Các thương vụ mua bán sáp nhập cửa hàng tiện lợi có xu hướng gia tăng

0
622

Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ phân khúc cửa hàng tiện lợi luôn chứng kiến các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) thành công. Điều này cho thấy xu thế M&A tại lĩnh vực này đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo các chuyên gia thương mại, trong tháng 4 này lĩnh vực bán lẻ đã chứng kiến việc chuyển nhượng thành công của Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã chủ động đề nghị được nhượng lại toàn bộ chuỗi gồm 87 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động cho Công ty VinCommerce, thành viên của Tập đoàn Vingroup, chỉ với giá 1 USD.

Thương vụ chuyển nhượng sẽ được hoàn tất trong tháng 4-2019. Biến động bất ngờ này được xem là con sóng lớn đầu tiên trong năm 2019 – vốn được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt tại mảng bán lẻ.

Shop&Go là chuỗi cửa hàng của chủ đầu tư từ Singapore do Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống quản lý. Ra đời năm 2006, cửa hàng Shop&Go mở 24/24 giờ cung cấp các mặt hàng tiêu dùng nhanh từ thực phẩm chế biến đến hóa mỹ phẩm…, sau đó nhân rộng thành chuỗi và là thương hiệu đầu tiên tiên phong trong mô hình cửa hàng tiện lợi. Tính đến năm 2019, Shop&Go đã sở hữu 87 cửa hàng, trong đó 70 cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh và 17 cửa hàng tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Shop&Go vẫn không đủ sức vượt qua cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Báo cáo tài chính của Công ty Cửa hiệu và Sức sống cho thấy, năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỉ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỉ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là 205 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1,27 tỉ đồng. Đến tháng 10-2018, công ty nâng vốn điều lệ lên 207 tỉ đồng.

Đại diện Shop&Go chia sẻ, mặc dù đơn vị đã dày công đầu tư vào hệ thống bán lẻ nhưng sau thời gian dài kinh doanh, kết quả thu lại không được như mong muốn nên đơn vị quyết định nhượng lại cho doanh nghiệp có tiềm lực mạnh hơn.

Cùng thời điểm này, GS 25 Việt Nam (một nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc), đơn vị cũng đang hoàn tất những thủ tục để tiếp nhận Zakka Mart – một chuỗi của hàng tiện lợi do Công ty cổ phần Zakka quản lý.

Tại thời điểm về tay GS 25, Zakka Mart có 49 cửa hàng nhưng chủ yếu hoạt động bên trong các tòa nhà và chỉ bán đến 10g đêm. Dự kiến, trong tháng 5 tới tất cả các cửa hàng hiện hữu cũng như đội ngũ nhân sự của Zakka Mart sẽ được chuyển giao cho GS 25 Việt Nam.

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, thị trường bán lẻ đang chứng kiến cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, nhất là mảng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh.

Vì vậy, nếu không có chiến lược, chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ không tồn tại được và hoạt động M&A sẽ diễn ra với tốc độ phát triển nhanh chóng.

Nhận định từ giới chuyên gia cũng cho thấy, thời gian qua thị trường Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của chuỗi cửa hàng tiện lợi với hàng loạt tên tuổi đình đám như 7- Eleven, CircleK, GS25, Lawson…

Cùng đứng vào cuộc đua mở cửa hàng tiện lợi còn có các thương hiệu trong nước như Vinmart+, Co.op Food, Satrafood, Bách Hóa Xanh; trong đó cửa hàng Vinmart+ của Vingroup hiện chiếm con số áp đảo.

Tính đến đầu tháng 4, doanh thu của bán lẻ toàn thị trường đạt 52 tỉ USD, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam vẫn chưa sinh lợi nhuận. Chẳng hạn như tại một số nhà bán lẻ hàng đầu trong nước đang chịu áp lực rất lớn từ việc lỗ dài hạn, thậm chí có cửa hàng phải bù lỗ lên đến hàng tỉ đồng.

Tính đến đầu tháng 4, doanh thu của bán lẻ toàn thị trường đạt 52 tỉ USD, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng cao, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng được cải thiện, lực lượng dân cư đông, nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh mẽ…

Nhận định từ các chuyên gia, một số ngành nghề sẽ tiếp tục là mục tiêu của các nhà đầu tư như sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm đồ uống và bán lẻ; bất động sản; ngân hàng và dịch vụ tài chính; cơ sở hạ tầng, năng lượng; nông nghiệp; viễn thông, công nghệ; dược phẩm, chăm sóc sức khỏe.

Để đảm bảo sức cạnh tranh cho các nhà bán lẻ, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến cáo các nhà bán lẻ phải đảm bảo các yếu tố nguồn nhân lực, tài chính, chiến lược, kỹ năng, công nghệ…

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, vấn đề lựa chọn vị trí mặt bằng là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, đảm bảo doanh thu để tồn tại.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here