Nội Dung Chính
Sự khác biệt của những người thành công nằm ở cách họ đối mặt với khó khăn và biết cách thay đổi.
Dù cho bạn là một sinh viên vừa mới ra trường hay là một tay coder chuyên nghiệp thì việc nghe thêm một vài lời khuyên cũng chẳng bao giờ là thừa.
Các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Twitter và các nhà lãnh đạo như Mark Zuckerberg, Larry Page và Jack Dorsey đang làm thay đổi thế giới. Những công nghệ mà họ tạo ra đã và đang tác động trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Và dĩ nhiên, thành công đến với những nhân vật kiệt xuất này không phải là nhờ mấy câu nói truyền cảm hứng được chia sẻ trên Facebook. Họ cũng từng lao động vất vả, chống chọi nghịch cảnh và đôi lúc thất bại, giống như tất cả chúng ta. Sự khác biệt nằm ở cách họ đối mặt với khó khăn và biết cách thay đổi. Dưới đây là 4 bài học đầy thực tế từ những cá nhân thành công này.
1. Biết được bạn sống để làm gì
Hãy nhớ rằng mục tiêu cuộc sống của bạn không đồng nghĩa với bản miêu tả công việc bạn đang làm. Nếu không có niềm tin và ý chí phấn đấu cho một điều gì đó to lớn, cuộc sống với bạn chỉ đơn giản là thức dậy vào mỗi buổi sáng và xách cặp đi làm.
“Mục đích là cảm giác được trở thành một phần gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình, là biết rằng mình được người khác cần đến, biết rằng mình lao động để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho tương lai. Mục đích mới chính là thứ tạo ra niềm hạnh phúc thật sự”, đây là một trích đoạn từ bài phát biểu của Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook) tại Lễ tốt nghiệp năm 2017 của Đại học Harvard.
2. Làm đi rồi hãy nói!
Chìm đắm trong những giấc mơ hão huyền hay ảo tưởng về bản thân là điều thường hay xảy ra. Chắc có lẽ ai trong số chúng ta cũng từng mơ một ngày nào đó mình sẽ thay đổi thế giới hay xây dựng một đế chế Facebook tiếp theo. Nhưng ai biết đâu được, những giấc mơ đó sẽ có ngày đến thật gần bạn nếu mỗi sáng bạn biết thức dậy để theo đuổi giấc mơ của mình, thay vì nằm ườn ra đó và mãi ôm mộng hão huyền.
Linus Torvalds, người tạo ra hệ điều hành Linux, đã chia sẻ quan điểm của bản thân trong Hội nghị Thượng đỉnh về Mã nguồn mở (OSLS) năm 2017; “Mấy kiểu đổi mới, sáng tạo mà cả cái ngành công nghệ này đang nói suốt ngày đều là thứ vớ vẩn hết. Bất cứ ai cũng có thể đổi mới. Nhưng mấy thứ cường điệu đó không phải là chuyện cần làm, đi vào xây dựng từng chi tiết mới là chuyện cần làm”.
3. Bạn sẽ thất bại, nhưng liệu có ai quan tâm?
Trong cuốn The Subtle Art of Not Giving a F*ck (tạm dịch: “Đếch quan tâm” mà vui sống) của Mark Manson (một blogger chuyên viết về kỹ năng sống), Manson chia sẻ rằng nếu bạn quá xét nét về bản thân mình hay cứ để cho nỗi đau thất bại dằn vặt, điều này có thể hủy hoại bản thân bạn. Manson cho rằng cuộc sống quá ngắn ngủi nên chúng ta đâu thể để tâm đến tất cả mọi thứ, và việc cứ cố tìm cách theo đuổi những điều tích cực mọi lúc mọi nơi thực ra có thể lại là một trải nghiệm tiêu cực.
“Nếu muốn có được sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe thể chất, tốt nhất bạn nên xuất phát từ việc chấp nhận những sự thật trần tục hay những lẽ thường tình của cuộc sống. Bạn phải làm quen với những sự thực kiểu như ‘hành động của bạn thực sự chỉ là muối bỏ biển’ hay ‘phần lớn thời gian cuộc đời bạn sẽ trôi đi một cách nhàm chán và chả có gì khác biệt cả’, và chấp nhận rằng như thế cũng ổn thôi”.
