Nói trước đám đông không còn là “kỹ năng mềm”

0
640

Theo một phân tích mới của LinkedIn, “thuyết phục” là một trong những kỹ năng “đáng học nhất” trong năm 2019. “Củng cố kỹ năng mềm là một trong những khoản đầu tư tốt nhất trong sự nghiệp của bạn, vì chúng không bao giờ lỗi thời cả” – kết quả nghiên cứu này khẳng định.

Tuy nhiên, diễn giả – tác giả Carmine Gallo cho rằng đã đến lúc chúng ta nên ngừng xem nghệ thuật thuyết phục và nói chuyện trước đám đông là một “kỹ năng mềm”. Gallo cho biết một nhà khởi nghiệp danh tiếng ở quỹ đầu tư Y-Combinator đã thuyết phục ông nên ngừng sử dụng thuật ngữ này. “Nếu một nhà khởi nghiệp không thể kể được một câu chuyện thuyết phục thì tôi sẽ không đầu tư. Vậy sao anh gọi đó là kỹ năng mềm? Tôi xem đó là kỹ năng cơ bản”.

Nếu bạn hỏi tỉ phú Warren Buffett về kỹ năng giá trị nhất mà bất cứ ai cũng có thể xây dựng cho mình thì ông ta sẽ nói đó là “kỹ năng giao tiếp, thuyết phục”. Warren Buffett thậm chí còn định giá cho kỹ năng này: “Cách dễ dàng để tăng 50% giá trị nghề nghiệp của bạn so với hiện tại là hãy trau dồi kỹ năng giao tiếp – nói chuyện trước đám đông”. Trong một thế giới được tạo dựng từ ý tưởng, những người giỏi thuyết phục – có khả năng chiếm được trái tim và thay đổi tâm trí người khác – sẽ có lợi thế cạnh tranh.

Deirdre McCloskey, nhà kinh tế, nhà sử học tại Đại học Illinois, Chicago đã tiến hành một dự án nghiên cứu ấn tượng để chứng minh rằng nghệ thuật hùng biện, thuyết phục đóng một phần vai trò giúp tăng thu nhập quốc gia của nước Mỹ. Nhà kinh tế học này tiến hành phân tích 250 nghề ở Mỹ. Bà tạo một mô hình thống kê dựa vào lượng thời gian mà mọi người ở từng ngành nghề dành cho việc nói chuyện với đám đông và thuyết phục người khác hành động.

Dĩ nhiên, trong một số ngành nghề, khả năng thuyết phục đóng vai trò giới hạn hơn so với những nghề khác (chẳng hạn giữa lính cứu hỏa và chuyên gia PR). McCloskey đi đến kết luận sau: kỹ năng thuyết phục góp phần tạo ra 1/4 tổng thu nhập quốc gia của nước Mỹ. Bà dự đoán tỷ lệ này có thể tăng lên đến 40% sau 20 năm nữa. Nghiên cứu của McCloskey cũng được một nhà kinh tế học người Úc tiếp nhận và tiến hành với kết luận tương tự.

Ngày nay, chưa tới 2% người Mỹ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Lực lượng lao động trong lĩnh vực sản xuất cũng giảm từ 40% (năm 1950) xuống dưới 20%. Thu nhập cá nhân từ lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm khi mà robot thay thế người lao động và trí tuệ nhân tạo tiếp nhận những việc làm có tính chất lặp lại. Nhiệm vụ chính yếu còn lại trong những ngành nghề hiện tại và cả những việc làm mới được tạo ra đều xoay quanh khả năng “thay đổi tâm trí”.

“Không có gì xảy ra một cách tự nguyện trong một nền kinh tế hoặc một xã hội trừ khi có ai đó thay đổi tâm trí chúng ta. Sự bắt buộc có thể làm thay đổi hành vi nhưng không thể thay đổi được tâm trí” – McCloskey giải thích.

Ngay cả đối với những nghề cần “kỹ năng cứng” thì khả năng thuyết phục cũng mang lại sự khác biệt. Một lập trình viên chỉ biết kỹ thuật sẽ nhận mức lương khởi điểm 40.000 USD – 80.000 USD ở Silicon Valley. Trong khi đó, một lập trình viên có khả năng nói chuyện với khách hàng sẽ dễ dàng yêu cầu mức lương 120.000 USD hoặc hơn nữa.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here