Masan chuyển mình

0
1287

Tập đoàn Masan vừa tiến hành cú chuyển mình mạnh mẽ nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, thông qua việc thành lập Masan Consumer Holdings cũng như chuyển dịch lớn về nhân sự cấp cao. Đi qua thời niên thiếu

Những kỷ niệm của một thời đưa mì ăn liền sang Nga phục vụ cộng đồng người Việt cho đến giờ vẫn nằm sâu trong ký ức của ông Nguyễn Đăng Quang và nhiều cộng sự tại Masan. Lúc bắt tay vào xuất khẩu mì ăn liền và cả tương ớt sang Nga để “dạy người Nga cách ăn tương ớt như người Việt”, ông Nguyễn Đăng Quang đã có tư duy hoàn toàn khác biệt: “Tại sao Masan chỉ sản xuất mì ăn liền cho một cộng đồng 200.000 người Việt ở Nga mà bỏ quên một thị trường lớn chưa được khai thác với 150 triệu người Nga”.

Tương tự, nhờ niềm tin “Việt Nam làm được” và chiến lược kinh doanh nhất quán, có những thời điểm doanh thu xuất khẩu của Masan sang Nga lên tới 100 triệu USD một năm. Quay về thị trường trong nước, Masan hướng tới việc làm sao cung ứng đầy đủ nhất và tốt nhất các sản phẩm quanh chiếc bếp ăn của các hộ gia đình Việt, với trọng tâm là mì ăn liền, nước tương, nước mắm… Bản thân ông Quang lúc ấy cũng không ngờ rằng, từ một ý tưởng kinh doanh nghe có vẻ đơn giản, những gói mì ăn liền Omachi, Tiến Vua, Kokomi… do Masan sản xuất lại giúp ông đặt nền móng cho một tập đoàn kinh tế tư nhân có tổng giá trị thị trường 3 tỷ USD như hiện nay.

Còn nhớ cách đây gần 5 năm (2009), Masan là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng tốt nhưng có vị trí còn khiêm tốn ở Việt Nam. Với cái tên ban đầu Masan Food (tiền thân của Masan Consumer), công ty này chỉ đạt doanh số 660 tỷ đồng và 87 tỷ đồng lợi nhuận ròng (theo Báo cáo của Masan). So với nhiều doanh nghiệp khác, Masan Food là người đi sau xét về mặt chỉ tiêu kinh doanh. Thế nhưng, công ty vẫn đặt ra mục tiêu rất xa và tham vọng rất lớn nhờ tư duy “làm được” của ông Đăng Quang: “Công ty mạnh nhất trong Masan Group là Masan Food mới hoạt động trong vòng bán kính 1 mét quanh bà nội trợ ở nhà bếp. Chúng tôi có chung mơ ước sẽ xây dựng Masan Food trở thành công ty trị giá 1 tỷ USD trong vài năm tới, và những thương hiệu như Chin-Su, Omachi… sẽ là thương hiệu quốc tế chứ không chỉ là thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam”.

Ba năm sau, cuối năm 2012, Masan Group (MSN) đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu ở Việt Nam. Doanh thu năm 2012 của Masan đạt 10.575 tỷ đồng (gấp 16 lần năm 2007) và lợi nhuận sau thuế lên đến 1.962 tỷ đồng (gấp 22,5 lần năm 2007). Tổng giá trị thị trường của công ty này hiện đã lên tới hơn 3 tỷ USD (với giá cổ phiếu khoảng 90.000 đồng/cổ phiếu), đứng hàng thứ 3 trong các doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, sau Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) và Vinamilk.

Về mặt kinh doanh, Masan Group không còn thuần túy là tập đoàn hàng tiêu dùng nữa. Sau thương vụ mua lại mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên), Masan Group đã “đi bằng hai chân” với một là hàng tiêu dùng và một là khai thác và chế biến tài nguyên.

Hẳn nhiên, ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan Consumer – công ty thành viên của Masan Group – đã khẳng định vị trí vững chắc. Theo Báo cáo thường niên 2012 của Masan, thị phần nước tương, nước mắm, mì ăn liền cao cấp của công ty tại thị trường Việt Nam trong năm 2012 lần lượt là 78%, 76% và 48%. Công ty này cũng lấn sân sang một số lĩnh vực mới thông qua M&A như cà phê (chiếm 44% thị phần cà phê hòa tan) bằng việc mua lại Vinacafé Biên Hòa và nước khoáng bằng việc mua lại Nước khoáng Vĩnh Hảo. Theo thống kê của Công ty nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Kantar năm 2012, có tới 98% người Việt Nam có một sản phẩm của Masan trong nhà (nguồn: Báo cáo thường niên 2012 của Masan).

Đối với lĩnh vực khai thác và chế biến tài nguyên, công ty con của Masan là Masan Resources đã phát triển thành công dự án mỏ đa kim Núi Pháo, đưa mỏ này vào khai thác từ cuối quý 1 năm nay, biến Masan trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu trong cả lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản và tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Với một nhà máy chế biến quặng được đánh giá là hiện đại bậc nhất, Núi Pháo hàng năm cho ra lò các loại sản phẩm vonfram, bismuth và flourit đã chế biến sâu, đủ phẩm cấp để xuất khẩu theo chính sách xuất khẩu quặng tinh luyện của Nhà nước.

