Nội Dung Chính
Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao Xiaomi có thể bán sản phẩm của mình với giá rẻ như vậy? Và họ sẽ tiếp tục thành công bằng cách nào chưa?
Xiaomi được thành lập năm 2010 với mục tiêu ban đầu tập trung vào phát triển phần mềm cho Android. CEO đồng thời là nhà sáng lập của Xiaomi, Lei Jun là một người đã có rất nhiều kinh nghiệm startup thành công trong quá khứ. Công ty đã xây dựng nền tảng MIUI giúp các smartphone chạy hệ điều hành của Google có giao diện và một số tính năng tương tự iPhone.
Thành công với tốc độ phi mã
Tới năm 2011, Xiaomi mới đưa ra những smartphone của riêng mình nhưng lại nhanh chóng gây được những thành công ấn tượng. Thống kê chỉ trong quý 2/2014, Xiaomi đã cung cấp 15 triệu thiết bị điện tử tới tay người tiêu dùng, trong khi Samsung chỉ là 13,2 triệu.
Cũng trong thời gian đó, Xiaomi vận chuyển tổng cộng 10,3 triệu đơn đặt hàng nhanh với giá trị sản phẩm lên tới 10 tỷ nhân dân tệ. Các đơn đặt hàng đã được vận chuyển nhanh qua 3 nhà cung cấp dịch vụ lớn, cụ thể là SF Express, Rufengda và EMS Express.
Cuối tháng 10/2014, Xiaomi đã là nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới và chỉ xếp sau Samsung và Apple, đứng trên một loạt tên tuổi như Sony, HTC cũng như Lenovo, Huawei… Còn riêng ở thị trường Trung Quốc, Xiaomi đã đánh bại Samsung để chiếm lấy vị trí độc tôn – một sự thành công quá mức tưởng tượng chỉ sau 4 năm startup. Xiaomi được định giá 45 tỷ USD sau khi thu hút được số tiền đầu tư khổng lồ (năm 2013 giá trị của Xiaomi là khoảng 4 tỷ USD).
Mặc dù lợi nhuận của Xiaomi rất thấp nhưng…
Con đường thành công của Xiaomi trong thị trường smartphone vốn cạnh tranh rất khốc liệt nghe rất đơn giản: “Bán smartphone cao cấp với giá bình dân”. Chính sách này đã đưa Xiaomi lên vị trí thứ 3 thế giới, nhưng cái giá cho điều đó cũng không hề rẻ.
Dù đạt doanh thu lên tới 4.3 tỷ đô trong năm 2013, lợi nhuận mà hãng này thu được chỉ ra vào khoảng 56 triệu đô la Mỹ. Đây là con số quá thấp, thậm chí chỉ bằng 1/10 so với mức dự báo mà tờ Thời báo phố Wall dành cho nhà sản xuất đến từ Trung Quốc. Tỉ suất lợi nhuận của Xiaomi cũng chỉ bằng 1/10 so với các nhà sản xuất danh tiếng khác như Samsung và Apple.
… Xiaomi đang thay đổi cả thị trường Smartphone nhờ chiến thuật giá rẻ
Giá thành sản phẩm là thông số khó tối ưu hoá nhất đối với bất cứ mặt hàng nào trên thị trường. Nghe có vẻ đơn giản: bán sản phẩm với giá cao hơn chi phí sản xuất. Nhưng giá thành được xác định bởi nhiều yếu tố khác như thương hiệu, marketing, vị thế trên thương trường và điều quan trọng hơn tất cả: tâm lý học.
Ví dụ, nếu bạn muốn để giá sản phẩm của mình với giá cao (như Apple chẳng hạn), sản phẩm đó phải có một điểm độc đáo mà trước đó chưa từng xuất hiện. Sau đó bạn sẽ phải cố gắng bán với giá cao càng nhanh càng tốt, trước khi điểm độc đáo hay công nghệ tiên tiến trong sản phẩm của bạn tràn lan trên thị trường.
