Nội Dung Chính
Trước những khó khăn, thách thức của năm mới thì việc tìm một chiến lược kinh doanh phù hợp càng cần thiết hơn bao giờ hết với các nhà quản lý, doanh nghiệp…
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thời buổi khó khăn, thay vì sử dụng những sản phẩm xa xỉ, cao cấp người tiêu dùng có thể chuyển sang mua những sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng tốt. Khó có trường hợp người tiêu dùng hủy bỏ toàn bộ quyết định mua sắm.
Nhận biết được sự thay đổi của thị trường, hành động ứng phó được nhiều doanh nghiệp đưa ra đó là thực hiện liên kết bán hàng ngay tại nội bộ công ty. Công ty Kinh Đô, bia Sài Gòn… cho biết sẽ giới thiệu hàng hóa của các đơn vị liên kết với công nhân tại các nhà máy, chẳng hạn phối hợp với một số doanh nghiệp thực phẩm bán sản phẩm tại căn-tin trong nhà máy hay phát hành coupon để liên kết bán hàng với nhiều ưu đãi và quảng bá sản phẩm…
Chú trọng sức khỏe
Về phía mình, nhãn hàng Lavie vẫn lạc quan về sự phát triển của thương hiệu trên thị trường trong tình hình khó khăn chung. Giám đốc Marketing nhãn hãng Lavie, bà Nguyễn Liên Hương, cho biết: “Hiện nay xu hướng của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể. Họ nhận thức tầm quan trọng của sức khỏe bản thân, hướng về môi trường và những sản phẩm làm từ thiên nhiên”. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, thị trường nước uống tinh khiết đóng chai đang chiếm 22% sản lượng toàn bộ thị trường nước giải khát ở Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 26% kể từ năm 1995. Mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong năm nay. Sức mua tăng nhờ số người thuộc tầng lớp trung lưu tăng trong khi nguồn nước sạch đang ngày càng trở nên cấp bách ở những đô thị lớn.
Bà Liên Hương cho biết thêm: “Trước nay, người tiêu dùng đều ngộ nhận nước đóng chai thì loại nào cũng như nhau, không mùi, không vị. Đa số họ ít khi đọc các thành phần ghi trên nhãn và không quan tâm đến công nghệ xử lý dùng hóa chất hay hoàn toàn tự nhiên. Lavie đã giúp người tiêu dùng hiểu được lợi ích của từng loại khoáng chất trong thành phần của nước khoáng thiên nhiên, sự cần thiết phải bổ sung khoáng chất cho cơ thể, nên uống nước như thế nào và bao nhiêu thì đủ…”. Ngoài mặt hàng nước đóng chai, Lavie còn chú trọng tăng sự nhận biết cho sản phẩm và dịch vụ bình 19 lít giao tận nhà riêng và công sở…
Nông thôn: đại dương xanh
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Nhãn hàng Masan Group (thương hiệu Chinsu), đưa ra một chiến lược khác. Ông cho rằng các nhãn hàng nên tập trung đạt được thị phần hấp dẫn ở nông thôn vốn bị chiếm lĩnh bởi các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc hoặc địa phương. Nhu cầu thiết yếu của 72% dân số sống ở nông thôn rất lớn, thị trường này chắc chắn sẽ bù đắp lại sự giảm sút sức mua trong năm 2009. Ví dụ như những sản phẩm nước mắm ở nông thôn thường làm theo dạng thủ công ngon, khá rẻ, chỉ khoảng 15.000 – 20.000 đồng/lít nhưng lại không có chai bằng thủy tinh. Do vậy công ty mạnh tay “đẩy” nhãn hàng nước mắm Nam Ngư về nơi này để tiêu thụ thì kết quả đạt được rất bất ngờ. Chỉ tính riêng tại khu vực khu dân cư số 7 (Quảng Ngãi), có tới 90% số hộ dân tại đây xài nước mắm Nam Ngư của Masan và khoảng hơn một nửa dùng bột nêm thay cho bột ngọt và muối.
Ông Trí nhìn nhận, mặc dù Masan đã chiếm thị phần khá lớn tại nông thôn, một số mặt hàng như tương ớt, nước mắm đã được tiêu thụ khá tốt tại miền Trung nhưng vẫn còn khá khiêm tốn tại nhiều nơi. Các tỉnh như Bắc Kạn, Lào Cai, Bắc Giang… vẫn chưa được tiếp xúc với những mặt hàng cao cấp và có chất lượng. Không chỉ Masan, Công ty cổ phần Thực phẩm Thuận Phát cũng đánh giá cao việc đưa hàng về nông thôn để chiếm lĩnh thị trường. Công ty đưa ra biện pháp thu hẹp chủng loại hàng hóa để không tốn nhiều chi phí quản lý những sản phẩm kinh doanh không hiệu quả; đẩy mạnh tỉ lệ hàng hóa nội địa mà doanh nghiệp này đang phân phối từ 60% lên 70-80%; và tập trung nguồn lực để xây dựng các kho trung chuyển, tìm kiếm đại lý phân phối rộng khắp và tăng nguồn nhân lực cho marketing.
Từ những sách lược thực tế mà các công ty đưa ra, có thể thấy việc tổ chức nghiên cứu thị trường về mạng lưới phân phối, tiêu chuẩn an toàn các ngành hàng thiết yếu như thực phẩm là khá quan trọng. Bên cạnh đó, các công ty nên tổ chức các hình thức, cơ hội quảng bá và bán hàng Việt Nam trên các vùng, miền, đặc biệt chú ý thị trường nông thôn; tổ chức các chương trình truyền thông mạnh hơn về nỗ lực của doanh nghiệp, cổ vũ và thuyết phục người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Đó là những biện pháp mà các doanh nghiệp trong nước đang cố gắng thực hiện khi suy thoái kinh tế chưa có dấu hiệu ngừng lại.