Khởi nghiệp: Làm gì sau khi gọi vốn thành công?

0
575

Một số bạn trẻ – những người đang xây dựng các công ty khởi nghiệp (start-up) nghĩ rằng gọi được vốn từ quỹ đầu tư là đã thành công. Thật ra, đây mới chỉ là khởi đầu một con đường mới lắm gian nan và nhiều áp lực.

Việc đầu tiên cần làm

“Sau khi nhận được tiền từ quỹ đầu tư, việc đầu tiên các công ty khởi nghiệp cần làm trong nhiều trường hợp không phải là tiêu tiền mà là cập nhật lại bản kế hoạch kinh doanh”, ông Đào Việt Thắng, Giám đốc phát triển thị trường của Vexere – một công ty bán vé xe khách qua mạng, chia sẻ. Chuyện nghe có vẻ lạ vì kế hoạch kinh doanh đã được thỏa thuận rồi thì sao phải cập nhật lại?

Theo ông Thắng, sau khi hai bên đã đạt các thỏa thuận, bước tiếp theo là tiến hành ký hợp đồng mua bán cổ phần và làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh. Việc này mất khá nhiều thời gian. Giai đoạn từ lúc chốt thỏa thuận đến khi tiền vào tài khoản của công ty ông dưới ba tháng.

Tại Việt Nam, chuyện hồ sơ giấy tờ vẫn cần giấy trắng mực đen với chữ ký sống của các bên tham gia. Chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu quỹ đầu tư làm việc ở Việt Nam, nhưng trong nhiều trường hợp, các quỹ ở nước ngoài, hồ sơ phải gửi đi, gửi lại. Một sai sót nhỏ cũng phải chỉnh sửa và ký lại từ đầu, chưa kể việc nhân sự cấp cao của quỹ thường di chuyển liên tục giữa nước này với nước khác. “Ngay trong chuyện giấy tờ giữa công ty và quỹ đã vậy thì việc nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước còn phức tạp hơn. Chuyện này chúng tôi thuê một đơn vị tư vấn luật thực hiện nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra nhanh chóng”, ông Thắng chia sẻ.

Và với khoảng thời gian ba tháng thì tình hình đã khác so với lúc lập kế hoạch. Các công ty khởi nghiệp không thể áp kế hoạch của ba tháng trước vào kế hoạch hiện tại mà phải cập nhật lại kế hoạch kinh doanh và chi tiêu hàng tháng ngay khi nhận được vốn.

Ông Đặng Hoàng Minh, Giám đốc điều hành của Foody (chuyên cung cấp thông tin về quán ăn, nhà hàng), chia sẻ: khi nhận được vốn là bạn đã phải nghĩ đến vòng gọi vốn tiếp theo.

Với nhiều công ty khởi nghiệp, việc chia lợi nhuận cho quỹ đầu tư sau ba năm đầu thường không dễ dàng. Các quỹ cũng hiểu điều đó. Do vậy, trong kế hoạch kinh doanh, với số vốn được rót, bạn hãy viết rõ các mục tiêu cần thực hiện. Việc thực hiện tốt các mục tiêu đó là điều kiện quan trọng để thuyết phục quỹ đi tiếp với công ty.

Trong kế hoạch kinh doanh, với số vốn được rót, bạn hãy viết rõ các mục tiêu cần thực hiện. Việc thực hiện tốt các mục tiêu đó là điều kiện quan trọng để thuyết phục quỹ đi tiếp với công ty.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Foody chính thức nhận vốn đầu tư từ quỹ Tiger Global Management. Câu chuyện thương lượng giữa họ bắt đầu từ cuối năm 2014, thỏa thuận các điều khoản trong ba tháng, hoàn tất thủ tục trong bốn tháng. Theo CEO của một công ty khởi nghiệp khác, thời gian ba tháng để Foody và Tiger Global Management chốt thỏa thuận là rất nhanh.

Như vậy, các công ty khởi nghiệp cần lường đến khoảng thời gian chờ đợi trong kế hoạch gọi vốn vòng hai của mình.

“Đi” cùng quỹ như thế nào?

Theo ông Thắng, khi đã lên cùng con thuyền và tiến về một hướng, việc quỹ hỗ trợ công ty là điều hiển nhiên, “do vậy, đừng ngại khi nhờ các quỹ hỗ trợ”. Ông Thắng chia sẻ thêm, ngay khi Vexere chạy dự án sau khi được CyberAgent rót vốn, công ty đã được quỹ mạo hiểm này hỗ trợ rất nhiều trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự, quy trình vận hành và quản trị chiến lược.

