Không dựa vào mẫu mã, chiến lược nào giúp Uniqlo trở nên phổ biến trên toàn thế giới?

0
647

Không giống như H&M hay Zara tạo ra những sản phẩm thời trang sành điệu rồi mang bán với giá cực rẻ, Yanai tin rằng những mặt tốt trong sản phẩm của Uniqlo sẽ không thể được nhìn ra ngay lập tức, cũng giống như đế giày của Christian Louboutin vậy. Công nghệ Uniqlo áp dụng vào quần áo của mình không thể nhìn thấy mà chỉ có thể cảm nhận được khi khách hàng chạm vào chất liệu hay mặc chúng.

Trung tâm thương mại Tokyo Midtown mall, Tokyo, một chiều tối thứ 4 mưa phùn. Tadashi Yanai đang rảo bước nhanh qua những cửa hàng, rồi dừng bước tại một quầy bán hamburger.

“Một chiếc hambuger truyền thống chỉ cần bánh mỳ và thịt kẹp” Yanai nói.

… Tuy nhiên, sau đó anh sẽ muốn nhiều hơn thế. Anh sẽ cho thêm dưa chua và rau diếp. Anh có thể thêm cả tương cà hay mù tạt, tùy thuộc vào sở thích và vị giác. Chỉ sau khi thỏa mãn bản thân như vậy, chúng ta mới có một chiếc hamburger tuyệt vời”, Yanai nói tiếp.

Câu nói của Yanai, có lẽ không chỉ để nói về chiếc hamburger ông đang ăn. Rẽ vào một cửa hàng Uniqlo, Yanai đưa tay đến một chiếc áo nỉ xám có giá 20 USD. Một chiếc áo nỉ bình thường, bình thường tới nỗi khi mặc vào, chắc hẳn sự quyến rũ của người mặc sẽ được “ẩn” đi hết.

“Cái áo này giống như một chiếc hamburger truyền thống. Nó không có gì ngoài bánh và thịt kẹp. Anh sẽ không thể tìm thấy những dấu ấn thiết kế ở đây. Nhưng chúng tôi vẫn bán nó, bởi năm ngoái, nó đã bán được với số lượng lớn”. Yanai ngừng nói đôi chút, và nhìn về phía tôi. “Anh sẽ mặc nó chứ?”

Tôi nghĩ câu trả lời là không. Nhưng những lời nói của Yanai thật ám ảnh. Một chiếc áo nỉ xám bình thường và đơn giản tới mức có thể mua ở bất kỳ đâu, lại đang biến công ty của ông trở thành một đế chế xếp thứ 3 trong ngành bán lẻ thời trang.

Tadashi Yanai, nhà sáng lập và chủ thương hiệu thời trang Uniqlo, là tỉ phú giàu có nhất Nhật Bản với tổng tài sản đạt trên 21 tỉ USD trong năm 2016. Từ một thương hiệu không ai biết tới, Yanai cho xây cả một trường đại học Uniqlo giữa lòng Tokyo, đào tạo ra 1.500 quản lý cửa hàng mới mỗi năm để mang đi “rải” khắp thế giới. Những thương vụ mua bán sáp nhập đình đám cũng được Uniqlo thực hiện như việc mua lại Barney vào năm 2007 hay đánh tiếng mua Gap vào năm 2009.

“Ông ấy được xem như Warren Buffett của Nhật Bản”, Shin Odake, COO của Uniqlo Mỹ nói.

Câu chuyện về hành trình của Tadashi Yanai với Uniqlo cũng rất giống với câu chuyện làm sao để biến 1 chiếc hamburger chỉ có bánh mì và thịt thành một chiếc hamburger tuyệt vời. 20 năm trước, Uniqlo khi đó tự gọi mình là “Old Navy của Nhật Bản dù không tốt bằng”. Tại thủ đô Tokyo, thậm chí Uniqlo còn không có cửa hàng nào. Ngày nay, Uniqlo bán đủ thứ, từ áo sơ mi, quần bò, blazer,… với 1.800 cửa hàng đặt tại 18 quốc gia trên toàn thế giới.

Bên cạnh những chiếc áo nỉ vô danh, Uniqlo cũng tung ra những bộ sưu tập của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới như Jil Sander hay Charlotte Ronson. Các sản phẩm của Uniqlo được đánh chất lượng vào loại tốt nhất so với các nhà bán lẻ toàn cầu khác như Zara hay H&M. Trong năm tài chính 2016, doanh thu của Uniqlo đạt khoảng 1,78 triệu tỉ yên, tương đương khoảng 16 tỉ USD, chỉ xếp sau Inditex (Zara) và H&M.

Tất cả những thành quả đó vẫn chưa thể thỏa mãn Yanai. Mục tiêu của vị doanh nhân 68 tuổi này, đó là trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020. Ông muốn xuất khẩu “phong cách Uniqlo” tới từng người đàn ông, phụ nữ và cả trẻ nhỏ trên toàn cầu. Từ London, Paris, Matxcova, Thượng Hải, New York cho tới Philippines, Indonesia, Ấn Độ và trong năm tới chính là Việt Nam.

Dù được mệnh danh là Buffett của Nhật Bản, nhưng đối với đa số người Nhật, sự thành công của Uniqlo vẫn có chút bí ẩn. Năm 1984, Fast Retailing – công ty chủ quản của Uniqlo khai trương cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này tại Hiroshima, Nhật Bản. Uniqlo là từ ghép của cụm từ “Unique Clothing Warehouse” chuyên bán hàng thời trang giá rẻ.

Dù có từ “Unique” (khác biệt) trong tên nhưng sự thực là gần như không có gì đặc biệt tại các cửa hàng Uniqlo. Ở đây bày bán quần áo thể thao của Nike, Adidas và nhiều thương hiệu ngoại khác. Bên cạnh việc nhập hàng của các thương hiệu nổi tiếng, Yanai cũng cố gắng để sản xuất quần áo có thương hiệu của riêng mình. Và vận may đã tới khi cuộc khủng hoảng Nhật Bản đầu những năm 90 nổ ra.

Khủng hoảng kinh tế đã gây tổn hại nặng nề cho Nhật Bản bỗng trở thành “cơn mưa” mang tới cơ hội phát triển cho Uniqlo. Thời trang giá rẻ của Uniqlo nhanh chóng lên ngôi khi nó thỏa mãn tốt nhu cầu của những gia đình muốn cắt giảm mạnh chi tiêu. Những cửa hiệu của Uniqlo mọc lên như nấm. Tới năm 1998, Uniqlo đã có khoảng 300 cửa hàng. Với số lượng cửa hàng ngày càng nhiều, Uniqlo tiếp tục giảm được giá thành sản phẩm nhờ vào việc yêu cầu những đơn hàng lớn hơn.

“Unisex, ngoại ô và khắp mọi nơi”. Đó là những gì Dairo Murata, một chuyên gia phân tích trong lĩnh vực bán lẻ của Credit Suisse định nghĩa về Uniqlo thời điểm đó. Để mở được với tốc độ nhanh như vậy, chiến lược của Uniqlo đó là không mở cửa hàng tại trung tâm thành phố lớn mà chỉ đặt tại khu vực ngoại ô và ven đường.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here