đều chắc chắn rằng họ đã lãng phí một quãng đời tươi đẹp để đi theo cái mình không thực sự phù hợp và lúc nhận ra thì đã quá trễ để lên một chuyến xe khác.

Vậy yếu tố nào còn lại sẽ giúp bạn trở thành một người làm quảng cáo giỏi?

Câu trả lời vẫn cũ và xưa như truyện Tấm Cám, đó là tố chất (quảng cáo), hay nhiều người gọi là năng khiếu bẩm sinh.

Nếu bạn có tố chất, thì đam mê & kiên trì thực sự mới cùng kết hợp lại thành “kiềng 3 chân”, tuy vẫn có một số người thành công với chỉ 2 nhân tố trên, nhưng hầu hết thì không may mắn như thế.

Bất kể bạn muốn ở vị trí nào trong ngành công nghiệp này, Copywriter, Account, Graphic Designers, Visualizer, Traffic, Planning,Art Director, Creative Directors, Account Executive,Tiếp Tân-er, Bảo vệ-er… bạn cũng đều phải có những tố chất căn bản để nhận biết được mình có thực sự phù hợp với ngành nghề này không (về lâu về dài, vừa dai vừa khỏe…)

Tiếp đó, tố chất được rèn dũa qua thời gian, cùng với đam mê, kiên trì, thì lúc này sự quyết tâm gắn bó với nghề của bạn mới giúp bạn lột xác và trưởng thành qua năm tháng được, nếu không, bạn chỉ mãi là một con gà sống nhiều năm với nhiều kinh nghiệm bới đất, mà không thực sự hiểu tại sao sỏi khác với đất, và con giun thì đâu mất rồi?

Trong một diện hẹp của bài viết, tôi không dự định chia sẻ để đáp ứng được hết việc mô tả chân dung của một người làm quảng cáo hoàn hảo, mà một phần căn bản theo trải nghiệm và quan sát, học hỏi từ những người đi trước.

Những tố chất cần thiết của một người làm quảng cáo:
– Nhạy cảm thấu hiểu được tâm lý, hành vi con người
– Dễ dàng cảm nhận, đôi khi là nhìn thấu được những điều ẩn chứa bên trong (theo quan điểm, trực giác cá nhân) từ những tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật thị giác.
– Thường có được những Ý tưởng sáng tạo thường đến từ những điều bình thường chứ không phải trong hoàn cảnh ép buộc hoặc phòng họp
– Có khả năng giao tiếp, truyền đạt bằng văn nói lẫn văn viết vượt trội hơn những người bình thường.
– Có khả năng sáng tác – tổng hợp, tạo ra được một sản phẩm (đồ vật, bài văn, bài nhạc, câu nói, lời nói, bức vẽ…) ý nghĩa từ những nguyên liệu rất bình thường trong cuộc sống.
– Có trí tưởng tượng phong phú, có thể linh hoạt giữa lãng mạn và thực tế, luôn ý thức được rằng đôi chân mình phải chạm đất.
– Yêu thích việc đổi mới, học hỏi những điều mới một cách tự nhiên như hơi thở.
– Có khả năng tư duy phân tích, tư duy tổng hợp và nhìn thấu vào nhu cầu của những người xung quanh một cách tinh tế.
– Tự hấp nạp kiến thức về văn hóa vùng miền một cách rất tự nhiên.
– Có một bộ nhớ tốt và đầy màu sắc (đây thường là một yếu tố không được nhắc đến hoặc bị xem nhẹ trong các ngành công nghiệp khác, nhưng với quảng cáo – hay nghệ thuật thị giác – thì là điều đặc biệt quan trọng, nếu bạn chỉ biết khi chúng ta hồi tưởng hoặc mơ để hiển thị hình ảnh trong đầu, chỉ có khoảng gần 14% số câu chuyện đó có màu sắc, còn lại là trắng đen) – điều này giúp ích rất nhiều cho công việc sáng tạo của bạn. Đây là nhân tố vừa là năng khiếu, vừa phải rèn luyện.