Ngoài ra khi thiết lập giá bán cho một sản phẩm, các nhà sản xuất luôn muốn có mức lợi nhuận từ 60-100% giá thành sản xuất. Vì chi phí cho 1 sản phẩm không chỉ là tiền nguyên vật liệu, tiền công, mà còn cả tiền marketing, quảng cáo, định vị thương hiệu, thuê cửa hàng bán lẻ, trả tiền cho nhân viên,…
Bạn hãy tưởng tượng, nếu một nhà sản xuất không phải mất chi phí cho các dịch vụ trên, bỏ qua khái niệm chuỗi cửa hàng bán lẻ mà thay vào đó là bán hàng trực tuyến, không phải lo lắng về chi phí kho bãi và phân phối, chắc chắn chi phí sẽ giảm. Đó chính là cách làm thế nào Xiaomi bán được điện thoại cao cấp của mình với giá rẻ như vậy!
“Chúng tôi là một công ty thương mại điện tử. Chúng tôi đang sống trên Internet và bán những sản phẩm của mình qua gian hàng trực tuyến. Giá cả chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều vì giá trên thương mại điện tử về cơ bản là chi phí sản xuất và vận chuyển mà thôi.” Hugo Barra – phó chủ tịch Xiaomi khẳng định.
Xiaomi cũng tránh xa các mô hình quảng cáo truyền thống và phụ thuộc hoàn toàn vào mạng xã hội cũng như truyền miệng. “Chúng tôi không đầu tư vào marketing truyền thống. Chi phí cho quảng cáo trên mạng xã hội thấp hơn và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nhiều” – Hugo Barra chia sẻ chiến lược của Xiaomi.
Ngoài ra, Xiaomi cố gắng cắt giảm chi phí ở mọi giai đoạn. Không giống như các đối thủ lớn thường làm – ngừng sản xuất các model cũ chỉ sau 6-8 tháng ra mắt, Xiaomi duy trì sản xuất sản phẩm đó trong 18-20 tháng. Xiaomi tin vào định luật Moore: “Chi phí lắp ráp sẽ giảm theo thời gian nhưng giá của điện thoại sẽ duy trì ổn định trong thời gian dài”.
Điều quan trọng thứ 2 cần lưu ý về Xiaomi – nó là một ‘công ty internet di động’. Xiaomi kiếm tiền không chỉ từ việc sản xuất và bán sản phẩm mà nó còn đến từ việc bán các ứng dụng, trò chơi và các dịch vụ Internet – một chiến lược mà Xiaomi học hỏi từ người khổng lồ thương mại điện tử Amazon.
Trước khi Xiaomi xuất hiện, trên thị trường Trung Quốc cũng đã xuất hiện nhiều điện thoại giá rẻ. Tuy nhiên những sản phẩm đó có chất lượng thấp và gắn cho thị trường điện thoại Trung Quốc một cái nhìn kém thiện cảm. Giờ đây, Xiaomi và Barra đang mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường này bằng cách bán sản phẩm cao cấp với giá phải chăng – đó chính là điều mà người tiêu dùng mong muốn nhưng đồng thời cũng là mối đe dọa về lợi nhuận đối với các ông lớn như Apple hay Samsung.
‘Apple của Trung Quốc’
Đây không phải là lần đầu tiên Xiaomi được nhắc đến như là ‘Apple của Trung Quốc’. Thực tế là Lei Jun – CEO của Xiaomi luôn giới thiệu các sản phẩm của mình trong trang phục và theo phong cách Steve Jobs.
“Apple là một trong những công ty phi thường nhất trên thế giới và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việc Xiaomi được so sánh với Apple thực sự là một điều tuyệt vời. Chúng tôi có công nghệ phần mềm của Google, những tham vọng thiết kế của Apple, nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ khách hàng của Amazon”. Barra tự hào phát biểu.
Ông cũng tin rằng ngành công nghiệp sản xuất smartphone của Trung Quốc đã có nhiều tín hiệu tích trong nhiều năm qua với các sản phẩm như: Oppo, OnePlus One và Huawei – sản phẩm có đẳng cấp thế giới. “Nhìn vào những sản phẩm này, không một người sử dụng nào cho rằng nó có thiết kế kém hay ít chức năng hơn so với các sản phẩm sắp ra của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ” Barra tóm gọn.
Không một ai có thể khẳng định liệu Xiaomi có xứng đáng được gọi là ‘Apple Trung Quốc’ hay không. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng Xiaomi đã có những bước tiến đáng kể vào thị trường smartphone ở Trung Quốc trong thời gian chỉ có 4 năm – một điều đáng nể phục.