Tăng cường hiệu quả marketing sử dụng website và mạng xã hội

0
765

Tiếp thị thông qua các kênh truyền thông xã hội (mạng xã hội – MXH) giờ đã trở thành xu hướng, và chúng ta cũng ý thức được tầm quan trọng của website đối với hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, liệu có nên sử dụng cả hai phương thức này trong việc quảng bá, tiếp thị cho doanh nghiệp mình? Nếu có, cần sử dụng chúng thế nào để cho hợp lý nhất?

Dưới đây là một số gợi ý để bạn phát huy tối đa hiệu quả của một trong hai, hay cả hai phương tiện này:

Mạng xã hội và website

Nếu bạn đã có một website cho doanh nghiệp, bạn nên dùng các kênh truyền thông xã hội như một phần của kế hoạch tiếp thị tích hợp giúp tăng lưu lượng truy cập vào website. Còn nếu từ trước đến nay bạn chỉ sử dụng MXH, bạn cần cân nhắc tới việc xây dựng một website để thúc đẩy các hoạt động tiếp thị trực tuyến của mình.

Hãy xem website là hiện diện trực tuyến quan trọng nhất của doanh nghiệp, là nơi khách hàng có thể ghé thăm và tìm hiểu về doanh nghiệp và những sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Những phương tiện marketing như MXH, các hình thức quảng cáo hay email – tất cả, đều là để thu hút khách hàng truy cập vào website của bạn, để kết nối, tìm hiểu và quan trọng là, lựa chọn mua sắm.

Nếu vẫn còn phân vân về việc nên làm gì với MXH và website, hãy ghi nhớ một điều: chúng nên được xây dựng để bổ trợ cho nhau. Các trang MXH của bạn có thể đăng tải vài nội dung như ở trên website. Ngược lại, hãy lồng ghép các thông tin MXH trên website để tối ưu thời gian và việc truyền đạt thông tin tới các khách hàng.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích từ Verisign, công ty về tên miền và an ninh mạng:

  • Trước khi quyết định tích hợp trang mạng xã hội nào với website của doanh nghiệp, bạn cần chắc chắn rằng đó sẽ là nơi giúp bạn tiếp cận khách hàng. Hầu hết các doanh nghiệp bắt đầu với việc tích hợp tài khoản Facebook hay Twitter, bởi đây là những trang MXH thu hút được lượng người quan tâm đông đảo nhất của họ.
  • Nếu bạn sử dụng MXH để cập nhật thông tin tức thời hay hàng tuần cho khách hàng, hãy cố gắng đăng tải hoặc tích hợp những bài đăng hoặc bảng tin này trực tiếp trên website của doanh nghiệp để giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm và theo dõi thông tin.
  • Các trang blog cũng là một kênh hữu hiệu giúp bạn tiếp cận khách hàng ngay trên website, thông qua hoạt động chia sẻ thông tin và tiếp nhận các phản hồi liên quan tới việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp bạn. Blog cũng là “nguồn cung” nội dung dồi dào cho các trang MXH của doanh nghiệp, giúp thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng mới.
  • Cần khôn khéo thêm vào các biểu tượng MXH trên website của bạn để tạo liên kết tới tài khoản MXH giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với khách hàng. Hầu hết các nền tảng MXH đều có hướng dẫn chi tiết về cách thức cài đặt. Đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử, việc tích hợp những nút “share” cho phép khách hàng chia sẻ việc mua sắm của mình với bạn bè và những người theo dõi (followers). Với một số trang MXH như Facebook, doanh nghiệp còn có thể bán hàng trực tiếp.

Những phương tiện marketing như MXH, các hình thức quảng cáo hay email – tất cả, đều là để thu hút khách hàng truy cập vào website của bạn, để kết nối, tìm hiểu và quan trọng là, lựa chọn mua sắm.