Bên cạnh những tố chất cần thiết đó, bạn cần phải hiểu rõ những yêu cầu của một agency đòi hỏi ở một người nhân viên:
– Khả năng làm việc dưới áp lực cao
– Độc lập hay teamwork phải cực tốt (vì môi trường agency rất nhanh và nóng)
– Quản lý thời gian (và sự tập trung) phải thực sự hiệu quả
– Giàu trí tưởng tượng nhưng phải luôn giữ đầu óc thực tế và đôi chân chạm đất.
– Có thể dễ dàng diễn đạt ý tưởng thông qua ngôn ngữ và các phương tiện trực quan khác (một cách thú vị)
– Biết cách làm việc với những chi tiết nhỏ nhất (cả copy lẫn thiết kế) nhưng cũng cần phải song song với một góc nhìn định hướng tổng thể.
– Có khả năng lắng nghe (insights) và quan sát kiên nhẫn và sâu sắc.
– Là một người đa nhiệm không bối rối (có thể làm nhiều việc cùng một lúc mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc).
– Có khả năng phân tích, research, tìm nguồn thông tin, nghiên cứu và giải quyết vấn đề như một marketer.
– Phải thực sự xuất sắc về English (trong một môi trường toàn cầu hóa như hiện nay).
– Nắm vững các nguyên tắc nhưng cũng rất linh hoạt để tạo nên những kế hoạch với một Key message một cách kết dính và hấp dẫn.
– Thành thạo internet cũng như các phương tiện truyền thông khác.
– Khả năng tự học hỏi và tái học hỏi một cách liên tục không nhàm chán.
– Nắm vững những nguyên tắc về thiết kế quảng cáo, thiết kế truyền thông đa phương tiện
– Hiểu biết căn bản nhưng chắc chắn rõ ràng về quảng cáo, marketing và PR.
– Cẩn thận và tỉ mỉ để làm hoàn thiện các định dạng văn bản (đặc biệt copywriter không được phép sai chính tả).
– Thấu hiểu về công việc kinh doanh của khách hàng, biết cách giao tiếp để giải quyết vấn đề cho khách hàng một cách khéo léo nhất
– Thấu hiểu về thị trường và ngành công nghiệp mà client đang tham gia.
– Ngoài ra là những kỹ năng công sở khác (mà bất cứ ngành công nghiệp nào cũng có), công việc đòi hỏi bạn phải luôn giữ đầu óc sáng tạo trong một môi trường làm việc căng thẳng bởi Deadline dí vào mông để hoàn thành những mục tiêu của chiến dịch quảng cáo.

Nghe qua có vẻ quá nhiều thứ cần phải học hỏi và hoàn thiện phải không?

Để tôi chỉ cho bạn biết tại sao bạn không hợp với quảng cáo nếu:
– Bạn sống cứng nhắc theo những nguyên tắc mà không chịu tiếp thu quan điểm của người khác.
– Nếu bạn cho rằng làm quảng cáo thì cho phép mình có một cuộc sống lộn xộn, thì bạn cũng không nên làm quảng cáo, bạn sẽ làm lộn xộn luôn cả chiến dịch marketing của khách hàng.
– Bạn cho rằng viết lách hoặc giao tiếp là việc của copywriter hoặc là những người đi bán ý tưởng (account hoặc CD, AD) và không chịu khó học hỏi những kỹ năng này.
– Bạn có mối quan hệ rất hạn hẹp, bạn đổ lỗi là bạn hướng nội (Nội hay ngoại không liên quan gì đến việc bạn có năng lực giao tiếp, thiết lập mối quan hệ cả).
– Bạn cho rằng bạn sáng tạo, nhưng bạn thiếu kiên nhẫn, vội vàng muốn mọi thứ phải đâu ra đó.
– Bạn không có khả năng trình bày ý tưởng, bảo vệ ý tưởng của mình vì bạn cho rằng mình là người ít nói, người khác sẽ nói dùm bạn.
– Bạn hoặc là người quá mộng mơ, hoặc là người quá thực tế, ở đầu mút thái cực nào đó trong 2 cái này.
– Bạn sống mờ nhạt, không có óc quan sát, không biết cách chăm sóc người khác, không nhận thấy được những nhu cầu của những người xung quanh.
– Bạn không yêu thích các loại hình nghệ thuật.
– Bạn là người hay nói dối, thiếu trung thực.
– Bạn không biết yêu (con người, thiên nhiên, động vật…)
– Bạn thích làm ít được nhiều, thích nói mà không thích làm, thích nghĩ nhưng không chịu hành động.
– Và nhà bạn không có internet.

Chúng ta thường chỉ có một nhúm tố chất, phát triển một nhúm năng lực, và cũng mắc phải một số sai lầm nào đó như những đoạn đã liệt kê phía trên. Chúng ta đều không hoàn hảo, nhưng ít ra cũng phải sở hữu những điểm riêng biệt vượt trội hơn ngươi khác. Tuy nhiên nếu bạn có rất nhiều điểm năng lực và tố chất, biết cách hạn chế điểm yếu của mình, thì việc bạn thành công trong ngành quảng cáo càng xảy ra nhanh hơn, thuận lợi hơn và mang tới chiến thắng vinh quang hơn rất nhiều.

Chúc bạn trở thành một người quảng cáo xuất chúng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here