Nội Dung Chính
Là một người phụ nữ thành công và giàu có, tuy nhiên ở trên cương vị CEO của tập đoàn sản xuất nước giải khát lớn thứ hai thế giới, bà vẫn không ngừng học hỏi và hoàn thiện bản thân. Nữ CEO quyền lực của PepsiCo Indra Nooyi chia sẻ những bài học sâu sắc về sự thành công và cuộc sống cần thiết cho tất cả mọi người.
Indra Krishnamurthy Nooyi không chỉ là nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới, mà trong giới sản xuất nước giải khát và thực phẩm, bà còn là một huyền thoại. Indra Nooyi sinh năm 1955 tại thành phố Chennai, Ấn Độ. Sau khi lấy bằng MBA tại một học viện quản lý, Nooyi có 2 năm làm việc cho hãng Johnson & Johnson ở Mumbai trước khi lên đường sang Mỹ năm 1978.
Bà đến Mỹ với tất cả những gì mình có là 500 USD và một học bổng từ Đại học Yale. Là một người nhập cư, bà đã phải làm tất cả mọi việc để có thể tiếp tục học hành.
Nooyi bắt đầu làm việc cho PepsiCo vào năm 1994 và leo lên chức giám đốc tài chính vào năm 2001. Bà đã đích thân chỉ đạo các chiến lược toàn cầu của công ty trong hơn một thập kỷ và cuối cùng tái cấu trúc luôn cả PepsiCo. Đến năm 2006, bà đã trở thành vị Giám đốc điều hành thứ 5 trong lịch sử 44 năm của tập đoàn này. Kể từ khi Nooyi trở thành giám đốc tài chính, bà đã khiến cho lợi nhuận ròng hàng năm của công ty đã tăng từ 2,7 tỷ đô lên 6,5 tỷ đô.
Trong một bài đăng dài trên LinkedIn, Indra Nooyi đã chia sẻ những bài học mà bà đúc rút được trong hành trình đến với thành công của mình.
1. Tất cả mọi người đều cần có tầm nhìn
Bài học cuộc sống đầu tiên mà Indra Nooyi đưa ra là một trích dẫn từ Kinh Thánh: “Nơi nào không có khải tượng, loài người sẽ diệt vong” (Where there is no vision, the people perish). Bà tin tưởng tuyệt đối rằng tầm nhìn lớn không chỉ phản ánh chiến lược của công ty mà còn là động lực thúc đẩy, là nguồn cảm hứng cho mọi nhân viên, trong công việc và cả cuộc sống hàng ngày.
“Khi tôi trở thành Giám đốc điều hành, tôi không muốn thay đổi một cách đột ngột các chiến lược của công ty. Nhưng tôi cũng tin rằng việc cải tổ là một nước đi cần thiết để công ty có thể phát triển”, bà chia sẻ.
2. Chiến lược về mặt thời gian
Bài học thứ hai mà Indra Nooyi đề cập đến là tầm quan trọng của việc cân bằng giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo phải suy nghĩ kĩ về thời gian khi hoạch định chiến lược.
Nooyi không chỉ quan tâm đến các mục tiêu ngắn hạn mà còn rất chú trọng đến các mục tiêu dài hạn. Bà cho biết, khi một doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận, doanh nghiệp đó sẽ thu được lợi nhuận ở mức tỉ suất cao, nhưng đó chỉ là con số tăng trưởng nóng không mang tính bền vững. “Tại Pepsi, chúng tôi áp dụng một chiến lược khác, một chiến lược đủ thông minh để chúng tôi có thể phân phối lợi nhuận liên tục và bền vững trong một khoảng thời gian dài”.
3. Kĩ năng thuyết phục sẽ quyết định đến thành công của doanh nghiệp
Khi chiến lược “Performance with purpose” được đưa ra với nội dung là tạo ra các sản phẩm của PepsiCo để phục vụ sức khỏe cộng đồng, gắn liền với trách nhiệm xã hội và mục tiêu bền vững, bà Indra Nooyi đã phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Không phải mọi cuộc họp đều đưa đến sự đồng thuận và không phải mọi người đều ủng hộ. Các nhà phê bình thậm chí còn khuyên bà hãy quên chế độ dinh dưỡng đi và tập trung vào việc bán khoai tây chiên và nước soda.
Điều quan trọng của một chiến lược tốt không chỉ nằm ở thông điệp rõ ràng, mà còn ở khả năng thuyết phục của nhà lãnh đạo để tìm được sự đồng thuận và lan tỏa chiến lược.