Ông Thắng nói: “Nếu đi một mình, chúng tôi phải tự hỏi mình về chiến lược, về quản lý, về hoạt động hàng ngày. Có quỹ vào, có thêm một người hỏi chúng tôi. Tuy tốn thời gian trả lời nhiều hơn, tốn thời gian báo cáo nhiều hơn, nhưng như vậy là hoàn toàn bình thường. Họ không hỏi gì mới là bất thường. Và đôi khi, những câu hỏi chất vấn của họ giúp công ty nhận ra nhiều điều”.

Tương tự, The Coffee House (TCH) – một công ty khởi nghiệp do Nguyễn Hải Ninh lập nên cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hai quỹ đi cùng là Seedcom và một quỹ khác không muốn nêu tên. “Ngoài việc rót vốn, Seedcom giúp chúng tôi nhiều trong việc vận hành một chuỗi cửa hàng cà phê; quỹ còn lại hỗ trợ chúng tôi trong việc thiết kế phong cách của quán, tiếp thị, xây dựng thương hiệu, tư vấn chiến lược”, ông Ninh cho biết.

Ông nhớ lại: “Khi tôi thuyết trình về kỳ vọng kinh doanh đi liền với kết quả nền kinh tế vĩ mô, đại diện quỹ nói họ không quan tâm kinh tế vĩ mô, dù kinh tế vĩ mô như thế nào, dù thị trường có xấu thế nào thì chúng tôi cũng phải làm cho tốt”. Ông Ninh nhìn nhận những yêu cầu khắt khe của quỹ đầu tư là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp được thử thách trước khi bị thị trường thử thách.

Tuy vậy, cũng theo ông Ninh, khi xảy ra bất đồng, đặc biệt là về tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, người sáng lập công ty cần bảo vệ quan điểm của mình, bởi đó là cái hồn của công ty, cái lý do để công ty tồn tại. Suy cho cùng, các quỹ đầu tư vào một start-up là đầu tư vào con người của start-up đó. Khi họ không tôn trọng người sáng lập và người sáng lập cũng không bảo vệ được quan điểm của mình thì xét trên một khía cạnh nào đó, cả hai bên đều thất bại.

Bổ sung thêm cho góc nhìn của mình, ông Thắng cho rằng: “Dù thế nào thì cũng đừng để đối tác bất ngờ. Không ai muốn bị động cả”.

Ai sẽ là người gọi vốn tiếp theo?

Theo nhìn nhận chung, trong nhiều trường hợp, vai trò gọi vốn ở những vòng tiếp theo thường được mặc định giao cho quỹ đầu tư, lý do là vì các quỹ có mối quan hệ rộng và họ hiểu về các nhà đầu tư hơn các công ty khởi nghiệp. Quan trọng nhất, các start-up cần tập trung đạt được những cột mốc đặt ra trong kế hoạch. Mỗi người nên tập trung làm điều mình giỏi nhất.

Nói vậy không có nghĩa công ty khởi nghiệp không có tiếng nói trong vấn đề này. Theo ông Đặng Hoàng Minh, mỗi giai đoạn khác nhau, công ty cần một dạng quỹ đầu tư khác nhau. Khi đã đủ lớn, họ cần những quỹ mang đến cho họ cơ hội mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, định vị chiến lược… hơn là các khoản đầu tư tài chính.

Vấn đề là không phải lúc nào các chủ thể cũng đạt được điều mình cần. Trên thực tế, cả quỹ đầu tư và công ty nhận sự đầu tư đều muốn hoạt động kinh doanh diễn ra như mong muốn, nhưng mục đích của hai bên hoàn toàn khác nhau. Công ty muốn “đứa con” của mình ngày càng lớn đơn giản vì đó là “đứa con” của mình; còn quỹ muốn đứa con này lớn để họ thoái vốn dễ dàng hơn. Mỗi quỹ đầu tư phù hợp với một quy mô đầu tư nhất định. Họ có nguyên tắc riêng. Khi công ty lớn quá mức đầu tư của họ, họ sẽ rút lui để thu hồi vốn và đầu tư vào một vòng đời start-up khác, do vậy, công ty cần tỉnh táo chọn bạn cho một đoạn đường mới của mình.

Trong câu chuyện gọi vốn này, ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên tại quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent, chia sẻ: “Ai đứng ra gọi vốn không quan trọng. Quan trọng là hai bên phải thống nhất và tin tưởng nhau, tránh việc cả hai cùng tìm đến một quỹ đầu tư nhưng lại đưa ra các con số khác nhau. Điều này rất nguy hiểm”.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here