Tuần trước, Masan Resources công bố Núi Pháo đã ký một hợp đồng liên doanh với nhà chế biến kim loại công nghiệp hàng đầu thế giới có nguồn gốc từ nước Đức là H.C. Starck. Liên doanh Starck – Núi Pháo sẽ lập nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới ở Việt Nam để tinh luyện vonfram đã được làm giàu từ Núi Pháo. Starck cũng sẽ mua lại phần lớn sản phẩm tinh luyện của liên doanh này.

Với các dấu mốc đó, có thể nói Masan đã hoàn thành giai đoạn 1 mang tính lịch sử của mình: Đi qua thời “niên thiếu”. Sự thành công của giai đoạn này có những đóng góp cực kỳ quan trọng của rất nhiều gương mặt lãnh đạo, trong đó nổi bật hơn cả là ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT) và Madhur Maini (Tổng Giám đốc Điều hành). Trong khi Tiến sĩ Đăng Quang là một bậc thầy về kinh doanh thì Madhur Maini là một chiến lược gia tầm cỡ về tài chính và quản trị.

Tập đoàn Masan đang ở trong một cuộc chơi được định danh là “chuyển mình vươn ra biển lớn” mà họ hiểu bản thân họ rõ nhất, giống như sự am tường của doanh nghiệp này về thị trường Việt Nam, nhờ triết lý về niềm tin của ông Nguyễn Đăng Quang: “Việt Nam làm được”!

Giờ đây, Masan Group đã định vị vững chắc là một doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực phát triển tự thân và khả năng mở rộng qua M&A, có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp bậc nhất ở Việt Nam, với các doanh nghiệp con hoạt động hiệu quả và dòng tiền dồi dào. Công ty này đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới: giai đoạn bứt phá và vươn ra biển lớn.

Vươn ra biển lớn

Theo thông tin chính thức từ Masan, bước chuyển về chiến lược then chốt sẽ là thành lập Masan Consumer Holdings (MCH) làm bàn đạp để mở rộng tầm với của Masan trong các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. MCH sẽ bao gồm 2 “trụ” là Masan Consumer và Masan Consumer Ventures (MCV). Masan Consumer sẽ chỉ tập trung vào các ngành cốt lõi là thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, nhân tố mới MCV sẽ mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến thị trường tiêu dùng, nơi mà thương hiệu và phân phối đóng vai trò quyết định thắng bại trong kinh doanh (như bán lẻ).

Kèm theo sự chuyển đổi chiến lược này là tái phân bổ và mở rộng về nhân sự cao cấp. Theo đó, ông Madhur Maini sẽ chuyển sang phụ trách MCH với vai trò Chủ tịch HĐQT. Ông Quang sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc của Masan Group cùng với 3 vị Phó Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Thiều Nam (cũ) và hai ông Michael Hưng Nguyễn và Trương Công Thắng (mới). HĐQT của Masan Group cũng có thêm một nhân tố mới là ông Dominic Price, nguyên Tổng Giám đốc của Ngân hàng JP Morgan tại khu vực Đông Dương và Myanmar.

Tại sao lại có sự thay đổi mang tính bước ngoặt này? Theo phân tích của các chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, rõ ràng việc củng cố nhân sự ở Masan Group là nhằm đi tiếp lộ trình chuyên môn hóa và quốc tế hóa về mặt quản trị. Nhưng ẩn đằng sau đó là việc hỗ trợ cho Madhur Maini, chiến lược gia về tài chính và quản trị, để nhà quản lý người Ấn Độ này có thể toàn tâm toàn ý lãnh đạo pháp nhân mới MCH. Nói cách khác, bước chuyển về nhân sự là để phục vụ cho bước nhảy mới của Masan trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Ngoài ra, Madhur Maini sẽ tiếp tục đề ra những chiến lược M&A quan trọng của MCH, cũng như giám sát việc thực thi để giúp công ty mở rộng hoạt động trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Tương lai vẫn là ngành tiêu dùng

Để hiểu lý do chuyển đổi chiến lược của Masan, trước hết phải có cái nhìn sâu hơn về tiềm năng của các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng ở Việt Nam. Lý do chính để Masan chơi ván cờ mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là triển vọng rất lớn của thị trường này. Tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi và đạt xấp xỉ 173 tỷ USD vào năm 2020 (nguồn: thống kê của Euromonitor, Global Insight, Bain Analysis). Theo ước tính của công ty Business Monitor International (BMI) trong Báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam quý 1/2013, tốc độ tăng trưởng kép của tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam giai đoạn 2012-2017 là 9,43%. Một yếu tố nữa thúc đẩy sự đầu tư ngày càng nhiều của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào ngành tiêu dùng nhanh là dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 7,2% vào năm 2017, theo ước tính của Economist Intelligence Unit tại báo cáo Vietnam Country Report tháng 4/2013.