“Ngay sau khi công bố “Performance with Purpose”, tôi đã đến thăm đội Frito ở Plano, Texas. Họ là những tân binh đầu tiên của tôi. Tôi trang bị cho họ những thông điệp cần thiết để họ thuyết phục những người còn lại tin tưởng vào chiến lược. Bằng cách áp dụng mô hình trên, cùng với sự ủng hộ của cộng đồng, chúng tôi đã thành lập được Quỹ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Và cùng nhau chúng tôi đã loại bỏ được 6,4 nghìn tỷ calo trong các sản phẩm, vượt cam kết hơn 400% và vượt thời hạn ba năm”, bà Nooyi kể lại.
Điều quan trọng của một chiến lược tốt không chỉ nằm ở thông điệp rõ ràng, mà còn ở khả năng thuyết phục của nhà lãnh đạo để tìm được sự đồng thuận và lan tỏa chiến lược.
4. Học cách lắng nghe cẩn thận
Để có kĩ năng thuyết phục tốt thì trước tiên bạn phải học cách lắng nghe ý kiến của người khác. Cùng một vấn đề nhưng luôn luôn có nhiều ý tưởng khác nhau, thậm chí là những ý tưởng cực kì sáng tạo. Vì thế, kĩ năng lắng nghe sẽ đưa lại cho nhà quản lí nhiều hơn một lựa chọn giải pháp cho các vấn đề.
“Chúng tôi tiếp nhận phản hồi từ cả người tiêu dùng và nhân viên tại PepsiCo. Và tôi cũng nhận thấy rằng một số lời khuyên tốt nhất đã đến trong khoảnh khắc mà tôi ít mong đợi nhất”, bà Nooyi cho biết.
Con người được tạo hóa sinh ra với hai cái tai và chỉ một cái miệng. Điều đó nhắc nhở chúng ta hãy nói ít lại, lắng nghe nhiều hơn để cảm nhận được sự khôn ngoan ở xung quanh chúng ta.
5. Con người là tất cả
Sự thành công của một doanh nghiệp thường đi kèm với một điều quan trọng: Khả năng làm việc nhóm của các thành viên.
Trước đây, nếu bạn muốn tuyển dụng được người có tài năng tốt nhất, tất cả những gì bạn cần quan tâm chỉ là về năng lực công việc. Trong thế giới ngày nay, điều đó là chưa đủ. Bạn không chỉ cần quan tâm đến cái đầu của nhân viên, mà còn phải hiểu trái tim của họ.
Khi Steve Reinemund là Giám đốc điều hành của Pepsi, ông đã làm điều này rất tuyệt vời. Ông ấy thường gửi các lá thư viết tay cho nhân viên cám ơn họ đã làm tốt công việc.
Khi tôi trở thành CEO, tôi cũng cố gắng làm như vậy.
6. Phân biệt rạch ròi các vai trò trong cuộc sống
Không ai trong chúng ta chỉ là một nhân viên. Chúng ta cũng là một bà mẹ, người vợ hoặc người chồng, con gái hoặc con trai. Ai cũng phải cố gắng cân bằng nhiều vai trò.
Và đó là bài học tiếp theo của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên được lần trở về nhà sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Pepsi vào năm 2001. Mẹ tôi đã đến thăm vào thời điểm đó.
“Mẹ, con có tin tuyệt vời cho mẹ” tôi hét lên. Mẹ tôi bình tĩnh trả lời: “Đợi đã, mẹ cần con đi ra ngoài và lấy sữa!”
Vâng, tôi đi ra ngoài và lấy sữa. Khi tôi trở lại, tôi nhảy lên hào hứng. Tôi hét lớn: “Con có một tin tuyệt vời cho mẹ. Con vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Pepsi. Vậy mà tất cả những gì mẹ muốn con làm là đi ra ngoài và lấy sữa sao?”
Mẹ tôi đã nói: “Để mẹ giải thích cho con nghe. Con có thể là Chủ tịch của Pepsi. Nhưng khi bước vào ngôi nhà này, trước tiên con là vợ và là mẹ. Không ai có thể thay được vị trí đó của con. Vậy nên hãy để lại vương miện trong gara!”
Mẹ tôi nói đúng, tất nhiên. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta làm được gì, không ai có thể thay thế chúng ta trong gia đình của chúng ta.