KIDO và chiến lược lấp đầy gian bếp Việt

0
1623

Năm thứ 3 trong quá trình chuyển đổi từ chuyên sản xuất bánh kẹo sang thị trường thực phẩm thiết yếu, KIDO đang đặt ra một mục tiêu táo bạo: “lấp đầy gian bếp Việt”.

Trong năm 2017, Hội đồng quản trị KIDO đặt mục tiêu doanh số 7.700 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2016 và mức lợi nhuận dự kiến khoảng 490 tỷ đồng. Trong đó, mảng thực phẩm đóng gói dự kiến đóng góp 5.800 tỷ đồng với lợi nhuận dự kiến 240 tỷ đồng. Mảng thực phẩm đông lạnh có kế hoạch doanh thu 1.900 tỷ đồng, lợi nhuận 250 tỷ đồng. KIDO sẽ làm những gì để hoàn thành mục tiêu của mình?

Đại hội cổ đông độc đáo

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2017 mới được tổ chức hồi giữa tháng 6-2017 của Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KIDO) có nhiều điểm “đặc biệt”, trong đó phải kể đến thành phần cổ đông tham dự Đại hội. Khác với rất nhiều doanh nghiệp khác, ĐHCĐ của KIDO có rất nhiều vị cổ đông lớn tuổi tham dự. Đây là những người đã dành phần lớn cuộc đời mình lao động, có chút vốn tích cóp và muốn chọn một địa điểm uy tín để gửi gắm, giúp đồng vốn của mình có thể sinh sôi. Không chỉ người già, mà… trẻ em tham dự ĐHCĐ cũng nhiều. Một gia đình có thể có đến 3 thế hệ cùng tham dự ĐHCĐ. Mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau thưởng thức những sản phẩm của chính doanh nghiệp – nơi mà họ đang trực tiếp sở hữu một phần vốn góp. Đó là những sản phẩm thân thuộc, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi thành viên trong gia đình như bánh bao, kem, sữa chua…

Đặc biệt, tại siêu thị mini đặt ngay trong không gian tổ chức ĐHCĐ có không dưới 10 mặt hàng, là những sản phẩm của công ty đã sản xuất, liên kết sản xuất và phân phối hoặc có những sản phẩm mà doanh nghiệp này dự kiến sẽ đưa ra thị trường trong thời gian sắp tới. Dạo quanh siêu thị mini này một vòng với đầy đủ các mặt hàng từ hàng đông lạnh như kem, sữa chua, khoai tây chiên, rau củ đông lạnh… đến các loại thực phẩm đóng gói như dầu ăn, trà, cà phê, trà sữa, mì gói…; các loại gia vị như nước mắm, nước tương, tương ớt… đến các loại đồ hộp như xúc xích, thịt hộp… mới thấy rõ tham vọng cung cấp đầy đủ các mặt hàng trong chiến lược xâm nhập và mở rộng ngành thực phẩm và gia vị nhằm lấp đầy gian bếp Việt của KIDO. Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó TGĐ Tập đoàn KIDO kiêm TGĐ Vocarimex khẳng định: “Việc KIDO trở thành công ty thực phẩm đứng đầu trong khu vực nằm trong tương lai gần”.

Thực phẩm và gia vị: mảng kinh doanh cốt lõi

Ngay từ khi quyết định bỏ mảng bánh kẹo để bước chân vào mảng thực phẩm thiết yếu, KIDO đã nhìn thấy cơ hội ở phía trước, bởi xét về quy mô thị trường ở Việt Nam thì ngành thực phẩm thiết yếu đang có tới 50 triệu người tiêu dùng, trong khi ở lĩnh vực bánh kẹo chỉ 36 triệu người. Ngành thực phẩm và gia vị cũng là ngành có quy mô thị trường lớn, lên tới 193.500 tỷ đồng, trong đó ngành hàng khô có quy mô 70.300 tỷ đồng và ngành lạnh với quy mô 15.940 tỷ đồng.

Để tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho ngành kinh doanh cốt lõi, trong tờ trình ĐHCĐ năm nay, KIDO cũng thông qua phương án thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, trong đó ghi giảm các ngành nghề kinh doanh bất động sản và công trình xây dựng.

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ điều hành KIDO lý giải, KIDO muốn tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là thực phẩm thiết yếu. “KIDO không bỏ vốn trực tiếp vào ngành ngành bất động sản mà sẽ kết hợp với đối tác theo hình thức liên danh, liên kết khai thác các nguồn bất động sản hiện có của doanh nghiệp, chứ không chủ trương bỏ thêm vốn đầu tư vô mảng kinh doanh này”, ông Nguyên khẳng định. Điều này cũng gián tiếp cho thấy, KIDO không trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án Lavenue trên khu đất vàng thuộc đại lộ Lê Duẩn, TP.HCM như nhiều đồn đoán, mà chỉ góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Việc tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành hàng thực phẩm và gia vị, theo ông Nguyên là bởi KIDO có thể tận dụng được hệ thống kênh phân phối dày đặc hiện có trên khắp cả nước. Cụ thể, với mảng thực phẩm đóng gói hiện KIDO có khoảng 400.000 điểm bán hàng, 220 nhà phân phối và 2 nhà máy ở 2 miền Nam – Bắc. Với mảng thực phẩm đông lạnh, công ty hiện đang sở hữu 70.000 điểm bán hàng, 100 nhà phân phối và 2 nhà máy ở 2 miền Nam – Bắc. Đây là lợi thế lớn nhất giúp công ty nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.

