Nội Dung Chính
Phindeli luôn tìm cách làm mới mình theo đúng chiến lược tiêu chuẩn của ngành FMCG là luôn tạo ra sự mới mẻ với thương hiệu của mình.
Sau những ồn ào, Phindeli đã tạo ra cho mình 1 giá trị vô hình cần thiết để phát triển thương hiệu Phindeli khi đặt ngang hàng nó với các thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam khác. Nhưng tất cả đó mới chỉ là sự khỏi đầu, chưa thể nói lên được bất cứ điều gì dài hơi. Như cha ông ta có câu: “Đường xa mới biết ngựa hay”, phía trước của Phindeli đang có rất nhiều vấn đề phải lo lắng.
Bài học của mỹ phẩm Xmen sẽ được dùng lại cho Phindeli?
Team đang làm việc cho Phindeli đa phần những người đó là những gương mặt tiêu biểu đã làm nên thành công cho Xmen, đế chế hoá mỹ phẩm dành cho nam giới của ICP (công ty Cổ phần sản xuất hàng gia dụng quốc tế mà Phạm Đình Nguyên là giám đốc chi nhánh Hà Nội). Nếu chúng ta nghiên cứu và tìm hiểu thì có thể thấy rằng các bước đi của Phindeli hiện nay khá giống với Xmen, mà một trong những sản phẩm nổi tiếng là dầu gội đầu.
Việc tạo nên sự khác biệt trong định vị sản phẩm với những thương hiệu trong ngành là ví dụ điển hình. Ý đồ khá rõ ràng khi mua lại thị trấn Buford của Phạm Đình Nguyên là để đưa ra thông điệp khác biệt với các thương hiệu khác trong ngành coffee và xem thị trường Mỹ là thị trường phục vụ cho ý đồ chinh phục Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đã cho thấy tham vọng rất lớn của Phindeli.
Phindeli đã kết hợp với IDS – công ty Cổ phần phân phối dịch vụ tổng hợp (IDS đang nắm tới 2/4 nhà phân phối của ICP) mà Phạm Đình Nguyên là người sáng lập, khiến sức mạnh của Phindeli được nhân lên. Khi khai thác được kênh phân phối này, Phindeli sẽ dễ dàng tiếp cận với nhóm mini shop khá lớn ở miền Bắc.
Phindeli đã tạo cho người dùng sự tin tưởng và cảm giác đẳng cấp khi sử dụng sản phẩm có chuẩn quốc tế mà chưa 1 hãng coffee Việt nào làm được.
Chiến lược quốc tế hoá sản phẩm của Phindeli rất rõ ràng. Với Xmen, khi mới ra mắt tại Việt Nam, không ít người tiêu dùng nhầm lẫn đó là sản phẩm của một thương hiệu ngoại. Bởi lẽ, chiến lược định vị của nó khá rõ ràng đã tạo nên sự khác biệt trong quản trị thương hiệu, tạo nên hiệu quả.
Còn với Phindeli, sự khác biệt chính là ở chiến lược định vị Phindeli và tuyên ngôn coffee Việt trên đất Mỹ. Và họ phải tìm đưa ra những luận chứng thuyết phục rằng họ đã nâng tầm coffee Việt đến tầm quốc tế, qua việc có được giấy phép IDF đạt chuẩn thực phẩm an toàn khắt khe của Mỹ. Qua đó, Phindeli đã tạo cho người dùng sự tin tưởng và cảm giác đẳng cấp khi sử dụng sản phẩm có chuẩn quốc tế mà chưa 1 hãng coffee Việt nào làm được.
Chiến lược bán hàng của Phindeli cũng đang khai thác triệt để được yếu tố tâm lý người dùng. Bằng chứng là dù họ không phải tốn quá nhiều công sức và tiền bạc để tạo nên hệ thống phân phối (vì đã được hưởng lợi từ hệ thống của IDS) nhưng trong mỗi bước đi, trong chiến lược bán hàng của mình, Phindeli vẫn cố gắng tạo ra sự khách biệt, để không bước vào lỗi mòn nhàm chán của các thương hiệu đi trước.
Phindeli luôn tìm cách làm mới mình theo đúng chiến lược tiêu chuẩn của ngành FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh) là luôn tạo ra sự mới mẻ với thương hiệu của mình, định hình sản phẩm của mình trong tâm trí người dùng nhằm thay thế các thương hiệu khác.
Phindeli không chỉ có coffee
Sau khi khai trương và đổi tên thị trấn thành Phindeli, ông Nguyên đã đưa vào chuỗi cửa hàng tại Mỹ 1 thương hiệu sản phẩm Việt Nam khác từng là thương hiệu của ICP là nước mắm Thuận Phát (được Marico – Tập đoàn của Ấn Độ mua lại ICP bán lại cho IDS cách đây không lâu). Sự trùng hợp này là không phải là ngẫu nhiên khi team chính phát triển Phindeli là người cũ của ICP.
Có 1 sự bí mật lớn khác đằng sau những người chủ thực sự của Phindeli. Điều này được thể hiện rõ trong số thứ 6 của Forbes Việt Nam. Cuốn tạp chí này đã khai thác nhiều về cổ đông thứ 3 đầu tư vào Phindeli. Ông Nguyên cho biết cổ đông thứ 3 là một quỹ có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, theo như tuyên bố của CEO công ty CP Phindeli Vũ Quốc Tuấn thì ông hoàn toàn không biết quỹ đó là trong hay ngoài nước.
Điều thú nhận này của ông Tuấn gây ngạc nhiên lớn và khiến mọi người phải đặt câu hỏi to đùng: Chẳng lẽ chính CEO còn không biết được vốn và thông tin về quỹ đầu tư vào công ty mình thì sao có thể cùng hợp tác làm ăn?
Điều mù mờ khó hiểu này có vẻ chỉ là một trong số nhiều thách thức mà Phindeli sẽ phải đối mặt. Con đường đi lên của thương hiệu cà phê này không đơn giản như Xmen vì Xmen khi ấy là hóa mỹ phẩm cho đàn ông đầu tiên tại Việt Nam, còn Phindeli xuất hiện khi một vài ông lớn đã biết đóng dấu thương hiệu của mình vào tâm trí người tiêu dùng và thói quen tiêu dùng Việt Nam.
Nhưng những thách thức ấy là gì và lớn đến mức nào, chúng tôi sẽ còn trở lại trong những bài báo khác.