Có lẽ trong lịch sử nền kinh tế thị trường hiếm có mặt hàng công nghệ nào được săn đón, mộ điệu đến… vật vã như những chiếc điện thoại Iphone của Apple.
Từ những chiếc Iphone 3 lần đầu chỉ được truyền tai nhau ở Việt Nam cho đến những thế hệ tiếp theo đã “gây nghiện” hàng tỷ người tiêu dùng trên khắp thế giới.
Cứ mỗi lần “táo khuyết” tung ra sản phẩm mới, dù chưa thấy rõ hình hài nhưng cũng đủ gây ra những cuộc cãi vã tranh luận khắp nơi. Hàng chưa về nhưng cả đoàn người xếp hàng mấy ngày liền chỉ để được móc hầu bao sở hữu khối kim loại mát lạnh chứa trong đó cả “bầu trời công nghệ”.
Thế giới điện tử viễn thông phải ngã mũ thán phục trước thành công của hãng công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nó khiến người tiêu dùng mê mệt dù giá không hề rẻ. Chiếc Iphone X được định giá ở Việt Nam lên tới 50 đến 70 triệu đồng 1 chiếc. Nhưng giá cả chẳng thành vấn đề! Đỉnh cao công nghệ của Iphone đúng là không có gì bàn cãi.
Nhưng người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Giá trị thật của Iphone là bao nhiêu? Chiếc điện thoại suy cho cùng cũng chủ yếu để đàm thoại. Nhưng lạ ở chổ dù sỡ hữu một chiếc điện thoại khác hãng cùng mức giá, song cầm trên tay chiếc Iphone mới thật sự sang trọng!?
Cũng dễ thấy, Apple hay Samsung, Microsoft Blackberry hay Huawei… đều cùng sử dụng các thành tố như nhau, cùng chia sẻ chung một nguồn lực như nhau và họ (Apple) cũng không phải là nơi nghĩ ra đầu tiên các sản phẩm như máy nghe nhạc, máy tính bảng hay smartphone. Tại sao người ta lại mua iPods thay vì Zunes, chọn iPhone hơn là chứ không phải những chiếc BlackBerry, thích thú với IOS đỏng đảnh hơn là Windowphone gần gũi?
Không biết ở nước ngoài ra sao nhưng ở Việt Nam, Apple chưa hề quảng cáo sản phẩm của mình trên tivi hoặc báo chí, hay là Apple không sử dụng chiêu Marketing thông thường đó? Nhưng tất cả những gì mà Steve Jops cho đến Tim Cook và các cộng sự của ông có được là sự mê mệt của người dùng, là sự bàn tán về Iphone khắp nơi, là sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Phải chăng chính tâm lý khách hàng đã mang lại thành công rực rỡ cho Apple?
Mọi khác biệt chỉ có thể đến từ Marketing. Ai chắc rằng mấy người xếp hàng ngoài kia liệu có phải chỉ đơn giản muốn mình là người đầu tiên được cầm trong tay chiếc Iphone? Không hẳn vậy. Họ làm thế là để thể hiện cái tôi của mình. Chiến thuật Marketing của Apple thúc đẩy thứ ham muốn đó. Họ lôi kéo mọi người tập hợp lại một cách vô thức xung quanh một “lý tưởng chung” bằng sự kết hợp tài tình các chiến thuật tiếp thị, tâm lý và xã hội.
Iphone, Ipad liệu có “cháy” trong suốt quãng thời gian tồn tại của mình như người ta vẫn nghĩ. Thật sự là không, chiêu tiếp thị tâm lý đã tạo ra một nghịch lý là càng về cuối của một đời Iphone thì hàng tồn kho càng nhiều. Dù đã ra tới Iphone thế hệ thứ 10 nhưng khách hàng vẫn dễ dàng mua một chiếc Iphone 5 mới cóng, chính hãng.
Chiến thuật tiếp thị tâm lý gây sốt của Apple biến sản phẩm của họ như trở thành một thứ tôn giáo, cứ mỗi sản phẩm mới ra mắt lại khiến sự sùng bái tăng lên. Họ không cần cầm trên tay sản phẩm của mình và nói “nó tốt nhất thế giới” nhưng hầu hết người dùng đều gọi nó là “siêu phẩm”.
Dù có thích Apple hay không, thì chiến thuật marketing của họ quả là một thứ rất đáng gờm – một chiến thuật vẫn chưa có công ty công nghệ nào khác bắt chước được.