Siêu thị nhỏ / cửa hàng tiện lợi: tương lai của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam?

0
699

Bán lẻ hiện đại tại 4 thành phố lớn của Việt Nam đã tăng trưởng chậm hơn so với nhiều dự đoán trước đó, từ năm 2005 đến nay chỉ tăng 6 điểm thị phần và hiện chiếm khoảng 18% thị phần.

Nếu chúng ta so sánh sự phát triển này với các nước láng giềng, đáng ngạc nhiên là bán lẻ hiện đại chưa phát triển nhiều ở Việt Nam. Tại sao nó lại chưa phát triển ở mức độ chúng ta có thể mong đợi ở một nước như Việt Nam, và hướng đi nào là thích hợp cho mô hình này?

Trước hết, có thể kể đến một vài yếu tố là những rào cản tự nhiên xuyên suốt quá trình phát triển của bán lẻ hiện đại ở Việt Nam như sau:

Thứ nhất là chi phí mặt bằng, không gian để xây dựng các đại siêu thị hoặc siêu thị thực sự cao, dẫn đến việc kênh mua sắm này bị đẩy ra ở khu vực ngoại ô thành phố. Thứ hai, người Việt thường lái xe máy đến những điểm mua sắm này, và không có khả năng mang vác quá nhiều đồ về nhà trong cùng một lần mua. Và cuối cùng là do thói quen mua sắm của người Việt vẫn còn rất truyền thống, họ thường hay mua những gói hàng nhỏ lẻ, do đó vẫn còn gắn liền với các cửa hàng truyền thống và chợ. Khi đi mua sắm tại các đại siêu thị và siêu thị hành vi mua hàng của họ cũng tương tự như vậy, nghĩa là tần suất đi mua khá thường xuyên nhưng lượng mua lại không được nhiều.

Sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trongcuộc sống ngày càng bận rộn.

Ngoài những hạn chế ảnh hưởng sự phát triển của kênh đại siêu thị và siêu thị như trên, chúng ta còn phải xem xét đến một vài ngữ cảnh cũng tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của kênh mua sắm này. Nếu hiện nay, chúng ta cho rằng nền kinh tế của Việt Nam dường như đang có dấu hiệu phục hồi, thì phải lưu ý rằng trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có phần chậm lại do những tác động trong nước lẫn tác động bên ngoài chẳng hạn như sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Và khi đó, người tiêu dùng tất yếu sẽ cần phải cẩn thận hơn trong việc mua sắm, vì thế họ sẽ quay trở lại cách thức mua sắm truyền thống, ghé những cửa hàng tạp hóa truyền thống trên phố mà họ tin tưởng, nơi mà họ cảm thấy sẽ ít bị cám dỗ để mua các sản phẩm ngoài dự tính và chỉ mua những gì họ cần vào lúc họ cần mà thôi. Với thói quen mua sắm như vậy, chúng ta rất dễ dàng để hiểu lý do tại sao bán lẻ truyền thống hạn chế rất nhiều sự phát triển của bán lẻ hiện đại trong vài năm qua, và tại sao mô hình đại siêu thị và siêu thị thực sự đang chật vật để phát triển.

Vậy lối đi nào cho tương lai của bán lẻ hiện đại tại thị trường Việt Nam? Liệu rằng Việt Nam sẽ mãi mãi là một thị trường “bán lẻ truyền thống”, hay mô hình siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi sẽ là giải pháp cho sự phát triển của bán lẻ hiện đại?

Nhìn chung, siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi đã và đang đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Theo Kantar Worldpanel, hơn một phần ba số hộ gia đình Việt hiện nay đã có mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại kênh này trong năm ngoái với tần suất mua sắm trung bình là 10 lần/năm. Giá trị thị phần của kênh mua sắm này đối với hàng tiêu dùng nhanh cho tiêu thụ tại nhà là 2.7% và không có gì lạ nếu nó tiếp tục phát triển trong tương lai. Câu hỏi lớn mà các nhà tiếp thị và các nhà sản xuất FMCG đang đặt ra là nó sẽ lớn như thế nào và mức độ tập trung cho kênh mua sắm này sẽ ra sao?

