Nội Dung Chính
Sau ba năm hoạt động, và hơn một năm nhận vốn “khủng” từ nhà đầu tư nước ngoài, trong những ngày đầu tháng Tư vừa qua, The KAfe – chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu – đã dần đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trong hệ thống. Đào Chi Anh – người sáng lập, CEO The KAfe đã phải nói lời chào tạm biệt với “đứa con” của mình.
Chi Anh từng chia sẻ trong tiếc nuối: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình… Những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm, mà càng về sau càng hiện ra rõ hơn…”.
Trường hợp thất bại của The KAfe và Đào Chi Anh sau khi gọi vốn 5 triệu USD từ nhà đầu tư là bài học tài chính điển hình cho các startup khi gọi vốn. Theo kinh nghiệm của người viết khi tư vấn M&A, gọi vốn, và giúp các doanh nghiệp xây dựng quản trị và tài chính, và cả kinh nghiệm xây dựng công ty của mình, sau đây là những sai lầm khi startup hay doanh nghiệp gọi vốn và sau gọi vốn:
Lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp
Có những nhà đầu tư được gọi là “nhà đầu tư cá mập”. Mục tiêu của họ là thâu tóm chứ không phải đồng hành. Họ đến để tiếm quyền và với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn từ việc kiểm soát công ty và bán công ty, chứ không hướng tới dài hạn. Nhiều nhà đầu tư tài chính nhắm đến mục tiêu này. Vì thế, thứ tự ưu tiên lựa chọn nhà đầu nên là: đối tác cùng ngành, quỹ đầu tư cùng ngành, quỹ đầu tư tài chính.
Được biết, có những doanh nghiệp Việt nhận đầu tư với số tiền lên đến triệu đô nhưng đồng thời cũng nhận từ nhà đầu tư: sản phẩm mới, công nghệ mới, cùng các chuyên gia để quản trị và phát triển thị trường Việt Nam.
Đối với các quỹ đầu tư tài chính, do phải chịu áp lực thoái vốn từ chính cổ đông của quỹ nên họ thường chỉ đến với bạn trong ngắn hạn.
Không cẩn trọng trong đàm phán
Đây chính là điểm mấu chốt đưa đến thất bại của The KAfe. Tiền đầu tư sẽ đi cùng hàng loạt điều kiện từ nhà đầu tư, nhất là họ sẽ đưa ra yêu cầu kiểm soát hoàn toàn về tài chính. Các nhà sáng lập (founder) lại thường không giỏi về vấn đề này. Nhà đầu tư sẽ áp đặt các chỉ tiêu mang tính thâu tóm, và nếu founder không đạt được chỉ tiêu, thì họ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và thâu tóm công ty.
Các startup thường không xây dựng cho mình chiến lược tài chính chủ động ngay từ đầu, nên khi khát tiền, họ sẽ chấp nhận một cách mù quáng mọi yêu cầu của nhà đầu tư. Và họ cũng sẽ thường quên đàm phán một gói Incentive (lợi tức gồm cả lương và thưởng) cho các founder. Gói Incentive là bình thường trong mọi thương vụ, nhưng các nhà đầu tư thường hay lờ đi, còn startup thì không biết mà đàm phán.
Không xây dựng cơ chế quản trị công ty quy chuẩn
Không nhiều startup hiểu thế nào là quản trị công ty. Cơ chế quản trị công ty không ổn sẽ gây ra mâu thuẫn giữa người điều hành với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tài chính thuần túy. Khi xảy ra mâu thuẫn, các cơ chế không rõ ràng đã khiến mâu thuẫn trầm trọng hơn.
Không xây dựng được kế hoạch kinh doanh khả thi sau gọi vốn
Kế hoạch kinh doanh nửa vời là vấn đề lớn gây tác động tiêu cực. Khi chỉ có một mình làm chủ, founder có thể làm bất kỳ thứ gì mình muốn. Nhưng khi có nhiều hơn các “ông chủ”, bạn cần phải đảm bảo lợi ích của tất cả. Khi đó, một kế hoạch kinh doanh chi tiết và khả thi làm cơ sở để thực hiện sẽ giúp đáp ứng được lợi ích, hoặc ít nhất lấy đó làm căn cứ “đồng cam cộng khổ”. Ngược lại thì mâu thuẫn sẽ ra tăng.
Ngoài ra, trên thực tế nhiều founder bị tư tưởng “tự dưng có tiền” làm giảm nhiệt huyết khiến nhà đầu tư cảm thấy lợi ích của họ bị ảnh hưởng, và họ sẽ hành động. Lúc này cơ chế quản trị không tốt sẽ dẫn tới ngõ cụt cho các bên.
Thiếu khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh
Nhiều founder sau khi nhận vốn thì hơi “vĩ cuồng” về khả năng của mình. Họ vội vã khuếch trương quy mô công ty mà không hiểu rằng thành công của các thương hiệu lớn đều phải bắt đầu từ hiệu quả hoạt động hằng ngày. Chi phí lớn mà không mang lại hiệu quả rất sẽ dẫn đến thất bại.
Không biết quản lý tài chính
Khi công ty có sự tham gia của các nhà đầu tư, việc thu – chi và tính toán lời – lỗ không còn đơn giản như khi người điều hành cũng là ông chủ. Ngoài ra, khi hoạt động kinh doanh được mở rộng hơn, các chi phí cũng tăng lên bên cạnh việc phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Nếu không có kiến thức và không biết cách quản lý tài chính, dòng tiền sẽ trở nên hỗn loạn, công ty có thể rơi vào tình trạng chỉ thấy chi mà không có thu. Rồi do thiếu tiền nên hiệu quả hoạt động xuống thấp, founder lại tính đến chuyện gọi vốn tiếp theo, dẫn đến lợi ích của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, mâu thuẫn xảy ra. Vì thế, cần phải xây dựng được một chiến lược tài chính phù hợp và có phương pháp thực thi chiến lược ấy một cách hiệu quả.