Nội Dung Chính
Chủ tịch HĐQT Vingroup từng nói rằng: “Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và có lẽ sẽ không bao giờ có đỉnh”. Phải chăng chính tư duy ấy và triết lý “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” là động lực đưa Vingroup tiến tới vị trí số 1 và có thể còn xa hơn nữa.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup là một trong số ít doanh nhân thành đạt nhưng rất kiệm lời. Hầu hết thông tin về ông, cho đến nay phần nhiều đến từ những bàn luận sau những dự án “khủng” mà Vingroup không ngừng dựng xây trong hơn 10 năm qua.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, Vingroup – một tập đoàn tư nhân sinh sau đẻ muộn, nhưng đã nhanh chóng vượt mặt tất cả các ông lớn nhà nước trong ngành xây dựng Việt Nam đã có bề dày kinh nghiệm như Vinaconex, Sông Đà, HUD… để trở thành công ty bất động sản lớn nhất cả nước. Điều quan trọng là Vingroup đã góp phần mang lại sự thay đổi trong tư duy, phong cách sống, khái niệm khu đô thị và nhà chung cư tại Việt Nam.
Khởi nghiệp từ mỳ gói
Trong vòng 5 năm trở lại đây, các thương hiệu gắn liền với chữ “Vin” xuất hiện trên khắp các lĩnh vực, từ trung tâm thương mại Vincom, những khu đô thị cao cấp Vinhome, khu vui chơi giải trí Vinpearl, bệnh viện, trường học với thương hiệu Vinmec và Vinschool. Không chỉ công trình lớn, Tập đoàn Vingroup cũng ghi dấu ấn của mình ở nhiều lĩnh vực khác như chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart và nông sản VinEco.
Tiền thân của tập đoàn Vingroup là công ty Technocom, một công ty chuyên sản xuất mì gói được thành lập năm 1993 tại Ukraina. Trên tờ Tin tức Kharkov của Nga, cựu thị trưởng Kharkov, ông Mikhail Pilipchuk đã lý giải khởi nguồn thịnh vượng của vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại thành phố này: “Tên của ông Vượng trong tiếng Việt nghĩa là “sự phồn vinh”. Tờ báo địa phương này viết và ghi nhận sự phồn vinh của vị tỷ phú này: “Khởi nguồn từ thành phố Kharcov vào những năm 1990 khó khăn của Ucraina”. Tờ báo còn nêu rõ, trong lịch sử của thành phố cũng đã có những doanh nhân lớn, song với tỷ phú, hơn nữa lại là người nước ngoài thì mãi gần đây mới có. Và vị tỷ phú người nước ngoài đầu tiên tại đây là Phạm Nhật Vượng, người đã tạo nên những kỳ tích mang tên Việt Nam.
Ông Mikhail Pilipchuk kể lại rằng, đầu những năm 1990, sau khi tốt nghiệp trường Địa chất thăm dò Moscow, ông Phạm Nhật Vượng cùng vợ quyết định đến Kharkov (Ukraine) sinh sống. Tại đây, câu chuyện khởi nghiệp từ mì gói huyền thoại của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bắt đầu.
Vào những năm khủng hoảng kinh tế và tài chính, khi các cửa hàng trống rỗng và chế độ tem phiếu cho hàng loạt mặt hàng được áp dụng, Phạm Nhật Vượng và các cộng sự của mình đã bắt đầu sản xuất mì ăn liền tại Kharkov. Loại mì còn lạ lẫm ấy được gọi tên Mivina nhanh chóng trở nên quen thuộc với thị trường Kharkov và toàn Ucraina. Các chi nhánh được mở thêm liên tục tại các thành phố khác. “Loại thực phẩm có chất lượng tốt, nhưng giá rẻ và được sản xuất từ các nguyên liệu bản địa của Ucraina này trong thời gian ngắn đã được bán rộng rãi trên 30 quốc gia – Estonia, Litva, Latvia, Moldavia, Ba Lan, Đức, Israel…”, cựu thị trưởng Kharkov kể lại.
Với vai trò là người đứng đầu công ty, ông Vượng đã đưa Technocom từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn hùng mạnh với thương hiệu Mivina danh tiếng. Mivina đã giữ vị trí số 1 trên thị trường thực phẩm ăn nhanh, được phong tặng danh hiệu Nhà sáng lập thị trường và nằm trong top 100 doanh nghiệp hàng đầu Ucraina.