Quá trình đô thị hóa vẫn đang diễn ra ở Việt Nam và theo dự đoán dân số thành thị và nông thôn sẽ cân bằng đồng đều vào năm 2040. Quá trình này giúp gia tăng sức mua, tạo ra những khát vọng, nhu cầu mới từ người tiêu dùng và theo đó ngày càng nhiều cửa hàng bán lẻ hiện đại cũng được mở ra để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng này. Ngày nay, mỗi căn hộ hoặc khối văn phòng mới xây đều hướng đến mục tiêu mở các chuỗi cửa hàng mua sắm ở tầng trệt như Zakka Mart và các chuỗi cửa hàng khác. Vinmart + dự kiến sẽ mở hơn 1.000 cửa hàng vào năm 2017, trong khi B’smart và Family Mart cũng đang có kế hoạch mở rộng đáng kể số lượng cửa hàng. 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi “khổng lồ” cũng đã nhận ra Việt Nam là quốc gia tiềm năng tiếp theo, và chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi chuỗi cửa hàng này xuất hiện trên từng ngõ phố.

Hơn 1/3 số hộ gia đình Việt hiện nay đã có mua sắm các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại kênh này trong năm ngoái với tần suất mua sắm trung bình là 10 lần/năm.

Kết quả là từ năm 2010, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng và ổn định về số lượng các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Điều này cũng lí giải cho sự phát triển của kênh mua sắm này tại Việt Nam. Nhưng liệu rằng những cửa hàng này có phù hợp với thói quen mua sắm thường ngày của người Việt? Chúng liệu có phải là tương lai của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam? Liệu chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phân phối các mặt hàng tiêu dùng nhanh? Hay việc phát triển mạnh của mô hình này hiện nay chỉ là sự gia tăng số lượng các cửa hàng?

Không thể phủ nhận rằng những cửa hàng mô hình này mang đến những tiện ích vô cùng hấp dẫn cho người tiêu dùng: sự hiện đại được thể hiện mọi lúc mọi nơi, mở cửa 24/7, không gian mát mẻ có điều hòa, và là một địa điểm hoàn hảo cho những bạn trẻ thế hệ “Millennials” tụ họp, học tập hoặc làm việc. Nếu những nơi này trở thành địa điểm công cộng, cung cấp wifi miễn phí, sạc điện thoại miễn phí và luôn có sẵn rất nhiều đồ ăn vặt giá rẻ, hay thậm chí là một địa điểm có thể cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng cà phê, thì liệu rằng chúng có đang thực sự trở thành nhân tố quan trọng tiếp theo trong việc phân phối hàng tiêu dùng nhanh, hay chỉ là một điểm đến vui chơi thay thế của giới trẻ?

Siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi là sự lựa chọn không cần đắn đo cho những sứ mệnh mua sắm chỉ từ 2 mặt hàng trở lên thuộc 2 ngành hàng khác nhau trở lên (hay còn gọi là “Top-up”), khi mà người tiêu dùng muốn mua mì ăn liền hay sữa nước khi ở nhà đã hết; và chúng đồng thời cũng là nơi dành cho giới trẻ kết nối hòa nhập. Tuy nhiên kênh mua sắm này cũng có rất nhiều những thách thức cần vượt qua và chúng sẽ cần phải tìm kiếm các nguồn tăng trưởng khác nếu muốn trở thành nhân tố lớn trong cuộc chiến hàng tiêu dùng nhanh.

Hiện nay, bảy trong số mười hộ gia đình ở thành thị Việt Nam cho rằng giá thành ở các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi thường đắt hơn so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống và quan điểm này dường như khó thay đổi trong một sớm một chiều. Thêm vào đó, có 41% người mua cho rằng họ không thể tìm thấy tất cả những thứ họ cần tại kênh mua sắm này hiện nay. Điều này vẫn còn là một vấn đề liên quan đến quy mô cửa hàng (số lượng hàng hóa, sản phẩm bày bán), so với kênh siêu thị hay một mô hình nào đó khác sẽ cản trở tăng trưởng của chúng. Kênh mua sắm này có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tức thời hoặc ngắn hạn hay loại hình mua sắm “Top-up”, tuy nhiên sẽ rất hạn chế trong việc đáp ứng cho những nhu cầu mua sắm với giỏ hàng lớn hơn (số lượng sản phẩm, chủng loại nhiều hơn) – hiện tại trong 10 lần đi mua sắm tại kênh này thì chỉ có một lần mua với giỏ hàng có trên 4 loại sản phẩm khác nhau.

