Thành công của Viettel là nhờ Marketing đúng hướng

0
2585

Viettel vừa đạt con số kỷ lục 1 triệu thuê bao. Đây là một thành tích đáng nể với một mạng di động mới. Trong sự thành công của Viettel, nhiều người đã nói đến sự năng động và vai trò quan trọng của marketing với thông điệp “ Hãy nói theo cách của bạn ”.

Được đánh giá là tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, đồng thời được đánh giá là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và nằm trong Top 15 các công ty viễn thông toàn cầu về số lượng thuê bao. Hiện nay, Viettel đã đầu tư tại 7 quốc gia ở 3 châu lục gồm châu Á, châu Mỹ, châu Phi. Với một slogan “Hãy nói theo cách của bạn”, Viettel luôn cố gắng nỗ lực phát triển vững bước trong thời gian hoạt động và gặt hái các thành công.

Viettel Mobile: Dấu ấn của Marketing

Nghiên cứu của Markcom Research & Consulting về thị trường viễn thông VN và động thái cạnh tranh của từng nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường trong ba năm qua cho phép đánh giá 50% thành công của Viettel là do khai thác hiệu quả sự lơi lỏng (nếu không muốn nói là sai lầm) của đối thủ về marketing và 50% là do nỗ lực của đội ngũ nhân viên năng động.

 

Đánh giá về sự sai lầm trong marketing của các đối thủ của Viettel, theo chúng tôi, có ba nguyên nhân và điều này đã tạo lợi thế cho Viettel khi biết tận dụng thời cơ. Đó là sự chậm chạp trong chiến lược cạnh tranh (thiếu linh hoạt) và xử lý rủi ro chậm (ví dụ vụ nghẽn mạng Vinaphone đầu năm 2005); chăm sóc quyền lợi khách hàng chưa đúng mức; cuối cùng là có sai lầm trong xây dựng hình ảnh.
Chính vì vậy việc “đánh bóng” hình ảnh của mình nhân sự lơi lỏng về chiến lược marketing của đối thủ đã là một giải pháp làm nên thành công của Viettel. Tuy nhiên, thành công của thương hiệu Viettel, theo chúng tôi, còn do hai nguyên nhân bao trùm khác. Đó là một chiến lược định vị và tiêu chí tiếp cận kinh doanh “vì khách hàng trước, vì mình sau”.

Chiến lược định vị: giá thấp, linh loạt trong quảng bá hình ảnh và đặc biệt là có hẳn sách lược chăm sóc khách hàng một cách thân thiện, tận tình là một chiến lược kinh doanh rất đúng đắn. Đây có thể coi là cách định vị tối ưu nhất cho một mạng di động trong bối cảnh thị trường di động VN cách đây 2 – 3 năm (S-Fone tuy ra trước đã không làm điều này).

Bên cạnh chiến lược định vị đúng, Viettel còn thể hiện lối tư duy kinh doanh “vì khách hàng trước, vì mình sau” tuy chưa đậm nét và đạt tới mức độ cao nhưng đã tạo được sự tin cậy trong người tiêu dùng. Các gói cước tính có lợi cho khách hàng, các cách chăm sóc khách hàng tốt, các tiện ích mang lại giá trị ngoại sinh cho khách hàng như chọn số… thật sự đã góp phần làm cho Viettel thành công hơn.

Các chuyến “xuất ngoại” đưa đến thành công.

Năm 2008, Viettel đầu tư mạng di động ở Campuchia, rất nhiều người đã nghi ngờ khả năng thành công của Viettel trên đất nước Chùa Tháp bởi thị trường này đang có quá nhiều nhà mạng và Viettel là người đến sau. Nhưng chỉ một thời gian sau tin vui đã đến với Viettel khi Metfone đã vươn lên vị trí số 1 tại thị trường này. Hết năm 2012, Viettel thực sự lớn mạnh trên thị trường viễn thông.

Đến ngày 15/5/2012, Viettel chính thức công bố kinh doanh tại Mozambique. Đây là thị trường nước ngoài thứ 5 của Viettel và là thị trường đầu tiên tạo đà để Viettel tiếp tục mở rộng sang các nước khác tại châu Phi. Ngay cả khi Viettel đã chính thức cung cấp dịch vụ tại đó, nhiều người làm trong lĩnh vực viễn thông trong nước cũng không tin tưởng vào sự thành công của Viettel ở những thị trường gian khó như thế thậm chí đã có những ý kiến nghi ngại rằng Viettel sẽ “sa lầy” vào thị trường này. Nhưng trên thực tế, sau những nổ lực cố gắng mang “hãy nói theo cách của bạn” đến với các vùng đất xa xôi của Mozambique thì chính bà Safura, Ủy viên Trung ương Đảng frelimo, chủ tịch Hội đồng Quản trị của Movitel (liên doanh giữa Viettel và Công ty SPI của Mozambique) đã phải khẳng định “Tôi đã đúng khi chọn Viettel đầu tư vào Mozambique”. Điều này càng cho thấy chuyến “xuất ngoại” thứ 5 này của Viettel đã đạt thành công lớn.