“Hãy tưởng tượng như bạn đang ăn chay trường, thoạt đầu nó sẽ khó nuốt, rất ngán đấy. Nhưng dù có như vậy thì cũng đừng bỏ cuộc, bởi vì một khi đã tiêu hóa được những thứ này, cơ thể bạn sẽ như được “bừng tỉnh” và bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn, nhiều sức sống hơn”.
“Sau cùng, những kiểu stress như áp lực vì vai vế xã hội, vì muốn chứng minh bản thân sẽ không còn đè nặng lên vai bạn. Những ham muốn trong cuộc đời chỉ mang lại cho bạn cảm giác căng thẳng, lo lắng. Hiểu và chấp nhận sự tồn tại của bản thân sẽ hoàn toàn giải phóng bạn, có như vậy bạn mới làm được những điều mà bản thân thực sự mong muốn mà không cần phải sợ bị soi xét hay chạy theo những kỳ vọng quá lố”.
4. Nếu bạn thất bại, hãy thay đổi
Đối mặt với thất bại và không thể chấp nhận thực tế là một phản ứng bình thường của con người. Tuy nhiên, nếu chúng ta liên tục vật lộn với điều này thì cần phải suy xét lại. Bạn thất bại, điều đó ổn thôi, khóc một chút cũng được nhưng trên hết, hãy xem đó là một bài học để thay đổi.
Thất bại là một dấu hiệu cho thấy có vấn đề trong guồng máy của bạn. Đôi khi, đó là do bạn và cũng có thể là do người khác. Cho dù nguyên nhân đến từ đâu đi chăng nữa, chỉ có một cách thích hợp để xử lý chuyện này: thay đổi để tốt hơn, thay đổi để cải thiện năng lực phản ứng của bản thân.
Trong cuốn sách The Lean Startup (tạm dịch: Khởi nghiệp tinh gọn) của mình, Eric Ries cho biết: “Thay đổi hướng đi (pivoting) không đồng nghĩa với cổ xúy việc thay đổi vô tội vạ. Hãy nhớ rằng, đây là một loại thay đổi có cấu trúc đặc biệt, được thiết kế để thử nghiệm một giả thuyết mới… Nếu đi sai hướng, chúng ta có những công cụ cần thiết để nhận ra điều này và nhanh chóng tìm ra hướng đi khác”.
5. Sự nghiệp không phải là tất cả
Thực tế cho thấy những người nghiện công việc không được thọ cho lắm. Họ hay mắc bệnh, không có thời gian cho dành cho gia đình và kết thúc cuộc đời trong 4 bức tường văn phòng làm việc. Cuộc sống có nhiều thứ ý nghĩa hơn ngoài 8h ở văn phòng. Bạn sẽ là robot nếu chỉ biết “sáng vội vã đi làm, chiều vật vạ trở về”. Thay vào đó, hãy sử dụng những ngày nghỉ và tận hưởng cuộc sống, điều này cực kỳ hữu ích cho năng suất lao động cũng như công việc của bản thân bạn.
Jack Dorsey, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Twitter, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Y Combinator: “Khi nhỏ, tôi đã không hiểu được giá trị của việc tập thể dục, tôi không biết nó có ảnh hưởng đến trí tuệ của tôi như thế nào. Thế nên tôi đã phải kinh qua rất nhiều các biện pháp cực đoan để đạt được trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Nhiều lúc ngẫm lại, tôi ước gì mình chú tâm hơn vào lối sống lành mạnh. Đó mới chính là nhân tố giúp tôi sáng tạo và tư duy chặt chẽ hơn.”
Những lời khuyên chung chung kiểu như “Hãy đi theo tiếng gọi của con tim” có thể sẽ khiến bạn thấy vui lên một lúc. Nhưng hãy nhớ rằng vài chục lượt Like hoặc Share trên Facebook không thể “hoá” thành thức ăn để nuôi sống bạn hằng ngày. Đây là thời đại của những mẩu chuyện về “gương sáng giàu lên nhanh chóng” nhưng đó không hẳn là hình mẫu của thành công. Thành công hay không, chỉ nên nhìn từ cách bạn làm việc và tận hưởng cuộc sống của bản thân.