Nội Dung Chính
Tình huống tiêu cực thường xảy ra khi chúng ta không hiểu về ý nghĩa hàm chứa trong những điều mình nói ra. Và việc hiểu biết này đòi hỏi khả năng nhận thức xã hội – khả năng thấu hiểu cảm xúc và trải nghiệm của người khác.
Sau khi kiểm tra chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) của hơn 1 triệu người, Hãng tư vấn TalentSmart đã phát hiện ra rằng, nhận thức xã hội là một trong những kỹ năng mà nhiều người đang bị thiếu hụt.
Theo TS. Travis Bradberry – đồng sáng lập, Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (Thông minh cảm xúc 2.0), nguyên nhân của tình trạng này đến từ việc chúng ta thường quá tập trung vào những điều mình sẽ nói và cả sự tác động từ những điều người khác nói nên có xu hướng “bỏ quên” cảm xúc của họ đối với những lời mình đang nói.
“Trong khi đó, đây lại là một vấn đề quan trọng, vì con người vốn rất phức tạp. Bạn không thể hy vọng hiểu được ai đó nếu không quan tâm đến cách nghĩ của họ”, TS Bradberry nói.
Tuy nhiên, chỉ cần có một số điều chỉnh nhỏ trong lời nói, chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện mối quan hệ với người khác. Dưới đây là 9 cụm từ mà những người có chỉ số thông minh cảm xúc cao không bao giờ sử dụng khi đối thoại, và một số cụm từ khác được đề xuất để thay thế. TS. Travis Bradberry cho rằng việc áp dụng các biện pháp thay thế này có khả năng tạo ra “những phản ứng tích cực bất ngờ”:
1. “Trông bạn có vẻ mệt mỏi”
Người mệt mỏi là người có vẻ ngoài không được chỉn chu, như: đôi mắt rũ xuống, đầu tóc rối bù, vẻ mặt cáu kỉnh, kém tập trung… Nói với ai đó rằng trông họ có vẻ mệt mỏi đồng nghĩa với việc nói rằng họ có tất cả các dấu hiệu đó.
Phần lớn mọi người hỏi xem người khác có mệt mỏi không nhằm mục đích giúp đỡ. Nhưng thay vì tự ý định đoạt hiện trạng của người khác, chúng ta chỉ nên đặt câu hỏi cho họ. Bằng cách đó, họ sẽ dễ dàng mở lòng chia sẻ hơn. Quan trọng hơn, họ sẽ thấy sự quan tâm ở bạn chứ không phải là sự khiếm nhã.
Vì vậy, hãy nói: “Mọi thứ vẫn ổn chứ?”.
2. “Bạn luôn luôn…” hoặc “Bạn không bao giờ…”
Không ai luôn luôn hoặc không bao giờ làm bất kỳ điều gì, vì vậy, đừng dùng những cụm từ mang ý nghĩa đó để quy chụp người khác. Khi đó, bạn sẽ khiến họ phải “phòng thủ” đối với thông điệp bạn sắp đưa ra vì nó có vẻ mang tính chất quá nghiêm trọng.
Nếu có điều gì người khác từng làm mà tạo ra tác động đến bạn, chỉ cần nói thẳng điều đó. Nếu tính thường xuyên của những hành động đó thực sự quan trọng, chỉ cần nói “Có vẻ như bạn làm điều này rất thường xuyên…” hoặc “Vì bạn làm điều này khá thường xuyên nên…”.
3. “Như tôi từng nói…”
Theo thời gian, chúng ta đều dễ dàng quên đi nhiều thứ. Khi dùng cụm từ này, có vẻ như bạn đang cảm thấy bị xúc phạm vì phải lặp lại điều mình từng nói hoặc nghĩ rằng bạn tốt hơn người khác, hoặc cả hai.
Khi muốn nói điều gì đó một lần nữa, để giúp người nghe ghi nhớ, hãy cố gắng truyền đạt thông điệp theo một cách rõ ràng hơn, thú vị hơn lúc trước.
4. “Chúc may mắn!”
Việc chúc người khác may mắn không phải là điều gì quá tiêu cực, nhưng cụm từ này ám chỉ rằng họ cần có yếu tố may mắn mới thành công.
Thay vào đó, người thông minh thường nói rằng “Tôi biết bạn đã có đủ mọi điều kiện thuận lợi”. Bởi, việc nói với một người rằng họ đã có đủ mọi kỹ năng để thành công mang ý nghĩa tích cực hơn và giúp họ tự tin hơn là chúc họ may mắn.
5. “Tùy bạn” hoặc “Bất kỳ điều gì bạn thích”
Có thể bạn không quan tâm lắm đến câu hỏi, nhưng người hỏi thực sự rất xem trọng ý kiến của bạn. Vì vậy, khi được hỏi ý kiến, thay vì nói “Tùy bạn”, bạn có thể nói “Tôi không thích đặc biệt một trong hai lựa chọn, nhưng có một số điều cần xem xét là…”. Như vậy, dù không phải là một đáp án cụ thể nào, khi nói lên suy nghĩ của mình, bạn cũng cho thấy một sự quan tâm nhất định đối với điều người khác đang hỏi.
6. “Vâng, ít nhất tôi chưa bao giờ…”
Sử dụng cụm từ này là một cách hiệu quả để chuyển hướng sự chú ý từ sai lầm hiện tại của bạn sang một sai lầm cũ của người khác trong quá khứ.
Khi rơi vào tình huống gặp sai lầm, bạn chỉ nên nói “Tôi rất tiếc” hoặc “Tôi xin lỗi”. Thừa nhận sai lầm là cách tốt nhất để giúp cuộc thảo luận trở nên hiệu quả hơn, êm đẹp hơn, tránh tình huống căng thẳng “leo thang”. Và nhờ đó, bạn có thể tìm ra cách để khắc phục sai lầm.
7. “Ồ, bạn đã giảm đi hàng tấn cân nặng”
Một lần nữa, lời bình luận nghe có vẻ tích cực này lại tạo ra ấn tượng rằng bạn đang chê bai. Bởi, nói với ai đó rằng họ đã giảm đi rất nhiều cân nặng nghĩa là họ đã từng rất béo và trông không được ưa nhìn.
Thay vì so sánh vẻ ngoài của người khác ở hiện tại với quá khứ của chính họ, chỉ cần đơn giản là nói ra lời khen ngợi.
Trong trường hợp trên, chỉ nên nói rằng “Bạn trông thật tuyệt”.
8. “Dù sao đi nữa, bạn cũng đã quá tốt với anh/cô ấy”
Khi ai đó quyết định chấm dứt một mối quan hệ với người khác (dù là tình yêu, tình bạn hay đồng nghiệp), nhận xét này ám chỉ rằng lúc đầu họ đã từng có một lựa chọn “tồi tệ”.
Khi gặp tình huống này, người thông minh có xu hướng nói rằng “Thật là một sự mất mát của cô/anh ấy!”. Câu nói này cũng cho thấy một sự ủng hộ tương tự như trên nhưng theo chiều hướng lạc quan hơn và không có một ngụ ý chỉ trích nào.
9. “Bạn trông thật tuyệt vời ở tuổi này”
Cụm “ở tuổi này” mang hàm ý chiếu cố và khiếm nhã. Không ai thích cảm giác trông họ có vẻ tốt hơn những người ở cùng độ tuổi – những người có thể đang có tình trạng sức khỏe không được khả quan. Mọi người chỉ đơn giản thích được khen là khỏe mạnh, tráng kiện…
Do đó, chỉ cần khen rằng “Anh/chị trông thật tuyệt!”.