Nội Dung Chính
Mặc dù đã có những cải tiến về phương thức phát sóng cùng hạ giá cước mạnh tay, nhưng các đài truyền hình truyền thống, điển hình như K+ vẫn đang đối mặt với những thách thức để có được lợi nhuận trong các năm tới.
Giấc mơ phát triển thần tốc lĩnh vực truyền hình trả tiền xem ra vẫn còn xa lắm. Điển hình như đài truyền hình kĩ thuật số K+, một liên doanh giữa Đài truyền hình Việt Nam VTV và Đài truyền hình Canal Plus của Pháp vẫn tiếp tục sinh ra những khoản lỗ khủng và chưa tìm ra được lối thoát.
Đầu tư lớn, lỗ lớn
Tính đến 2015, tổng số lỗ lũy kế của K+ lên đến 1.979 tỷ đồng và là một trong những khoản kinh doanh bết bát mà đài truyền hình VTV đang chịu áp lực phải tái cơ cấu. Thực tế thì tính đến cuối 2015, tổng số lượng thuê bao của K+ vào khoảng 800.000 lượt, doanh thu đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm, nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí. Và tương lai của K+ xem ra vẫn còn mù mịt. Báo cáo cho năm tài chính 2016 chưa được công bố chi tiết, nhưng theo Phó tổng giám đốc VTV Nguyễn Thành Lương, khoản lỗ mà K+ dự kiến trong năm này sẽ là 260 tỷ đồng và có thể sẽ giảm xuống còn 120 tỷ đồng vào 2017.
Hai doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực truyền hình vệ tinh của K+ là VTC và Truyền hình An Viên (nay đã thuộc về MobiFone) cũng phải chịu kết quả kinh doanh khá ảm đạm, mặc dù năm 2016, Truyền hình VTC đã khắc phục được khoản lỗ lũy kế nhờ kinh doanh thêm lĩnh vực thanh toán ví điện tử.
Tính đến 2016, cả nước có khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền với số lượng thuê bao lớn nhất thuộc về hai ông lớn truyền hình cáp là SCTV và VTV Cab. Tổng doanh số đạt được là khoảng 12.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền rất khốc liệt, do số lượng doanh nghiệp tham gia cuộc chơi quá đông, nội dung thì đồng đều và thị trường khai thác vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở 4 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Nếu như K+ đang đứng ở vị trí thứ 3 mà còn thua lỗ thì một loạt các tên tuổi đứng phía sau như VTC, MobiTV, Viettel, FPT, HCTV… chắc chắn cũng chẳng sáng sủa gì. Đầu tư lớn, lợi nhuận nhỏ giọt chính là thách thức cho các đơn vị truyền hình. “Truyền hình đang thực sự gặp nhiều rất nhiều khó khăn”, giám đốc nội dung một kênh truyền hình trả tiền tại TP.HCM thừa nhận. Để cạnh tranh được các đài đã mạnh tay hạ giá, dẫn đến giá cước các gói dịch vụ truyền hình tại Việt Nam hiện đang nằm ở nhóm thấp nhất thế giới. Điển hình như năm 2016, K+ đã giảm gần một nửa giá cước thuê bao hàng tháng xuống chỉ còn 125.000 đồng. Chiến lược này được kỳ vọng sẽ giúp số lượng thuê bao gia tăng, giành lấy thị phần, nhưng trước mắt doanh thu trong các năm tới có thể không đủ bù chi phí. Bởi chỉ tính riêng “con gà đẻ trứng vàng”, mang lại danh tiếng và vị thế cho K+ là Giải Ngoại hạng Anh tiếp tục tạo áp lực về giá bản quyền cho 3 mùa bóng 2016- 2019 tăng mạnh 12% lên đến con số 46 triệu USD.
Lộ diện những đối thủ lớn
Theo kết quả nghiên cứu của một số công ty tư vấn hàng đầu thế giới, hành vi của khán giả màn hình nhỏ Việt Nam đối với các kênh truyền hình đang có những thay đổi đáng kể. Điển hình theo Asia Plus, người trẻ có xu thế dành nhiều thời gian hơn để xem các video online như YouTube, Zing TV, Nhaccuatui.com… Trong khi những người trên 30 tuổi thì xem tivi nhiều hơn. Mặc dù vậy, có tới 45% người trả lời khảo sát cho biết, họ xem TV ít hơn cách đây một năm.
Trung bình mỗi ngày, người Việt dành ra đến 134 phút để lướt internet trên máy tính, 103 phút lướt web trên di động, trong khi chỉ dành 91 phút để xem TV.
Trung bình mỗi ngày, người Việt dành ra đến 134 phút để lướt internet trên máy tính, 103 phút lướt web trên di động, trong khi chỉ dành 91 phút để xem TV. Một báo cáo khác của Nielsen vào năm 2016 cho thấy, Việt Nam đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến mỗi tuần với 92% người được hỏi nói rằng, họ xem video trực tuyến hàng tuần. Điện thoại thông minh và máy tính bảng đang dần là hai thiết bị được sử dụng nhiều nhất để xem video trực tuyến. Những thể loại yêu thích của người Việt luôn là các nội dung như: phim ảnh, ca nhạc, phim truyền hình nước ngoài đến tin tức thời sự. Tính đa dạng, sinh động và hấp dẫn của các video trực tuyến là một điểm mạnh mà các mạnh xã hội mang lại khiến cho người dùng ngày càng gắn kết.
Rõ ràng, để phù hợp với xu thế hiện nay, các đài truyền hình trong nước cần phải sáng tạo hơn về mặt nội dụng, tạo ra các chương trình hấp dẫn hơn đối với khán giả, nhất là giới trẻ. Một số đài như K+, FPT Telecom, MobiFone… cũng bắt đầu đầu tư vào các sản phẩm truyền hình trực tuyến, dựa trên nền tảng internet để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Mức phí của gói tivi trực tuyến này cũng gần tương đương với các gói dịch vụ truyền hình truyền thống mà các đài này cung cấp. Tất nhiên, hiệu quả thực tế thì còn cần phải chờ.
Một thách thức khác cho các đài còn đến từ tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan – một đặc trưng của thị trường Việt Nam mà chưa có nhiều biện pháp xử lý hiệu quả. Mới đây, giải bóng đá hàng đầu châu Âu là Champions League (C1) chính thức dừng phát sóng tại Việt Nam, vì chưa xử lý dứt điểm vấn đề bản quyền. Chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với hình ảnh và kết quả kinh doanh của VTV Cab – đơn vị độc quyền sở hữu bản quyền phát sóng Champion Leagues – bởi bóng đá châu Âu là nội dung khó có thể thiếu được trên các đài truyền hình để thu hút khán giả.
Trước thực trạng cạnh tranh quyết liệt của thị trường truyền hình trả tiền hiện nay, thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra những đợt sàng lọc, trong đó sẽ có những người rời bỏ cuộc chơi khi thiếu vắng nguồn lực đủ mạnh. Năm 2016, cổ đông lớn nhất của K+ là VTV đã có kiến nghị gửi Chính phủ sẽ thoái vốn khỏi đài truyền hình này nếu áp dụng mọi biện pháp mà không cải thiện được kết quả kinh doanh. Ngoài ra, VTV cũng đang có kế hoạch giảm bớt tỷ lệ sở hữu ở VTV Cab và SCTV theo chỉ đạo của Chính phủ.