Tại Haiti, Viettel đã làm nên điều kỳ diệu khi hồi sinh hạ tầng viễn thông của quốc gia này sau trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử khiến gần nửa triệu người thiệt mạng.

Mạng thông tin quân sự thứ hai của quốc gia

Nhiều người đã biết Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam với mạng lưới phủ đến từng ngôi nhà ngõ xóm, là một trong những tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn nhất, hoạt động hiệu quả nhất cả trong nước và đầu tư nước ngoài… Thế nhưng ít người biết đến các hoạt động kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng của tập đoàn này.

Với sự năng động trong kinh doanh Viettel nhanh chóng có những đóng góp cho quân sự quốc gia. Năm 1997, đóng góp đầu tiên của Viettel đối với hạ tầng quân sự quốc gia là tập trung khảo sát, thiết kế, xây dựng tuyến cáp quang Bắc-Nam 1A với gần 2000km. Với đường trục này, Viettel đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới SDH ghép bước sóng trên một sợi quang, tốc độ 5GB/s, qua đó nâng dung lượng lên gấp 2 lần (từ 2 sợi lên tương đương 4 sợi), đã làm thay đổi một bước quan trọng về chất mạng thông tin quân sự.

Đến nay, Viettel đã xây dựng được 4 tuyến đường trục cáp quang, tạo thành “xa lộ” thông tin với công nghệ tiên tiến, là mạng truyền dẫn lớn nhất Việt Nam cả về dung lượng, số trạm nhiều nhất; vùng phủ sóng lớn nhất, tới cấp xã trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Mạng Viettel đã cung cấp cho mạng thông tin quân sự hàng ngàn ki-lô-mét sợi quang, hàng trăm luồng truyền dẫn đến những nơi mà mạng thông tin quân sự chưa vươn tới. Mạng lưới của Viettel đã trở thành hạ tầng thứ hai của mạng thông tin quân sự quốc gia, thực hiện vu hồi trong thời bình và sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh trong mọi tình huống, nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, sóng của Viettel đã không ra biển khơi, đến với quần đảo Trường Sa và vùng khai thác dầu khí, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ quốc phòng-an ninh tại địa bàn chiến lược này.

Tư tưởng quyết định thành công

Khi bắt đầu tham gia vào thị trường viễn thông Viettel đã định nghĩa di động phải dành cho mọi người, và là hàng hoá thông thường như cơm ăn, áo mặc, ai cũng có thể dùng được. Vì tư tưởng ấy mà Viettel xây dựng một mạng lưới rất rộng, đến tận vùng sâu, vùng xa và tạo nên sự bùng nổ của viễn thông hiện nay.

Đầu tư xuất ngoại là tư tưởng đã được Viettel nghĩ đến từ nhiều năm trước và luôn biết cách lựa chọn những thị trường phù hợp. Theo ông Lê Đăng Dũng – phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội những kết quả trong hoạt động đầu tư nước ngoài mà Viettel đạt được những năm qua là Viettel có lợi thế đã thành công tại thị trường Việt Nam nơi mà thu nhập của người dân còn chưa được cao. Do vậy những thị trường như châu Phi – châu Mỹ La tinh là rất hợp với Viettel và trên cơ sở đó Viettel luôn đề ra các chiến lược phù hợp, điều này được chứng minh ở chỗ Viettel cũng đã thắng trên rất nhiều thị trường mới.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, đối với Viettel, sức mạnh cạnh tranh nhất là tư tưởng và tầm nhìn của mình. Còn tất cả nguồn lực chỉ là những hệ quả, kết quả do chiến lược của mình vạch ra mà thôi. Điều đó đã được chứng minh, khi Viettel bắt đầu sự nghiệp của mình với tài sản chỉ khoảng 2,3 tỷ Việt Nam đồng và 100 con người ở thời điểm năm 2000. Như thế có thể coi nguồn lực của Viettel là bằng 0 nhưng Viettel đã làm nên thành công như hôm nay.

“Con đường vươn ra thế giới còn dài và cũng phức tạp. Chúng tôi đang đặt cho từng người trong tập đoàn những những yêu cầu cao nhất, khó khăn nhất để gắng sức vượt qua nhằm vươn xa hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên bản đồ thế giới” là những chia sẽ của nhà hoạch định chiến lược Nguyễn Mạnh Hùng. Những tư tưởng này đang ngày càng được Viettel thực hiện khi đưa ra mục tiêu trở thành 1 trong số 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here