Dẫn dắt thị trường bất động sản
Sau khi đã đưa tầm ảnh hưởng của thương hiệu Technocom ra khắp châu Âu bằng các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu, năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng đã bán công ty cho Nestle SA với cái giá không được tiết lộ. Vào thời điểm bán, công ty Technocom đang có doanh thu hơn 100 triệu USD mỗi năm. Ông Vượng quyết định trở về Việt Nam đầu tư khi tham gia thị trường du lịch và bất động sản cấp cao với hai thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom.
Mùa hè năm 2011, ông Vượng cho khai trương và đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng Vinpearl Luxury Nha Trang đẳng cấp 5 sao và sân golf biển đảo đầu tiên Vinpearl Golf Club. Một loạt các khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu Vinpearl cũng xuất hiện như Vinpearl Luxury Đà Nẵng, Phú Quốc… đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển chuỗi dự án mang thương hiệu Vinpearl trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tháng 11/2011, ông Phạm Nhật Vượng từ bóng tối chính thức bước ra ánh sáng với chức danh Chủ tịch Vincom. Đầu năm 2012, ông cho sáp nhập Công ty Vinpearl vào Công ty cổ phần Vincom thành Tập đoàn Vingroup. Cũng từ đây, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng công khai tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, phát triển với các nhóm thương hiệu chiến lược.
Khả năng dẫn dắt thị trường của Vingroup được thể hiện rõ nhất ở các lĩnh vực phát triển bất động sản, lĩnh vực cốt lõi mà họ đã chứng minh được năng lực trải qua quá trình phát triển tại thị trường Việt Nam gần 10 năm qua.
Giữa năm 2014, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã khuấy động thị trường bất động sản phía Nam khi chính thức khởi công dự án khu đô thị Vinhomes Central Park với tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng, trong đó có tòa tháp Vincom Lanmark 81 tầng. Khi hoàn tất dự kiến vào năm 2018, Landmark 81 sẽ vượt Landmark 72 (Keangnam) để trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam.
Ngay cả với quy mô và tốc độ xây dựng kỷ lục như vậy, Vinhomes Central Park cũng chỉ là một trong hàng chục dự án mà tập đoàn Vingroup đang triển khai trên khắp cả nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chuỗi đô thị của Vingroup đã liên tục được tôn vinh là “tốt nhất” tại các Giải thưởng quốc tế và khu vực như Vinhomes Riverside với “Dự án phức hợp tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012”; Times City, Royal City với “Dự án phức hợp tốt nhất Việt Nam” năm 2014 và 2015; Vinhomes Central Park, Landmark 81 và Park Hill cùng đồng loạt được vinh danh tốt nhất Việt Nam và đề cử đại diện khu vực đi tranh giải thế giới ở các hạng mục “Dự án phức hợp tốt nhất”; “Tòa nhà cao tầng tốt nhất”; “Dự án có cảnh quan đẹp nhất” 2016…
Đây là những tiện ích mà trước đó, chưa có một khu đô thị nào tại Việt Nam có thể phát triển được tới tầm tổng thể và đồng bộ như Times City, Royal City, Vinhomes Riverside… tại Hà Nội; Vinhomes Central Park tại TP. HCM… Chuỗi đô thị Vinhomes của Vingroup đã góp phần thiết lập một mặt bằng tiêu chuẩn đô thị mới trên thị trường bất động sản trung/cao cấp.
Mô hình nhà phố thương mại – Vincom shophouse do Vingroup phát triển nằm trong quần thể khu cư dân, kết nối với trung tâm thương mại cũng là một điển hình cho thấy khả năng dẫn dắt thị trường của tập đoàn này. Vincom shophouse đã đáp ứng được “nhu cầu kép” truyền thống vừa ở vừa kinh doanh. Đặc biệt, mô hình này đã được các tỉnh thành đón nhận do phù hợp với nhu cầu và thói quen kinh doanh, sinh hoạt tại các địa phương.
Trong khi đó, VinCity được xem là động thái đáng chú ý nhất trong năm 2016 của Vingroup, trở thành tâm điểm chú ý của toàn thị trường bất động sản từ những ngày đầu khi dự án được giới thiệu. Dự án VinCity được triển khai tại các tỉnh, thành phố lớn, tạo cơ hội cho các khách hàng có thu nhập trung bình – thấp có cơ hội sở hữu nhà tại các thành phố lớn.