Sử dụng MXH không cần đến website

Cách kinh doanh trực tuyến hiệu quả nhất là sử dụng đồng thời cả website và MXH, giúp doanh nghiệp lan truyền thông điệp của mình và thiết lập quan hệ với nhiều khách hàng nhất. Song đôi khi việc này lại không hoàn toàn khả thi với những doanh nghiệp nhỏ. Phương án hợp lý cho những doanh nghiệp nhỏ muốn kinh doanh trực tuyến lần đầu là sử dụng một nền tảng mạng xã hội thay thế tạm thời cho website. Trong trường hợp bạn vẫn muốn có một địa chỉ website cho việc tiếp thị, bạn có thể đăng ký trước một tên miền và chuyển hướng đến trang MXH của bạn cho đến khi website chính thức của doanh nghiệp được thiết lập. Thực tế là 70% khách hàng có nhiều khả năng sẽ ghé thăm trang Facebook của một doanh nghiệp nếu họ được chuyển hướng vào trang Facebook của doanh nghiệp đó khi gõ địa chỉ website. Việc này cũng giúp giảm khả năng khách hàng vô tình tìm thấy địa chỉ đối thủ của doanh nghiệp khi họ tìm kiếm doanh nghiệp trên internet.

Hiện có vô vàn kênh MXH, vậy nên bạn đừng cố sử dụng tất cả chúng một lúc. Hãy bắt đầu với kênh được nhiều khách hàng truy cập nhất, và tập trung vào chỉ 1 hoặc 2 kênh MXH. Hãy cố bảo lưu các tài khoản, hoặc đăng ký quyền sử dụng với các tài khoản mang tên thương hiệu của bạn, trên tất cả các kênh MXH bạn dự định sử dụng để quảng bá nhằm tránh gây nhầm lẫn, kể cả khi doanh nghiệp chưa có kế hoạch sử dụng các tài khoản này ngay. Nếu doanh nghiệp kết nối qua nhiều hơn một kênh MXH, hãy cân nhắc việc dùng các công cụ quản trị như Hootsuite để giúp tiết kiệm thời gian khi cập nhật tin tức trên tất cả các tài khoản và kênh mạng xã hội của doanh nghiệp.

MXH bản chất là một công cụ tiếp thị, và nhiều chuyên gia cũng cho rằng mỗi doanh nghiệp dù nhỏ cũng vẫn cần có một website riêng. Ngày nay, việc xây dựng một website cũng khá dễ dàng, và bạn hoàn toàn có thể tạo cho mình một website chất lượng để quảng bá cho doanh nghiệp cũng như thiết lập thương hiệu dưới một hình thức mà bạn có thể kiểm soát được. 70% doanh nghiệp nhỏ cho biết website là công cụ tiếp thị trực tuyến hiệu quả nhất giúp tiếp cận và củng cố các mối quan hệ với khách hàng, hơn hẳn các công cụ tiếp thị marketing trực tuyến khác.

Trường hợp doanh nghiệp còn đắn đo về mặt chi phí, thì hiện có rất nhiều công cụ tạo lập website miễn phí hoặc có chi phí thấp giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo một website cho mình. Những công cụ này được thiết kế dành cho người dùng phổ thông với những khuôn mẫu dựng sẵn để người dùng có thể dễ dàng tùy biến chỉ với vài cú click chuột để có một website trông khá chuyên nghiệp. Chi phí xây dựng và duy trì các loại hình website này dao động trong khoảng từ 0 tới 35 đô-la/tháng và thường đã bao gồm gói hỗ trợ khách hàng. Những công cụ xây dựng website phổ biến có thể kể tới là Moonfruit, Wix và Weebly, cùng với nhiều nhà cung cấp tên miền khác cũng chào bán các gói sản phẩm với mức giá hợp lý.

Nếu không có đủ thời gian để tự tạo website, việc thuê chuyên viên hỗ trợ cũng không quá tốn kém. Hãy xác định rõ các nhu cầu của doanh nghiệp mình, bắt đầu từ một website nhỏ và tùy chỉnh quy mô theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

 
Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here