Ngoài tiền lương, các siêu sao bóng đá như Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi còn kiếm bộn tiền từ những hợp đồng quảng cáo, tài trợ.
Bóng đá xứng đáng là môn thể thao “vua”, có sức ảnh hưởng cực lớn bên ngoài sân cỏ. Nguồn thu nhập khổng lồ của những ngôi sao như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Neymar nói lên điều này.
Messi không có được một năm thành công rực rỡ sau khi khép lại mùa giải 2018-19. Nhưng bên ngoài sân cỏ, Leo vẫn trở thành vận động viên thể thao có thu nhập cao nhất thế giới, bỏ xa những cái tên thuộc các môn thể thao khác như Roger Federer (quần vợt), Lebron James (bóng rổ)…
Trong danh sách 100 vận động viên thể thao kiếm tiền nhiều nhất năm 2019 do Forbes công bố hồi tháng 6/2019, Messi (Barcelona) chứng tỏ vị thế độc tôn ở thế giới bóng đá, khi cùng Ronaldo (Juventus) và Neymar (PSG) chiếm giữ ba vị trí hàng đầu.
Messi kiếm tới 127 triệu USD trong năm qua, còn Ronaldo (109 triệu USD) và Neymar (105 triệu USD ) xếp lần lượt ở hai vị trí số 2 và 3.
Trong khi đó, những ngôi sao của các môn thể thao khác như vận động viên quyền Anh Canelo Alvarez (xếp thứ 4 – 94 triệu USD), tay vợt Federer (xếp thứ 5 – 93,4 triệu USD) hay hai ngôi sao của làng bóng rổ Lebron James (89 triệu USD), Stephen Curry (79,8 triệu USD) đều không thể sánh với Messi hay Ronaldo.
Nhưng việc hai siêu sao hay nhất làng túc cầu thống trị bảng xếp hạng thu nhập của các vận động viên thể thao thế giới không chỉ đến từ tiền lương, mà còn nhiều khoản thu nhập bên lề. Cụ thể, Messi nhận 35 triệu USD tiền tài trợ và quảng cáo trong 12 tháng qua.
Trong đó, việc chân sút người Argentina ký hợp đồng trọn đời với hãng trang phục thể thao Adidas giúp anh nhận khoản thu nhập 27 triệu USD.
Ngoài ra, danh sách dài dằng dặc các công ty và đối tác tài trợ của Messi như hãng viễn thông Qatar Ooredoo, hãng sữa Trung Quốc Mengniu, đại gia thực phẩm – đồ uống PepsiCo, hãng game Konami, AirEuropa, MasterCard hay Dolce & Gabbana…. giúp chân sút 32 tuổi bỏ túi thêm 8 triệu USD.
Dù vậy, khả năng kiếm tiền ngoài sân của Messi vẫn còn kém người đứng thứ hai là Ronaldo. Nổi tiếng với khả năng sử dụng hình ảnh để tăng thu nhập, siêu sao người Bồ Đào Nha kiếm được 44 triệu USD bên ngoài sân cỏ trong năm vừa qua.
Để cạnh tranh với Adidas, hãng trang phục thể thao của Mỹ Nike trả cho Ronaldo 25 triệu USD một năm. Siêu sao của Juventus cũng là gương mặt vàng của nhiều thương hiệu như Tag Heuer, Herbalife, Castrol, Samsung, hay KFC.
Một biệt tài khác của Ronaldo là khả năng kinh doanh. Anh sở hữu thương hiệu thời trang, đồ lót cao cấp, nước hoa của riêng mình, bên cạnh hàng loạt các nhà hàng, khách sạn…
Năm 2015, cựu sao Real Madrid rót vốn 40 triệu USD vào Pestana Hotel Group, đồng thời sở hữu các khách sạn được đặt tại Lisbon và Funchal (quê nhà của Ronaldo ở Madeira, Bồ Đào Nha).
Năm 2016, Ronaldo góp chung vốn với công ty chăm sóc sức khỏe Crunch của Mỹ để mở phòng gym. Thậm chí vào tháng 3/2019, siêu sao 34 tuổi và bạn gái Georgina đã mở một trung tâm dịch vụ chống rụng tóc có tên Isparya ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha).
Chưa dừng lại ở đó, với sự bùng nổ của mạng xã hội và kỷ nguyên Internet, những bài đăng trên các tài khoản cá nhân như Instagram, Twitter hay Facebook cũng giúp các ngôi sao bóng đá kiếm bộn tiền.
Sở hữu tài khoản Instagram tới 128 triệu lượt người theo dõi, nhiều số 1 thế giới vào năm 2018, Ronaldo thu về 400.000 USD từ mỗi bài đăng quảng cáo trên Instagram cũng trong cùng năm (thống kê từ Izea). Năm 2019, số người theo dõi tài khoản cá nhân của Ronaldo đã lên tới 171 triệu người.
Rõ ràng, sức ảnh hưởng của bóng đá, môn thể thao vua đến đời sống là không thể bàn cãi. Nói như lời Kurt Badenhausen, biên tập của Forbes: “Những con số thu nhập bên ngoài sân cỏ của Messi, Ronaldo và Neymar đã nói lên tất cả”.
Các vận động viên bóng rổ cũng có thu nhập cao không kém Ronaldo và Messi. 35 trong tổng số 100 vận động viên thể thao kiếm tiền nhiều nhất năm 2019 đến từ môn bóng rổ, là môn thể thao chiếm số lượng nhiều nhất.
Tuy nhiên, khoản thu nhập của họ hầu hết đến từ tiền lương, và không thể so sánh với các ngôi sao bóng đá ở khoản thương mại.