Khởi nghiệp thành công từ làng nghề truyền thống và câu chuyện của The VillageFair

0
635

Với dân phương Tây, phong cách nấu ăn của người châu Á luôn là một thứ gì đó xa lạ. Nhìn vào những dụng cụ bếp núc như: chảo gang, nồi đất… của người châu Á, một người đàn ông da trắng có thể tượng tượng họ đang lạc vào xứ sở của phim Harry Porter.

Đây cũng chính là lý do Radhika Manghat Menon và Priya Deepak hái ra tiền từ những vật dụng đó. Được biết, Radhika và Priya là những nhà sáng lập The VillageFair, một startup thương mại điện tử chuyên buôn bán các dụng cụ nấu nướng truyền thống ở Ấn Độ.

Điểm đặc biệt của những sản phẩm này là được làm hoàn toàn bằng tay, bởi các thợ thủ công lành nghề xứ Kochi – một tiểu bang nằm ở miền Nam Ấn Độ, thay vì sản xuất hàng loạt như các loại chảo chống dính, ra lò từ các dây truyền máy móc hiện đại.

Radhika và Priya bắt đầu ý tưởng từ việc lập nên một trang bán hàng qua Facebook vào năm ngoái. Sau đó, họ đã bất ngờ thu về tới hơn 4.500 USD mỗi tháng với các sản phẩm thủ công, tương đương khoảng 50 đơn hàng mỗi ngày.

Vì là sản phẩm thủ công, nên lợi nhuận từ mỗi sản phẩm chiếm tới 40-50% giá thành, từ đó giúp các lao động làng nghề có được thu nhập tốt hơn.

Hai nhà sáng lập là Radhika Manghat Menon và Priya Deepak của startup The VillageFair.

Chảo gang, nồi đất ở các nước khác cũng tốt mà, sao chỉ có startup Ấn Độ này là thành công?

Trước hết, yếu tố giúp The VillageFair thành công chính là chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu từ thiên nhiên và được tạo ra nhờ chính bàn tay con người, những dụng cụ nấu nướng bằng gang, đất sét, đá gỗ, đồng giúp startup này bán chạy như… tôm tươi.

Thứ yếu chính là Facebook, công cụ giúp những chiếc chảo gang, nồi đất thương hiệu Ấn Độ đi xa hơn…

Chuyện là nhờ một bài đăng trên Facebook của một bác sĩ người Mỹ về tác dụng tốt của việc sử dụng các dụng cụ bằng sắt trong nấu ăn mà Radhika đã nảy ra ý tưởng kinh doanh này. “Sau khi đọc bài viết, trong đầu tôi đã hình thành sẵn quá trình mua bán, chuỗi cung ứng, các đợt giao hàng sẽ diễn ra trong thế nào”.

Nhờ có chiến lược quảng bá tốt trên mạng xã hội, tập trung vào 3 yếu tố: thủ công, làng nghề, tốt cho sức khỏe, cho tới khi The VillageFair có hẳn website riêng, nhiều doanh nghiệp vẫn liên hệ với họ thông qua Facebook.

Vậy là chỉ với 200 USD, sự nhiệt huyết và cái tâm trong mỗi sản phẩm, Radhika và Priya đã thành công một cách khó tin.

Luôn tận dụng thật tốt “hội chị em”

Nhân lực cũng là một bài toán mà Radhika Manghat Menon và Priya Deepak từng gặp phải. Bởi với lượng đơn đặt hàng lớn, yêu cầu làm hoàn toàn bằng tay, họ khó có thể đáp ứng được “lượng cầu” từ khách hàng.

Trong bối cảnh đó, họ tận dụng chính những người thợ của làng nghề truyền thống xứ Kochi. Như vậy startup này cùng lúc giải quyết được 2 vấn đề: có được nguồn nhân công dồi dào, nhân công bản địa giá rẻ lại có tay nghề cao, đảm được bảo năng suất.

 

Priya cho rằng thành công của startup này là nhờ “chechi” – một thuật ngữ địa phương để nói về những người chị. Đó cũng là những nhân công đầu tiên tham gia cùng với Priya và Radhika.

“Chúng tôi bắt đầu với 2 chechi và giờ chúng tôi có một nhóm khoảng 15 người. Họ đều đã tự tay làm những dụng cụ nấu bếp và đem đi bán, nhưng chỉ được gần 150 USD mỗi tháng vì không thể cạnh tranh với các dụng cụ nấu nướng hiện đại”.

Nhưng sau khi tham gia cùng nhóm The VillageFair, họ đã có nguồn thu nhập tốt hơn và tự mình có thể nuôi sống bản thân cũng như gia đình. “Chúng tôi muốn trở thành một doanh nghiệp xã hội nhưng có thể thu về lợi nhuận”, Priya nói về tầm nhìn của cô và Radhika.

Tâm lý chung của các đầu bếp là muốn tạo ra các món ăn ngon, độc, lạ, thì bản thân dụng cụ nấu bếp cũng phải có chất riêng. Do đó, họ không ngần ngại chi tiền cho những chiếc chảo gang, hay nồi đất truyền thống.

Và đó là lí do tại sao, cốc trà đúng hiệu luôn được thưởng thức trong những chiếc ly bằng gang, cơm niêu luôn có một hương thơm đặc biệt, cà ri, cá kho được nấu chín bằng những nồi gang luôn mang đến hương vị tuyệt vời…

Nếu chỉ nhìn doanh thu, lợi nhuận, startup này sẽ chết ngay từ những phút đầu tiên

Những ngày đầu, The VillageFair hầu như không bán được hàng. Bởi truyền thông, quảng cáo là một chuyện, hiệu quả nhận về lại là một chuyện khác. Từng có thời điểm, Radhika và Priya chẳng thể bán được sản phẩm nào, nhưng không vì thế mà startup này nản lòng.

Thay vì niêm yết với giá bán cao – vì là mặt hàng thủ công, The VillageFair tạo ra các sản phẩm có mức giá ngang bằng hoặc tương đương những chiếc chảo công nghiệp, đồng thời quảng bá thêm đây là những sản phẩm làm từ tự nhiên, tốt cho sức khỏe.

Chiến lược này ban đầu khiến nhiều người cảm thấy phân vân, nhưng sau khi dùng thử và thấy được hiệu quả thật, không ít khách hàng địa phương đã sẵn sàng vứt hết dụng cụ hiện đại để “sắm” về cho mình bộ dụng cụ của The VillageFair với giá 370 USD.

Tới sau này, khi mô hình kinh doanh nhỏ lẻ ban đầu của The VillageFair dần đi vào ổn định, startup này mới chính thức mở rộng quy mô sản xuất.

Thay vì chỉ gói gọn ở thị trường phía Nam, Radhika và Priya đã tìm kiếm thêm nguồn tiêu thụ ở miền Đông Ấn Độ, nơi mà 2 nhà sáng lập này tin chắc sẽ có nhu cầu cao về các sản phẩm của The VillageFair.

Khi đã có vị thế nhất định tại thị trường miền Đông, The VillageFair mới làm website riêng để quảng bá thương hiệu ra ngoài Ấn Độ và được rất nhiều các doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư quốc tế quan tâm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here