Công nghệ di động và mạng xã hội đang dần trở thành công cụ không thể thiếu trong đời sống doanh nghiệp (DN) lẫn cá nhân.
Ông Paul Webster – Phụ trách các công ty công nghệ và viễn thông (Tech & Telco) của Facebook tại khu vực Đông Nam Á nhìn nhận, sự kết hợp của hai yếu tố này khiến các DN, nhất là khối DN công nghệ phải nhìn lại phương pháp tiếp cận khách hàng.
* Khi di động và mạng xã hội đã kết hợp với nhau chặt chẽ như hiện nay, theo ông, các thương hiệu ở Đông Nam Á có xem đây là cơ hội cho mình?
Trong kinh doanh này, nếu bạn không đi trước một bước, có nghĩa là bạn đang lùi lại. Những nghiên cứu của TNS gần đây tại Đông Nam Á cho thấy rằng người tiêu dùng có thiên hướng chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, đặc biệt là dùng các thiết bị di động.
Truy cập internet trên thiết bị di động đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống thường nhật của mỗi con người. 36% tổng dân số Việt Nam hiện đang truy cập internet từ các thiết bị di động. Điều này chứng tỏ công nghệ số đã trở thành một công cụ giao tiếp và thu thập thông tin hiệu quả cho người tiêu dùng Việt.
Trong khoảng 1 năm, từ tháng 1/2014 đến tháng 1/2015, số người dùng Facebook hàng ngày ở Việt Nam đã tăng 43%. Cũng trong khoảng thời gian trên, người dùng Facebook trên di động thậm chí còn tăng mạnh hơn với hơn 55% lượng người dùng mới.
Chúng tôi cũng đo được rằng, người tiêu dùng Việt Nam dành khoảng 2,5 giờ trên Facebook mỗi ngày, nhiều gấp đôi thời gian xem TV.
Người dùng đã chuyển hướng, DN cũng phải chuyển kênh. Mặc dù vậy, điều này không ảnh hưởng đến những khoản đầu tư dành cho quảng cáo. Quá trình tiếp thị và quảng cáo của các công ty, nhất là những DN viễn thông vẫn được thiết kế tập trung vào các phương tiện truyền thông truyền thống bao gồm TV, báo in và biển quảng cáo ngoài trời.
* Theo ông, DN ngành nào đang nhanh chân hơn trong việc sử dụng mạng xã hội cho công tác quảng bá thương hiệu?
Tại thị trường Đông Nam Á, những nhãn hàng tiêu dùng nhận ra sự tiện ích của mạng xã hội và đã đầu tư xây dựng những đội ngũ chuyên nghiệp tập trung cho công việc này, vì thế họ đang là người đi trước trong cuộc chơi.
Các nhãn hàng tiêu dùng đang đứng đầu việc sắp xếp lại sự ưu tiên này gồm Oreo, Coca-Cola… Trên thực tế, các đơn vị này đang gặt hái nhiều thành công hơn khi tiến hành chuyển hướng, thay vì các phương tiện truyền thông truyền thống, họ tập trung hơn vào những chiến lược kỹ thuật số và di động.
* Thị trường viễn thông ở Đông Nam Á, đa phần các nước là thị trường trả trước, hiếm gặp sự trung thành với một công ty viễn thông và người tiêu dùng cùng giá cả là những vấn đề nhạy cảm. Theo ông, có thích hợp để truyền thông trên mạng xã hội?
Người tiêu dùng Việt Nam dành khoảng 2,5 giờ trên Facebook mỗi ngày, nhiều gấp đôi thời gian xem TV. Người dùng đã chuyển hướng, DN cũng phải chuyển kênh.
Hiện các DN ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với hai thách thức lớn: Tạo dựng sự cân nhắc về thương hiệu và gợi nhớ tới thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Những nền hệ thống mạng xã hội như Facebook có thể đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp thương hiệu. Để tiếp cận và kiến tạo sự chuyển đổi trên diện rộng, những công ty viễn thông đi trước thời đại đang sử dụng Facebook nhiều như sử dụng kênh TV. Qua các kênh mạng xã hội, DN nắm bắt sự quan tâm của khách để khuyến khích họ mua hàng và gắn bó với thương hiệu.
* Theo ông, các thương hiệu cần chú ý những điều gì để có thể xây dựng những nội dung hấp dẫn và tiếp thị chúng một cách có chiến lược trên mạng xã hội?
Tôi chỉ có thể chia sẻ một vài “mẹo nhỏ” cho các DN, chẳng hạn mọi người thường tập trung vào hình ảnh có người thật hơn là một bức hình vẽ. Trong sáng tạo nội dung, chúng ta thấy hiệu quả lớn hơn khi quảng cáo tập trung vào những người thực sự sử dụng một thiết bị hay khả năng kết nối với bạn bè, hoặc xem video.
Thứ hai, văn bản di động hoặc bản sao cần phải ngắn gọn, dễ đọc và không quá nhiều chi tiết, tức là tránh “tham” nhiều yếu tố trên một bức hình. Với video nên ngắn và cực kỳ sống động. Video xem trên điện thoại di động nên bắt mắt và nên cân nhắc tới thực tế là hầu hết mọi người xem video mà không nghe âm thanh.