Nội Dung Chính
Từ năm 2012 tới nay, Facebook luôn phải cố gắng theo kịp các tính năng độc đáo trên ứng dụng nhắn tin Snapchat. Doanh thu quảng cáo béo bở khiến sự cạnh tranh giữa hai hãng này trên thị trường video kỹ thuật số ngày càng trở nên căng thẳng.
Và trong nỗ lực nhằm cạnh tranh với Snapchat, gần đây Facebook đã mua lại Masquerade, hãng phát triển ứng dụng bộ lọc hoạt hình.
Những sản phẩm thất bại
Kể từ khi Snapchat bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2011 tới nay, Facebook đã nhiều lần bắt chước một số tính năng hấp dẫn của nó nhưng không thành công.
Năm 2012, Facebook trình làng Poke, một ứng dụng cho phép người dùng gửi ảnh và video tự hủy sau một thời gian. Một năm rưỡi sau, ứng dụng này bị khai tử. Năm 2012, Facebook thử lại lần nữa với Slingshot, một ứng dụng giống y hệt Snapchat. Dù được giám sát bởi chính Mark Zuckerberg nhưng ứng dụng này cũng không thể thành công. Tháng 12/2014, chỉ 2 năm 6 tháng sau khi ra mắt, Slingshot đã bị khai tử.
Facebook không chỉ cố xây dựng những phiên bản nhái của Snapchat mà còn hai lần muốn thâu tóm hãng này. Nhưng cả hai lần câu trả lời của CEO, tỷ phú trẻ Evan Spiegel đều là: KHÔNG.
Facebook nói sẽ duy trì Masquerade như một ứng dụng độc lập trong khi kết hợp các hiệu ứng chụp ảnh tự sướng Snapchat Len vào các sản phẩm của hãng. Tuy nhiên, chưa rõ gã khổng lồ mạng xã hội sẽ thực hiện kế hoạch này như thế nào. Nhiều khả năng, các tính năng của Masquerade cũng sẽ được Facebook đưa vào các sản phẩm video của hãng. Video là một lĩnh vực được Facebook đầu tư rất nhiều.
Tham vọng video
Dù có ít người dùng hoạt động hàng tháng hơn nhiều so với Facebook nhưng Snapchat hiện có số lượt xem video mỗi ngày ngang với mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Hơn nữa, cách tính lượt xem của Facebook có vẻ không chính xác khi hãng này thiết lập video tự chạy còn Snapchat khá chính xác khi muốn xem video người dùng phải nhấp vào nút play.
Số lượt xem video trên Snapchat mỗi ngày đang ở con số 8 tỷ, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Facebook video cũng bắt đầu bùng nổ vào năm ngoái. Thậm chí thời gian gần đây, Facebook còn tập trung nhiều hơn vào tính năng truyền hình trực tiếp video, một tính năng có thể cạnh tranh với tính tức thì và cấp bách của video trên Snapchat. Tính tức thì và cấp bách của video trên Snapchat (không xem nhanh video sẽ bị xóa) thôi thúc người dùng mau chóng dành thời gian xem video.
Nick Cicero, một chuyên gia phân tích Snapchat, cho biết hồi tháng Một Facebook đã nghiên cứu khá kỹ về những nhân tố có ảnh hưởng và những người mang lượt xem video tới cho Snapchat. Hai hãng này không ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin kinh doanh.
Facebook cũng tiếp cận những người nổi tiếng và chuyên gia sáng tạo nội dung khác, trả tiền cho họ để họ sử dụng tính năng truyền hình trực tiếp video.
Mặc dù Snapchat mới bắt đầu kiếm tiền từ các tính năng như “Dicover” và “Live” nhưng hãng này đặc biệt hấp dẫn với các nhà quảng cáo theo ngữ cảnh bởi họ có thể tiếp cận 100% đối tượng. So với video bình thường trên Facebook, các video Live trên Snapchat thôi thúc người xem truy cập.
Giành giật nhân tài
Nhằm phát triển các mô hình kiếm tiền phù hợp với các dịch vụ video kỹ thuật số, Snapchat đã “câu trộm” thành công một trong số những giám đốc quảng cáo của Facebook. Sriram Krishnan, người sáng lập ra Facebook Audience Network, đưa quảng cáo của Facebook lên trên các ứng dụng không thuộc Facebook và các trang di động, vừa mới rời Facebook để gia nhập Snapchat.
Hai giám cốc cao cấp khác của Facebook là giám đốc tuyển dụng Sara Sperling và giám đốc doanh thu Mike Randall cũng đào ngũ để đầu quân cho Snapchat nhưng không ở lại lâu. Tuy nhiên, hồ sơ trên LinkedIn cho thấy ít nhất 20 nhân viên của Facebook và Snapchat đã rời bỏ chiến tuyến để đầu quân cho phía đối diện và vẫn đang tiếp tục gắn bó với công ty mới.
Mới đây, một nhân viên của Facebook chia sẻ rằng mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang coi Snapchat là một mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết.