Giảm chi phí để bán lẻ nội

0
880

Theo cam kết trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019, VN sẽ bỏ hạn chế đối với việc “mở thêm điểm bán lẻ” sau 5 năm cho các tập đoàn nước ngoài.

Việc nới rào cản này được các đánh giá cho rằng sẽ khiến thị trường bán lẻ tại VN bước vào cuộc chiến khốc liệt hơn.

Bởi từ trước đến nay, quy định của VN là khi các doanh nghiệp (DN) nước ngoài muốn mở thêm điểm bán lẻ thứ hai trở đi phải xin phép cơ quan quản lý, phải trải qua tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) như quy mô của khu vực thị trường; số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động tại khu vực; tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực… Đây được xem như một “lá chắn” để hệ thống bán lẻ ngoại không mở rộng quá nhanh, cũng như các DN nội địa có thêm lợi thế để mở rộng.

Thế nhưng, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét các hệ thống bán lẻ nước ngoài đã không ngừng lớn mạnh hơn. Chỉ riêng Big C và MM Mega Market đã có 54 siêu thị trong tổng số khoảng 100 siêu thị lớn trên cả nước. Đó là chưa kể hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi của các tập đoàn nước ngoài cũng phủ rộng toàn quốc. Các tập đoàn lớn gần đây đều thông qua việc mua bán, sáp nhập để thâm nhập nhanh thị trường. Vì vậy, ngay cả điều kiện kỹ thuật như ENT cũng không còn là điều quan trọng và hiệu quả cho DN bán lẻ trong nước.

Thực tế có nhiều siêu thị, trung tâm thương mại ở xa khu dân cư nhưng vẫn hút đông khách hàng. Do đó, địa điểm, vị trí cũng là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của nhà bán lẻ mà không phải là quan trọng nhất. Khi VN ngày càng mở cửa biên giới, các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương càng được ký nhiều hơn thì thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm đều sẽ giảm về 0% thì hàng ngoại sẽ vào nhiều hơn. Nhưng đó là sự cạnh tranh công bằng về chất lượng, giá cả sản phẩm… Còn nếu để mất kênh phân phối là sẽ mất luôn ngành sản xuất.

Vì vậy, theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nhà nước cần có chính sách cụ thể để khuyến khích DN trong nước ở lĩnh vực này, tạo cơ hội để mở rộng hệ thống, làm đối trọng với các đơn vị phân phối nước ngoài để đưa hàng Việt đến tất cả vùng miền trên đất nước.

“Trong khi các siêu thị ngoại tăng chiết khấu 20 – 30%, dừng hợp đồng đột ngột như Big C hoặc dùng nhiều chiêu trò để loại hàng Việt ra khỏi hệ thống thì việc Vingroup sẵn sàng chiết khấu 0% cho DN trong nước là điều đáng khuyến khích. Nhà nước phải quy hoạch rõ lại hệ thống phân phối. Thậm chí trong một số trường hợp, nếu như DN nội và ngoại cũng đáp ứng các điều kiện tương đương thì phải ưu tiên lựa chọn DN trong nước. Hơn nữa, phải kiểm soát việc đầu tư, trốn thuế ở các đơn vị bán lẻ ngoại để tạo ra môi trường kinh doanh công bằng. Đồng thời nhà nước cũng phải giảm mạnh các chi phí hoạt động, sản xuất để hàng hóa DN trong nước gia nhập thị trường với giá thấp nhất”, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ thêm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here