Theo một nghiên cứu mới từ công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab và công ty truyền thông Omnicom, quảng cáo trên điện thoại di động ở Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn để đảm bảo nội dung tiếp thị trở nên thiết thực cho người dùng, đồng thời mang tính giải trí cao.
Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất ở Đông Nam Á về hành vi và thái độ của người dùng đối với các quảng cáo trên điện thoại di động. Nghiên cứu cho thấy người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam sẽ sẵn sàng tương tác với những quảng cáo có thông tin có ích hoặc đem lại trải nghiệm mới. Chẳng hạn như một video hướng dẫn sử dụng sản phẩm trang điểm từ hãng mỹ phẩm hoặc biến quảng cáo thành trò chơi trên điện thoại.
Nghiên cứu có tên Bốn C của Quảng Cáo Trên Thiết Bị Di Động (The Four Cs of Mobile Advertising) đã định nghĩa lại bốn lĩnh vực chính giúp định hình thị trường quảng cáo trên thiết bị di động hiện nay: Kênh Truyền Thông (Channel) – Bối cảnh (Context) – Nội dung (Content) và Kết nối (Connect).
Các kết quả khác từ báo cáo bao gồm:
- 69% người Việt Nam không bao giờ tắt điện thoại thông minh và 44% không thể rời mắt khỏi điện thoại dù chỉ một giờ.
- Nếu quảng cáo trở nên bắt buộc thì 55% người dùng ở Việt Nam muốn thấy các quảng cáo được cá nhân hóa theo sở thích.
- Nếu muốn tăng sự tương tác của người dùng qua các quảng cáo trên thiết bị di động, các quảng cáo nên có phần thưởng, khuyến mãi, cơ hội trở thành thành viên hay nội quảng cáo mang ý nghĩa, giúp ích cho cộng đồng.
- Người dùng smartphone Việt thích các quảng cáo có nội dung hài hước, có tính giải trí.
Ông Eng Guan Auyong từ OMD Việt Nam cho biết: “Nghiên cứu này là một hướng dẫn rất hữu ích và kịp thời cho các thương hiệu bắt tay vào quảng cáo trên điện thoại di động với qui mô lớn hơn. Có rất nhiều những thông tin hữu ích giúp các thương hiệu chiếm lợi thế trong công cụ mới nổi này.”
Ông Thue Quist Thomasen, Founder của Decision Lab nhận định: “Rõ ràng các thương hiệu ở Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để tiếp cận với người tiêu dùng của mình qua một thiết bị cá nhân họ luôn mang theo, chính là chiếc điện thoại di động. Chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu khác để có được chiến lược cho từng ngành hàng chứ không đơn thuần chỉ là chuyển các chiến lược marketing điện tử (digital) qua điện thoại di động.
Các thương hiệu nên chú ý nâng cao tính tiện ích của các nội dung được quảng cáo vì người tiêu dùng đã đi qua thời kỳ sử dụng điện thoại đi động chỉ để liên lạc hay giải trí. Cần loại bỏ khái niệm này vì người tiêu dùng ngày nay có những ứng dụng (app) cho mọi thứ họ có thể cần, vì vậy các thương hiệu cần xem xét và xác định lại người tiêu dùng cần gì và luôn đặt câu hỏi ‘Phải làm gì để thông tin quảng cáo trở nên hữu ích hơn với người dùng?’ khi lên các chiến lược quảng cáo trên điện thoại di động.”