Theo Bain Analysis và Global Insights, tốc độ tăng trưởng của chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam luôn cao hơn các nước khác trong khu vực ASEAN với con số tăng trưởng trung bình tích lũy khoảng 8% trong giai đoạn 2001-2011, trong khi của Malaysia là 7%, Indonesia 6%, các nước còn lại 4%. Cũng theo nghiên cứu của Bain và Global Insights, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị trí “không có đối thủ” trong khu vực ASEAN giai đoạn 2011-2020 về tốc độ phát triển chi tiêu tiêu dùng với tốc độ 8%, vượt xa nhóm thứ nhì là Indonesia và Malaysia (5%) và các nước còn lại là 4%.

Thực ra, xu hướng bùng nổ ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam là tất yếu. Theo Euromonitor và Ngân hàng Thế giới, dân số Việt Nam khá trẻ (61,7% dưới độ tuổi 35), do đó nhu cầu tiêu dùng hàng hóa còn rất lớn. Tầng lớp trung lưu cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ và còn nhiều dư địa để tăng tiếp, vì hiện nay mới chỉ có 29% số hộ gia đình có thu nhập trên 5.000 USD mỗi năm (tăng gấp đôi so với 5 năm trước). Tốc độ đô thị hóa cũng đang tăng nhanh và mới chỉ ở giai đoạn đầu với 29% dân cư thành thị. Một thống kê của Ngân hàng Thế giới chỉ ra mức chi tiêu dùng hộ gia đình tại Việt Nam bằng 63% GDP của đất nước.

Đó là chưa kể tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam gần như chưa có gì, mới chỉ có 9 thẻ tín dụng bình quân trên 1.000 người dân (so với Trung Quốc hiện nay là 178, Indonesia là 63). Chỉ có rất ít các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng ở Việt Nam và lãi suất hiện nay ở mức “cắt cổ”. Khi cánh cửa tín dụng được mở, người dân có thể tiếp cận đến các hoạt động cho vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý hơn, thì tốc độ tăng trưởng về tiêu dùng ở Việt Nam là không phải bàn cãi. Vì thế, có thể hiểu tại sao Masan lại đặt vận mệnh của mình vào “cửa” tiêu dùng trong ván bài kinh doanh táo bạo sắp tới.

Tóm lại, có thể tạm hình dung cuộc chơi tiêu dùng của Masan ở MCH sẽ là vận dụng sức mạnh sẵn có của Masan Consumer để phát triển các doanh nghiệp mới do Masan Consumer Ventures (MCV) đầu tư. MCV sẽ tiếp tục vận dụng chiến lược M&A như Masan Consumer đã làm với Vinacafé Biên Hòa. Cuộc chơi này sẽ bắt đầu bằng bước đầu tiên là mua lại các doanh nghiệp thuộc các ngành mũi nhọn mà Masan nhắm đến, như nông nghiệp (thông qua sở hữu 40% cổ phần tại Proconco) và bia (mua lại thương hiệu bia Phú Yên) và hiện đều thuộc quản lý của MCV. Với nông nghiệp, việc kiểm soát phần lớn một công ty hàng đầu trong ngành thức ăn chăn nuôi (Proconco) kết hợp với mạng lưới phân phối rộng lớn sẵn có của Masan Consumer (hơn 160.000 điểm bán hàng, 1.628 nhân viên bán hàng và 162 nhà phân phối) sẽ giúp Masan tạo nên chuỗi cung ứng thực phẩm hoàn chỉnh từ trang trại đến bàn ăn. Với bia, đây cũng là ngành quan trọng, chiếm gần một nửa ngành đồ uống với tiềm năng phát triển cao trong tương lai.

Như vậy, sau khi sử dụng chiến lược M&A qua việc hợp tác với các đối tác lớn, bước 2 của MCV sẽ là tăng cường bơm vốn, nâng cao chất lượng quản trị, công nghệ, phát triển thương hiệu và gia tăng thị phần của doanh nghiệp được mua lại. Sau khi thành công ở bước này, MCV có thể được đưa ra niêm yết ở nước ngoài hoặc bán lại toàn bộ cho các nhà đầu tư nước ngoài nếu cung – cầu gặp nhau.

Trên thế giới, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng chọn chiến lược đó. Chẳng hạn, một trong những công ty đầu tư lớn nhất toàn cầu là Blackstone sử dụng chiến lược được tóm tắt là khám phá giá trị bằng cách phát hiện ra các công ty tốt và đẩy mạnh kết quả kinh doanh của họ, thông qua việc cấp nguồn vốn dài hạn và kết hợp với đội ngũ quản trị xuất sắc.

Tập đoàn Masan đang ở trong một cuộc chơi được định danh là “chuyển mình vươn ra biển lớn” mà họ hiểu bản thân họ rõ nhất, giống như sự am tường của doanh nghiệp này về thị trường Việt Nam, nhờ triết lý về niềm tin của ông Nguyễn Đăng Quang: “Việt Nam làm được”!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here