Để tập trung mở rộng mảng kinh doanh cốt lõi, KIDO đặt mục tiêu đẩy nhanh hợp tác với các đối tác nước ngoài trong cùng ngành. Cụ thể, KIDO sẽ kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… để rút ngắn thời gian ra đời sản phẩm, nhanh chóng cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt, có thương hiệu. Dự kiến trong tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, KIDO sẽ liên doanh cùng đối tác Thái Lan tung ra sản phẩm tương ớt chất lượng cao – bước đi đầu tiên trong mảng nước chấm và tiếp tục mở rộng sang các mảng thực phẩm đóng gói có tiềm năng trên thị trường. Ông Nguyên cho biết, có thể đến cuối năm, KIDO sẽ trình làng các sản phẩm đồ uống từ sữa, từ trà có trên thị trường Việt Nam, bằng việc ký kết với các đối tác khác.

Lý giải về việc chọn Thái Lan làm đối tác sản xuất tương ớt, nước chấm, ông Nguyên cho biết, Thái Lan là đất nước có những sản phẩm nước chấm độc đáo, hơn hẳn các sản phẩm của thị trường Việt Nam. Đây cũng là đất nước có công nghệ, kỹ thuật chế biến gia vị hơn hẳn Việt Nam. Với việc hợp tác với đối tác Thái Lan, KIDO sẽ đa dạng hóa được sản phẩm, với nhiều sản phẩm dùng sẵn như tương ớt, tương xanh, sa tế… giúp người nội trợ tiện dụng hơn khi chế biến món ăn.

Ông Nguyên nhận định, việc kết hợp với các đối tác chiến lược giúp KIDO rút ngắn thời gian trở thành công ty cung cấp hầu hết các sản phẩm thực phẩm gia vị trong các hộ gia đình Việt. Tuy nhiên, “sản phẩm sẽ ra đời là thương hiệu của cả hai bên chứ không của riêng Thái Lan. Chỉ có công nghệ và kỹ thuật từ Thái Lan chuyển giao và khai thác tại thị trường Việt Nam”, ông Nguyên cho hay.

Bên cạnh đó, KIDO sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm. Cụ thể, KIDO thâm nhập ngành thực phẩm chế biến bằng việc sở hữu 50% vốn của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food – trực thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam), doanh nghiệp có quy mô trong ngành thực phẩm chế biến với các mặt hàng xúc xích, chả lụa, đồ hộp và có nhà máy giết mổ gà với công suất 25.000 con mỗi ngày. Với hoạt động này, KIDO sẽ toàn quyền quyết định về sản phẩm, thương hiệu và kênh phân phối. Bước đầu, các sản phẩm của Dabaco sẽ sử dụng hệ thống phân phối và đông lạnh sẵn có của KIDO để nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng trên khắp cả nước. Hiện nay, sản phẩm của Dabaco mới chỉ “phủ” được từ Hà Nội đến Hà Tĩnh.

Ngành thực phẩm và gia vị có quy mô thị trường lên tới 193.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, KIDO cũng quyết định nới room ngoại, nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Động thái này được ban lãnh đạo KIDO lý giải nhằm tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu KIDO, tham gia đóng góp giúp KIDO nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường nội địa và khu vực Đông Nam Á. Việc nhà đầu tư ngoại tham gia sâu hơn vào tập đoàn cũng sẽ giúp tăng tính thanh khoản, cải thiện khả năng huy động vốn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giúp tập đoàn có thêm nguồn vốn để mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động mua bán và sáp nhập.

Dầu ăn và kem: gà đẻ trứng vàng cho KIDO

Đối với ngành hàng thực phẩm thiết yếu, hiện dầu ăn vẫn là sản phẩm cốt lõi khi đóng góp tới 43,7% trong tổng doanh thu của toàn tập đoàn. Mảng này dự kiến mang lại doanh thu khoảng 5.800 tỷ đồng và lợi nhuận 240 tỷ đồng trong năm 2017.

Vừa qua KIDO đã liên tục thâu tóm 65% vốn điều lệ của Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC) và nâng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex – VOC) lên 51%, trở thành doanh nghiệp nắm giữ thị phần đáng kể trong ngành dầu ăn.

“Hiện nay, với sự hỗ trợ và tham gia quản lý điều hành từ KIDO, VOC vẫn đang trên đà thay đổi và ngày càng hoàn thiện với nhiều thành quả đáng ghi nhận. KIDO kỳ vọng sẽ hoàn tất việc hợp nhất VOC trong quý 2 năm nay. Với việc kết hợp này, KIDO sẽ trở thành một trong những công ty sản xuất dầu ăn lớn nhất Việt Nam, ước tính chiếm hơn 30% thị phần ngành hàng”, ông Nguyên cho hay.

