Facebook muốn trả tiền cho nhà sáng tạo nội dung trực tuyến

0
587

Người khổng lồ mạng xã hội gần đây đã thâu tóm Source3, một startup hỗ trợ quản lý bản quyền nội dung, bao gồm cả nhân lực lẫn công nghệ của startup này. Vậy ý định thực sự đằng sau thương vụ mua bán này của ông trùm Mark Zuckerberg là gì?

Facebook đang nỗ lực thu hút các content creator độc lập về phía mình và chia sẻ nghệ thuật của mình lên News Feed. Nhưng công ty cần phải chứng minh cho các tác giả rằng họ có thể kiếm tiền trên Facebook từ nội dung đăng tải của mình mà không phải lo nghĩ về vấn đề bản quyền. Đó là lí do người khổng lồ mạng xã hội gần đây đã mua lại Source3, một startup quản lý bản quyền nội dung , bao gồm toàn bộ nhân sự lẫn công nghệ của startup này.

Source3 giải thích rằng: “Tại Source3, chúng tôi đặt mục tiêu phát hiện, tổ chức và phân tích sở hữu trí tuệ của các thương hiệu xuất hiện trong nội dung người dùng tạo ra, và chúng tôi tự hào rằng đã phát hiện được nhiều sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực bao gồm thể thao, âm nhạc, giải trí và thời trang”. Công nghệ của hãng hỗ trợ phát hiện sở hữu trí tuệ trong nội dung người dùng tạo ra và trên thị trường buôn bán, từ đó cho phép các thương hiệu tính toán được mức độ phổ biến của mình cũng như đưa ra những hành động chống vi phạm bản quyền và thương hiệu.

Sơ lược các bước tiến hành phát hiện thương hiệu của công nghệ đến từ Source3.

Người phát ngôn của Facebook đã trả lời TechCrunch trong một phỏng vấn: “Chúng tôi rất nóng lòng được bắt đầu làm việc với đội ngũ của Source3 và học hỏi từ chuyên môn của họ trong lĩnh vực sở hữu trí thuệ, thương hiệu và bản quyền tác giả”. Source3 đã công bố thương vụ trên website của mình và viết rằng: “Chúng tôi đã quyết định tiếp tục cuộc hành trình của mình với Facebook”. Đội ngũ startup này được cho là sẽ làm việc tại văn phòng của Facebook tại thành phố New York.

Startup Source3 đã gọi được hơn 4 triệu USD tiền vốn đầu tư, phần lớn trong số đó là từ vòng hạt giống hồi năm 2015 đứng đầu bởi Contour Venture Partners. Các nhà đồng sáng lập Patrick F. Sullivan, Benjamin Cockerham và Scott Sellwood trước đây đã bán nền tảng quản lý bản quyền âm nhạc có tên RightsFlow cho Google. Source3 khởi điểm là một startup được thành lập năm 2014 tại New York chuyên về quản lý bản quyền bản in 3D. Tuy nhiên sau khi sự phát triển của in 3D chững lại trên thị trường tiêu dùng, dường như công ty đã mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình sang giải trí số.

Nhân lực và công nghệ của Source3 có thể hỗ trợ cho phần mềm Quản lý Bản quyền Rights Manager của Facebook – vốn dĩ hoạt động tương tự Content ID của YouTube – cho phép người dùng “đánh dấu” video của mình, để rối sau đó họ có quyền hoặc chặn đứng mọi lượt đăng tải trái phép hoặc thu về một khoản lợi nhuận nho nhỏ cho các bản copy không chính thức này. Source3 có tiềm năng hỗ trợ các thương hiệu cũng như nhà sáng tạo nội dung phát hiện bất kỳ sự có mặt nào trái phép nào của nội dung mình đăng tải, cũng như sở hữu trí tuệ của mình qua Rights Manager.

Tháng trước tại VidCon, Facebook đã tuyên bố đang phát triển một nền tảng độc lập cho phép các nhà sáng tạo nội dung chia sẻ trực tiếp nghệ thuật của mình tới người hâm mộ. Với hơn 2 tỷ người dùng hằng tháng, Facebook cần chứng tỏ được cho nhà sáng tạo nội dung rằng sự đầu tư chuyên môn của họ lên nền tảng mạng xã hội này là xứng đáng.

Cơ hội để làm được điều đó là sử dụng công nghệ của Source3 để phát hiện các thương hiệu và sản phẩm được sử dụng trong các video hay ảnh đăng tải, từ đó liên hệ tới những thương hiệu có liên quan để đàm phàn và ký kết hợp đồng về việc tài trợ nội dung hay xuất hiện sản phẩm. Facebook có thể nhận một phần từ các thỏa thuận này, cho phép mạng xã hội này kiếm thêm tiền từ nội dung của nhà sáng tạo bên cạnh nguồn thu chính là quảng cáo.

Trong bối cảnh Vine tan rã, Snapchat chững lại và YouTube thì vướng vào vụ bê bối với YouTuber PewDiePie, Facebook và Instagram – với lượng người sử dụng khổng lồ của mình – đang gặp “thiên thời địa lợi” để trở thành trung tâm của content creator, giúp họ kết nối với người hâm mộ và kiếm tiền nhiều nhất có thể. Câu hỏi đặt ra là, liệu nền tảng Facebook, vốn dĩ được xây dựng để chia sẻ ảnh và đường dẫn mới, có thể đáp ứng đủ các nhu cầu của các nhà tạo nội dung, khiến họ chấp nhận chuyển từ YouTuber thành Facebooker hay không?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here