Nội Dung Chính
Khi một nhân viên có một ý tưởng mới cho kinh doanh, CEO của Hubspot có thể miễn nhiệm nhân viên đó khỏi công việc hiện tại và bổ nhiệm anh ta vào vị trí “mini – CEO”.
Tăng lương và thăng chức không phải lúc nào cũng có tác dụng tốt trong việc động viên và giữ nhân viên làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Thực tế có những cách làm không mất quá nhiều tiền bạc để khiến nhân viên làm việc tích cực hơn và yêu mến doanh nghiệp hơn.
Nét văn hóa lạ ở HubSpot: Đề bạt các “mini – CEO”
Khi một nhân viên có một ý tưởng mới cho kinh doanh, Brian Halligan, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Hubspot, một công ty phần mềm tiếp thị ở Boston, có thể miễn nhiệm nhân viên đó khỏi công việc hiện tại và bổ nhiệm anh ta vào vị trí “mini – CEO” cho công ty hay đơn vị kinh doanh mới được thành lập từ ý tưởng mà anh ta vừa sáng tạo ra.
Brian Halligan chia sẻ: “Khi một nhân viên mới có ý tưởng sáng tạo thúc đẩy việc kinh doanh thì nên khuyến khích họ đảm đương vị trí trưởng nhóm và chịu trách nhiệm cho sáng kiến của mình. Cách làm này đem đến một môi trường sáng tạo bình đẳng. Chúng tôi cần tăng cường sức mạnh của công ty và người đóng vai trò lãnh đạo phải là người hiểu rõ khách hàng nhất”.
“Mục đích là tạo ra một tổ chức “phẳng” có ít cấp bậc, từ đó thúc đẩy tính sáng tạo của nhân viên. Chúng tôi muốn trao quyền cho các bộ phận quan trọng của tổ chức, và chúng tôi muốn để cho những nhân viên thực sự hiểu khách hàng tự đưa ra các quyết định” Brian Halligan giải thích.
Hiện nay, nhân viên không chỉ đòi hỏi doanh nghiệp trả lương cao, mà họ còn đòi hỏi được tín nhiệm, được tôn trọng và được thể hiện giá trị bản thân. Nhà quản lý, nếu muốn giữ chân người giỏi không thể dùng tiền, vật chất để kích thích sự cần cù, nhiệt tình của nhân viên, mà còn rất nhiều cách, quan trọng nhất là cần khích lệ tinh thần, làm cho nhân viên luôn thấy hứng thú trong công việc.
Đánh giá trình độ nhân viên một cách công khai
Đánh giá trình độ của nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên. Cách đánh giá hiệu quả, công khai nhất là, để họ tự điều hành, làm chủ và phát triển ý tưởng do họ đề xuất để họ thấy doanh nghiệp đang đặt niềm tin và kỳ vọng vào họ. Và để thể hiện mình, họ cũng cần phát huy hết năng lực để hoàn thành tốt công việc.
Một yếu tố quan trọng của việc đề bạt “mini – CEO” cho mỗi nhóm công việc, là để cá nhân nhân viên đó được đánh giá công bằng, công khai trong công ty, để mọi người đều thấy được năng lực của họ – và nếu họ “bị điểm kém” trong chính đề án của mình đề xuất, thì họ cũng còn cơ hội phấn đấu cho những ý tưởng tiếp sau.
HubSpot đã xây dựng một nền văn hóa tự chủ trong doanh nghiệp, theo CEO của công ty “điều đó làm tăng gấp đôi kinh nghiệm cho nhân viên”.
HubSpot cũng đã 2 lần liên tiếp được đứng ở vị trí đầu tiên trong bảng danh sách khảo sát “những nơi làm việc tốt nhất” tại Boston do Quantum Workplace thực hiện
Trả lời phỏng vấn của tờ Business Insider, một nhân viên của Hubspot nhận xét rằng cả Brian Halligan, Dharmesh Dhah và JD Sherman – những nhà sáng lập HubSpot – “là những người lãnh đạo sáng suốt, minh bạch nhất mà anh từng làm việc”. Đặc biệt, nhân viên này cũng nhận xét, cả 3 leader này “rất khác nhau” cả về cách quan tâm nhân viên, cả cách tiếp cận và nắm bắt điều hành công việc, nhưng tựu chung chính họ là những người tạo nên động lực làm việc cho chính nhân viên HubSpot.
CEO của HubSpot, ông Brian Halligan từng nói: “Cách mà tôi nghĩ về văn hóa đó là con người hiện đại ngày nay đã thay đổi cách họ sống và làm việc. Các công ty hiện nay cũng phải thay đổi cách quản lý và lãnh đạo để phù hợp với lối sống, suy nghĩ và làm việc của con người hiện đại”.