Không chỉ dừng lại ở dầu ăn, tương ớt… thời gian tới, KIDO sẽ tiếp tục đa dạng danh mục ngành hàng, trong đó bước đầu là việc trở thành nhà phân phối cà phê, trà và gạo… cho một số doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở ngành hàng đông lạnh, kem và sữa chua đang là những sản phẩm chủ lực của KIDO. Riêng mảng kem, theo đánh giá của KIDO, công ty đang chiếm tới 35% thị phần và mảng này đóng góp tới 45,3% doanh thu cho tập đoàn trong năm 2016. Trong khi đó mảng sữa chua đóng góp xấp xỉ 16% doanh thu.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở kem, sữa chua hay bánh bao, bằng việc mua lại Dabaco, KIDO sẽ tiến sâu vào lĩnh vực thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt heo, thịt gà…Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu tự tin khẳng định: “KIDO tham gia ngành hàng nào thì trật tự ngành hàng đó sẽ được thiết lập lại và sắp xếp lại”.

Thế mạnh của KIDO

“Tiềm lực tài chính, nền tảng công nghệ, sự am hiểu khẩu vị người tiêu dùng Việt và năng lực thực thi hiệu quả sẽ tiếp tục là thế mạnh cốt lõi của KIDO. Chính nhờ những thế mạnh cốt lõi trên mà chúng tôi vô cùng tự tin về tiềm năng phát triển lớn mạnh của tập đoàn trong tương lai”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KIDO tự tin cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu cũng không ngần ngại chia sẻ: “Tiền và kinh nghiệm là những thứ không bao giờ thiếu ở KIDO”.

Quả thực, bên cạnh kinh nghiệm thương trường dày dặn của anh em nhà họ Trần, KIDO là một trong số không nhiều doanh nghiệp Việt Nam có lối kinh doanh bài bản, chắc chắn và có lượng tiền mặt dồi dào.

Năm 2017, KIDO đặt kế hoạch 7.700 tỷ đồng doanh thu, trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 490 tỷ đồng. Ông Trần Lệ Nguyên lý giải, Tập đoàn vừa có thêm gần 700 tỷ đồng từ IPO KIDO Food, cộng thêm 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (theo kế hoạch) và thặng dư khoảng 1.900 tỷ đồng của năm 2016, thì tổng lợi nhuận chưa phân phối năm 2017 sẽ trên 3.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyên, số tiền này đủ để KIDO đầu tư vào các ngành hàng mới và khẳng định: “Công ty còn rất nhiều tiền để đầu tư nhưng chỉ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu, mang lại lợi nhuận lâu dài và hiệu quả nhất cho cổ đông”.

“Ngoài ra, hiện một số nhà đầu tư Singapore, Indonesia và Malaysia muốn mua lại 50 triệu cổ phiếu quỹ, nhưng công ty quyết định chỉ bán với mức giá trên 50.000 đồng một cổ phiếu. Nếu thương vụ này hoàn tất, công ty dự kiến thu về 2.500 tỷ đồng và sẽ tiến hành trả cổ tức bất thường cho cổ đông như đã từng chia cổ tức với tỷ lệ 200% cho cổ đông khi bán đi mảng bánh kẹo”, ông Nguyên cho biết thêm.

Nhìn vào báo cáo tài chính của KIDO năm 2016 có thể thấy, trong năm 2016, chi phí hoạt động của KIDO tăng mạnh, lên tới 973 tỷ đồng, tăng 22% so với 2015. Mức tăng này được công ty lý giải là để dùng cho tiếp thị, cơ sở hạ tầng bán hàng và phân phối là 520 tỷ đồng, tăng 10% so với 2015. “Chi phí này tăng do việc mở rộng hoạt động kinh doanh đối với sản phẩm đông lạnh, cộng thêm một số chi phí tái cơ cấu và sáp nhập đối với hoạt động kinh doanh dầu ăn”, ông Nguyên cho hay.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 31/12/2016, nợ thuần của công ty tăng 772 tỷ đồng so với năm trước là 1.078 tỷ đồng do tăng chi phí vốn đầu tư vào dự án kem. Kết quả là chi phí lãi vay tăng từ 21,8 tỷ đồng năm 2015 lên 38,6 tỷ đồng trong năm 2016, nhưng lãi suất trung bình vẫn ở mức tương tự như năm 2015 là 5,1%/năm. Điều này đã phản ánh tình hình tài chính lành mạnh và việc sử dụng đòn bẩy tài chính hết sức thận trọng của KIDO.

Với tất cả thế mạnh của mình “KIDO tự tin trở thành một trong số công ty thực phẩm lớn nhất Việt Nam trong khoảng 2-3 năm nữa, còn trước mắt là đạt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng trong năm 2018”, ông Trần Lệ Nguyên khẳng định.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here