Trước đây nhiều người nghĩ rằng, nhà giá rẻ là nhà chất lượng thấp, quy hoạch không được tốt, nằm ở vùng sâu vùng xa và tiện ích không có gì. Với VinCity, lãnh đạo Vingroup cho rằng, tập đoàn muốn thay đổi hoàn toàn quan niệm này. Người thu nhập trung bình vẫn có thể hưởng những tiện ích đồng bộ như những người ở khu có thu nhập cao, chỉ có điều diện tích nhỏ hơn, vị trí xa hơn.
Song song với việc phát triển các dự án nhà ở, Vingroup cũng đang dẫn đầu trong việc xây dựng khu trung tâm thương mại bán lẻ. Trong sáu lĩnh vực Vingroup đầu tư định hướng rất rõ ràng, bán lẻ là chủ lực. Trong tương lai bán lẻ chiếm 50% doanh thu của Vingroup. Vingroup đang có chiến lược mở 2.000 điểm Vinmart+, trước mắt chưa đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ để chớp thời cơ phủ kín thị trường. Sau đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào thì cũng chỉ là người đến sau. Sau ba năm nữa, Vingroup có khoảng 10.000 điểm bán hàng Vinmart+ và 400 trung tâm thương mại cả nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp cho Vingroup phát triển nhanh trong thời gian qua là khả năng huy động và sử dụng khéo léo các nguồn vốn vay trong nước và quốc tế cũng như trái phiếu chuyển đổi. Đây được xem là thành công “riêng biệt” của tập đoàn này. Vingroup cũng thành thạo trong việc quay vòng vốn/tạo ra dòng tiền sớm trong vòng đời dự án bằng cách bán các bất động sản thương mại (thường là các tòa nhà văn phòng) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng vốn đã trở thành một thương hiệu của Vingroup
Các chuyên gia tài chính ước tính Vingroup tiết kiệm được khoảng 3% chi phí vốn vay mỗi năm trong hai năm 2012-2013 bằng việc sử dụng nợ quốc tế trong bối cảnh vốn vay trong nước chịu lãi suất cao. Khả năng tiếp cận vào thị trường vốn rộng lớn giúp Vingroup liên tục duy trì hoạt động xây dựng và mở rộng quỹ đất bất chấp thị trường khó khăn.
Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp
Ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7, là bước khởi đầu cho việc gia nhập lĩnh vực công nghiệp nặng cùng 6 lĩnh vực cốt lõi trước đó của Vingroup.
Với VINFAST, tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là nơi đây sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025. Việc Vingroup quyết định bước sang lĩnh vực sản xuất ô tô và tuyên bố sau 2 năm sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên với tỷ lệ nội địa lên đến 60% khiến nhiều người đặt dấu hỏi về khả năng thành công, khi mà ngành công nghiệp ô tô trong nước đã trải qua 20 năm, nhưng vẫn chỉ luẩn quẩn ở việc lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa dưới 10%.
Thế nhưng nếu nhìn vào những thành tích trong quá khứ “đánh đâu thắng đấy” của Vingroup, nhiều người sẽ đặt câu hỏi ngược lại, tại sao từ nhà sản xuất mì gói, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại thành công lớn trên nhiều lĩnh vực như vậy?
Bí quyết thành công của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, thực tế đã được chính ông tiết lộ vào năm 2016, trong buổi trò chuyện với cán bộ Tập đoàn Viettel. Theo vị tỷ phú này, không có gì đảm bảo thành công cả, nhưng để có được thành công, ông cùng với VinGroup cần 4 nhân tố: can đảm – “liều” , đam mê cùng với nỗ lực – “lăn xả” và sự nghiêm túc trong hành động.
“Bảo tự tin thì chẳng tự tin lắm đâu. Bước sang lĩnh vực khác thì chỉ có liều thôi. Nhưng làm gì thì cũng phải đam mê, nỗ lực cố gắng và nghiêm túc”, ông Vượng nói.
Cũng trong buổi giao lưu tại Vietel, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng chia sẻ muốn có một Vingroup với hơn 50.000 nhân viên cùng hướng đến một văn hóa doanh nghiệp. Và với Vingroup, văn hóa ấy được định vị bằng khẩu hiệu: “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”.