Bia Sài gòn đang tăng tốc để hướng tới mục tiêu 1,3 tỉ lít trong năm 2013 với mô hình chuyên nghiệp hóa trong các hoạt động tiếp thị. Ông Lê Hồng Xanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã trao đổi với NCĐT về mục tiêu này.
Chiến lược tiếp thị của Bia Sài Gòn năm nay có gì đáng chú ý nhằm đạt mức hơn 1,3 tỉ lít?
Năm nay, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn ở cả lĩnh vực sản xuất trong nước lẫn xuất khẩu. Thêm vào đó, Nhà nước đang có chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng thời áp dụng quy định hạn chế lạm dụng rượu, bia. Ngoài ra, tình hình cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn giữa các thương hiệu nội địa và quốc tế. Do vậy, nhằm đạt mục tiêu 1,3 tỉ lít trong năm 2013, Bia Sài Gòn đang tích cực triển khai tiếp thị tập trung vào các mục tiêu chính liên quan tới truyền thông về sản phẩm và thương hiệu.
Cụ thể chiến lược này như nào?
Bia Sài Gòn sẽ nâng tần suất truyền thông đối với các nhãn hiệu bia trên báo hình, báo in, báo điện tử nhằm tăng cường mức độ nhận biết thương hiệu bia Bia Sài Gòn. Chiến lược này không mang tính dàn trải mà tập trung vào các thị trường trọng điểm và hướng tới những khách hàng mục tiêu. Tiếp đến, chúng tôi sẽ chuẩn hóa lại toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cho đúng đẳng cấp của các sản phẩm hiện nay. Sau cùng là các hoạt động kích thích việc tiêu thụ nhằm giữ các khách hàng trung thành và mở rộng ra các khách hàng mới, đồng thời thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong tình hình sức mua sụt giảm do suy thoái kinh tế.
Ông có thể chia sẻ gì về chiến lược tiếp thị theo hướng chuyên nghiệp hóa có liên quan tới việc quảng bá thương hiệu Bia Sài Gòn?
Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chuỗi sự kiện quảng bá hình ảnh Bia Sài Gòn gắn với mục đích tuyên truyền, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp đến là các hoạt động liên quan tới thông điệp “Bia Sài Gòn chung tay với cộng đồng” nhằm tăng cường hơn nữa niềm tin và sự hiểu biết đúng đắn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, góp phần xây dựng, phát triển mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Sabeco dự kiến trình Bộ Công Thương về kế hoạch đổi tên thành Tổng Công ty Bia Sài Gòn. Kế hoạch này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mảng sản xuất rượu và nước giải khát?
Việc trình Bộ Công Thương về kế hoạch đổi tên thành Tổng Công ty Bia Sài Gòn nằm trong lộ trình chuẩn hóa thương hiệu, gắn kết chặt chẽ thương hiệu của Tổng Công ty với sản phẩm chủ lực là Bia Sài Gòn nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển chung. Việc đổi tên này không hề ảnh hưởng đến mảng sản xuất rượu và nước giải khát đã được cơ cấu cụ thể trong tổng thể phát triển của ngành hàng bia, rượu và nước giải khát của chúng tôi trong dài hạn.
Chiến lược kinh doanh của Tổng Công ty trong dài hạn nhằm chuẩn bị cho việc cạnh tranh với sự thâm nhập của tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới Anheuser-Busch InBev là gì?
Bia Sài Gòn đã xác định trong cơ chế thị trường, cạnh tranh là tất yếu và còn là động lực để phát triển. Để tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống tại Việt Nam trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những hãng bia nội địa và quốc tế, chúng tôi sẽ tập trung vào 2 mảng cốt lõi gồm thị trường trong nước và ngoài nước.
Đối với thị trường trong nước, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm thông qua việc tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong quản lý chất lượng. Cụ thể, Sabeco sẽ tiếp tục triển khai dự án áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2008, ISO 14000 và HACCP tại Tổng Công ty, hệ thống công ty con và các công ty liên kết. Hiện hệ thống quản lý Chất lượng – An toàn thực phẩm – Môi trường của 3 đơn vị gồm Văn phòng Tổng Công ty, Nhà máy bia Sài Gòn – Nguyễn Chí Thanh và Nhà máy bia Sài Gòn – Củ Chi đã được Bureau Veritas trao Giấy chứng nhận Hệ thống Quản lý Chất lượng – An toàn thực phẩm – Môi trường.
Về công tác thị trường, trên cơ sở phân tích và đánh giá cụ thể tình hình thị trường từng khu vực, nhất là các thị trường mục tiêu để đưa ra các chính sách tiếp thị, bán hàng nhằm ổn định thị phần; định vị lại từng sản phẩm theo phân khúc thị trường và đối tượng mục tiêu, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm.
Đối với đầu tư phát triển sản xuất, nhằm đáp ứng việc cung cấp sản phẩm theo quy hoạch của từng khu vực, Tổng Công ty tiếp tục tăng cường đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác tối đa công suất của các dự án đầu tư. Việc triển khai đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ của thương hiệu Bia Sài Gòn được tập trung tại các trung tâm chính trên cả nước để đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.
Còn mảng thị trường quốc tế thì sao thưa ông?
Thương hiệu Bia Sài Gòn đang phát triển hình ảnh và sản lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế. Hiện tại, sản phẩm bia Sài Gòn đã được xuất khẩu tới 20 quốc gia trên thế giới, vượt qua những quy định gắt gao về kiểm soát chất lượng của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc. Bia Sài Gòn đã có văn phòng đại diện tại Campuchia, mục tiêu đến năm 2015, thương hiệu này sẽ lọt vào top 2 nhà sản xuất bia hàng đầu tại Đông Nam Á.