Một số người khác lại cho rằng những cửa hàng này đang là giải pháp cho nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng để có được sự thuận tiện trong mọi việc. Và nó (phần nào đó) đã trở thành sự thật. Trên thế giới, các kênh mua sắm thuận tiện đạt mức tăng trưởng 6% so với năm ngoái. Xu hướng này đang bùng nổ ở Việt Nam, nơi mà sự thuận tiện và gần nhà được đặt lên hàng đầu. Người mua mong muốn tiết kiệm nhiều thời gian hơn trong một cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn hơn. Nhu cầu về một cuộc sống tiện lợi hơn ngày càng nhiều hơn bao giờ hết. Đúng vậy, đối với người tiêu dùng Việt, “Địa điểm gần nhà hoặc tiện trên đường về nhà” đang là yếu tố quan trọng thứ hai khi lựa chọn cửa hàng để mua sắm – với 78% người tiêu dùng đồng ý, một sự gia tăng đáng kể (nhảy 4 bậc) kể từ năm 2012. “Tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian khi đi mua sắm tại cửa hàng” cũng đứng trong top 3, tăng thêm 2 hạng. Người tiêu dùng xếp hạng những yếu tố này cao hơn so với các yếu tố khác như chất lượng sản phẩm, nhân viên thân thiện hay chương trình khuyến mãi! Từ việc này, có thể dễ dàng hiểu được lý do tại sao siêu thị nhỏ hay cửa hàng tiện lợi ngày càng phổ biến hơn so với những kênh bán lẻ hiện đại quy mô lớn hơn, những nơi thường có bãi đỗ xe bất tiện với những hàng dài chờ đợi và thu phí gửi xe.

Tuy nhiên, những ưu điểm về tính tiện lợi của kênh mua sắm này không nổi bật khi so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống và đây có lẽ là một trong những lí do tại sao sự phát triển của mô hình này trong tương lai gần có thể chậm lại. Đừng quên rằng chúng ta đang nói về một đất nước mà hơn 96% hộ gia đình sở hữu ít nhất một chiếc xe máy và thường xuyên sử dụng chúng để đi gần như mọi nơi. Trong khi siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi cũng tương tự như các cửa hàng truyền thống, có mặt ở khắp mọi nẻo đường trong thành phố và đều có thể ghé qua dễ dàng, thì mức độ thuận tiện thực sự của kênh mua sắm này đến đâu vẫn còn là một câu hỏi. Vì vẫn mất nhiều thời gian giao dịch nếu bạn phải lái xe đến cửa hàng, tìm một chỗ đậu xe trên đường (nếu có không gian!) và bạn phải đi vào bên trong cửa hàng để tìm kiếm những thứ bạn cần mua. Hãy thử so sánh với các cửa hàng truyền thống phổ biến, nơi mà bất kì ai cũng có thể dừng lại bên ngoài với chiếc xe đạp, gọi chủ cửa hàng lấy hộ những sản phẩm cần mua và họ sẽ đưa trực tiếp đến tay cho bạn! Cũng cần nhớ rằng trong nhiều trường hợp người tiêu dùng đã mua sắm tại các cửa hàng truyền thống khá lâu và đã gắn bó, thân quen với chủ cửa hàng, những người này thường đưa ra lời khuyên cho họ, và trong nhiều trường hợp, họ còn có thể dễ dàng mua hàng trả sau – một việc mà không có mô hình bán lẻ hiện đại nào cho phép.

Như vậy, có vẻ như là siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi vẫn phải tìm ra cho mình một hướng đi đúng trên thị trường và làm mới những dịch vụ của mình nếu không muốn mất thị phần trong cuộc chiến hàng tiêu dùng nhanh. Mô hình này hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh, nhưng đừng kì vọng rằng chúng sẽ đóng vai trò chính trong sự phát triển của bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, trừ khi định vị đúng hướng đi để tập trung vào đó và đồng thời vượt qua được những thách thức, khó khăn hiện đang phải đối mặt. Bên cạnh việc mức giá trung bình cao hơn cho hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, kênh mua sắm này còn phải cạnh tranh ở mọi góc độ: sự cạnh tranh mạnh mẽ từ phía các đại siêu thị về trải nghiệm mua hàng, phía các siêu thị về độ đa dạng sự lựa chọn và từ phía các cửa hàng truyền thống về mức độ tiện lợi khi mua sắm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here