Không còn bánh kẹo Việt để ăn

0
1111

Thị trường bánh kẹo có tổng giá trị hơn tỉ USD với sản lượng 500.000 tấn/năm của VN đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Cứ đà này, chẳng mấy chốc người Việt muốn ăn bánh kẹo sản xuất trong nước cũng không đơn giản.

Báo cáo nghiên cứu thị trường bánh kẹo VN của Công ty khảo sát thị trường quốc tế (BMI) cho biết năm 2013 doanh thu của ngành này đạt 24.600 tỉ đồng, lợi nhuận 2.400 tỉ đồng. Dự báo năm nay, doanh thu lên tới 27.270 tỉ đồng, mức tăng trưởng khoảng 7,9%/năm, cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (3%) và 1,5% của thế giới. BMI cũng dự báo, doanh thu toàn ngành bánh kẹo VN vào năm 2018 đạt mức 40.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công thương), doanh thu thị trường bánh kẹo lớn hơn cả thị trường mì ăn liền và bột ngọt tính trong cơ cấu ngành kỹ nghệ thực phẩm. Cụ thể, với 40,43% thị phần thuộc về bánh kẹo, 34,54 là mì ăn liền và 24,83 là bột ngọt. Đây cũng là ngành có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

Các “ông lớn” ra đi

Theo BMI, thị trường bánh kẹo VN còn rất tiềm năng, bởi mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người hiện chỉ khoảng 2 kg với số tiền 295.000 đồng, thấp hơn mức trung bình của thế giới(2,8 kg/người/năm).

Thế nhưng, thị trường khổng lồ và “ngon ăn” này đã rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) ngoại. “Đại gia” lớn nhất của ngành bánh kẹo Việt với 28% thị phần là Kinh Đô, cách đây chưa đầy 1 tháng đã bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International của Mỹ với số tiền 370 triệu USD. 20% còn lại không loại trừ khả năng sẽ bán nốt nếu nhà đầu tư ngoại muốn sở hữu 100%.

“Nhiều năm qua, chúng ta hô hào chương trình vận động người VN dùng hàng VN, nhưng với bánh kẹo thì người tiêu dùng trong nước liệu có thể lựa chọn nào khác ngoài những sản phẩm ngoại? Có những mặt hàng tưởng có doanh thu chẳng là bao, nhưng thực tế thì cực kỳ lớn, như bánh kẹo, đáng lẽ ra thuộc về người VN thì lại rơi vào taynước ngoài. Rõ ràng chúng ta ngày càng thua trắng trên sân nhà”, TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế.

Trước đó, một nhãn hàng bánh kẹo lớn của VN là Bibica cũng rơi vào nhà đầu tư ngoại là Lotte (Hàn Quốc). Hiện Lotte đã sở hữu trên 44% cổ phần Bibica và chiếc ghế Chủ tịch HĐQT công ty do người Hàn nắm giữ. Hiện các cổ đông khác nắm số lượng lớn cổ phần của Bibica cũng đang nhăm nhe bán ra nên khả năng Bibica rơi hoàn toàn vào tay nhà đầu tư Hàn là rất dễ xảy ra.

Như vậy, sau việc Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho Mỹ, cộng với Bibica của Hàn Quốc, ngành bánh kẹo trong nước gần như không còn một tên tuổi lớn nào. Thay vào đó là các cửa hàng bánh ngoại mọc lên ngày càng nhanh ở các thành phố lớn. Có thể kể tên những thương hiệu đình đám như: Tous Le Jour, Paris Bagguette, Orion (Hàn Quốc), Bread Talk (Singapore), Mars, Kraf Food, Mondelez (Mỹ); Euro Cake của Thái.

Dạo một vòng các siêu thị như Lotte, Giant, BigC, Citimart, Co.opmart… hầu như không thấy bóng dáng của các thương hiệu bánh kẹo Việt, dù khu vực trưng bày riêng cho các mặt hàng bánh kẹo chiếm diện tích khá lớn. Ở Giant còn có các quầy dành riêng cho một vài thương hiệu bánh kẹo ngoại giới thiệu sản phẩm bằng cách cho khách ăn thử. Tại Lotte, chủ yếu là các nhãn hiệu mang thương hiệu cùng tên đến từ Hàn Quốc.

Ở phân khúc dành cho trẻ em cũng không có bất kỳ sự chen chân nào của DN nội. Đến một số cửa hàng bán đồ em bé ở TP.HCM, hầu như là hàng Mỹ, Nhật, Đức… Trên các trang mạng bán bánh kẹo cho trẻ em, cũng không giới thiệu nhãn hiệu Việt nào, nhưng rất dễ nhận thấy bánh kem dừa nhập khẩu từ Đức, bánh nướng bơ của Bỉ, bánh nướng rong biển Hàn Quốc, bánh vị lúa mì sữa Ý, bánh quy Pháp, kẹo hạnh nhân Nga.

Mất cả thị trường nguyên liệu

Nhà đầu tư ngoại và hàng nhập khẩu hiện chiếm khoảng 80% thị trường bánh kẹo trong nước, 20% còn lại thuộc phân khúc hàng trung bình – thấp dành cho các thương hiệu nội, phục vụ các thị trường nông thôn.

Thiếu chiến lược phát triển

Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, không thể trách DN, bởi nếu họ không còn khả năng cạnh tranh thì phải bán cho nước ngoài là điều dĩ nhiên. “Vấn đề là VN đang thiếu các chiến lược phát triển ngành nghề cụ thể. Ngay cả bánh kẹo mà người VN vẫn phải dùng hàng ngoại thì không biết khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đang tiến tới đâu”, TS Ngãi nói.

“Mất chân” trên thị trường cùng với việc du nhập hàng loạt thương hiệu bánh kẹo ngoại, ngành sản xuất bánh kẹo Việt còn đang chịu sự chi phối bởi các nhà cung cấp nguyên liệu ngoại. Đại diện thương hiệu bánh kẹo Pháp Pat à Chou cho biết: “Nguyên liệu làm nên chiếc bánh ngon đa số đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Công ty tôi đang sản xuất bánh mì tươi để xuất khẩu sang Mỹ nhưng nguyên liệu đầu vào từ bột mì, bột sữa, hương liệu… đều phải nhập từ châu Âu”.

Những thương hiệu bánh kẹo mua nguyên liệu trong nước như sô cô la, men, phụ gia… đa số cũng được cung cấp bởi hai nhà phân phối lớn là Pratos và Grand Place của nước ngoài. Theo một chuyên gia có thâm niên gần 20 năm trong ngành bánh kẹo, hai nhà cung cấp này đang “chi phối” thị trường nguyên liệu của ngành.

TS Nguyễn Văn Ngãi, chuyên gia kinh tế, cho rằng một thị trường bánh kẹo có doanh thu khổng lồ như vậy nhưng dần bị thu hẹp do các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị phần là một vấn đề đáng suy nghĩ. Bánh kẹo không phải là một sản phẩm công nghệ cao để rơi vào tay nước ngoài dễ dàng như thế.

Có người cho rằng, Kinh Đô, Bibica bán cho nước ngoài nhưng vẫn sản xuất ở VN, sử dụng lao động VN và không mất đi đâu cả, nhưng cái quan trọng là phần lợi nhuận mà công ty này kiếm được sẽ được chuyển ra nước ngoài. “Nhiều năm qua, chúng ta hô hào chương trình vận động người VN dùng hàng VN, nhưng với bánh kẹo thì người tiêu dùng trong nước liệu có thể lựa chọn nào khác ngoài những sản phẩm ngoại? Có những mặt hàng tưởng có doanh thu chẳng là bao, nhưng thực tế thì cực kỳ lớn, như bánh kẹo, đáng lẽ ra thuộc về người VN thì lại rơi vào tay nước ngoài. Rõ ràng chúng ta ngày càng thua trắng trên sân nhà”, ông Ngãi bức xúc.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here