Tháng 1.2019 dù nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng hơn các tháng trước nhưng chỉ số CPI chỉ tăng nhẹ do lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29.1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2019 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, tháng 1.2019 là tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng hơn các tháng trước. Tuy nhiên, CPI tháng 1.2019 chỉ tăng nhẹ do lượng hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết dồi dào.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm hàng tăng giá: đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất là 0,69%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%, may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,39%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%… Có 2 nhóm giảm giá là: giao thông giảm 3,04% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Theo bà Đỗ Thị Ngọc, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 1.2019 là do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tăng cao hơn tháng trước. Nhu cầu đi lại và bảo dưỡng phương tiện cuối năm tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng và bảo dưỡng phương tiện lần lượt tăng là 0,3% và 0,61% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, từ ngày 1.1.2019 giá gas điều chỉnh tăng 4.000 đồng/bình 12 kg do giá gas nhập khẩu trong tháng 1.2019 tăng 15 USD/tấn chốt ở mức 425 USD/tấn làm cho chỉ số giá gas tăng 1,36% so tháng trước…
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI trong tháng 1.2019 như: nhằm bình ổn giá tiêu dùng, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu để bù đắp mức tăng giá do áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới, cùng với giá xăng dầu thế giới tại thời điểm 1.1.2019 giảm nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào 0 giờ ngày 1.1.2019, và giữ ổn định giá tại kỳ điều hành ngày 16.1.2019.
Theo đó, bình quân tháng 1.2019 giá xăng A95 giảm 540 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 510 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.100 đồng/lít nên bình quân tháng 1.2019 giá xăng dầu giảm 6,98% so với tháng trước, đóng góp giảm CPI chung 0,29%, đồng thời, vào dịp cuối năm các hãng cạnh tranh, một số mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại giảm giá để thu hồi vốn.
Cũng trong tháng 1, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân đến ngày 25.1.2019 giá vàng thế giới ở mức 1.286,78 USD/ounce tăng 2,32% so với tháng trước. Giá vàng thế giới tăng do đồng USD suy yếu trở lại và nhu cầu tiêu thụ vàng cuối năm tăng cao.
Bên cạnh đó, vàng tăng trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán thế giới đều giảm mạnh và các nhà đầu tư chuyển sang kênh kim loại quý trước những lo ngại về khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tiến trình tăng lãi suất tại nhiều nền kinh tế.
Bình quân tháng 1.2019, giá vàng trong nước tăng 2,25% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,641 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Đồng đô la Mỹ thế giới suy yếu do tác động của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng hoạt động một phần vì Quốc Hội Mỹ đã không đồng ý chi 5,7 tỉ USD để xây bức tường biên giới ngăn chặn tệ nạn nhập cư trái phép của di dân nước ngoài, chỉ số USD giảm từ mức 96,64 tháng 12.2018 về mức 95,64 (bình quân đến ngày 24.1.2019).
Trong nước, với phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt, nên giá đồng USD trong nước ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 23.229 VND/USD.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1.2019 tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 1.2019, lạm phát cơ bản có mức tăng cao hơn lạm phát chung do các mặt hàng ngoài “rổ” tính lạm phát cơ bản có mức tăng cao hơn các mặt hàng trong “rổ” đặc biệt mặt hàng xăng dầu tháng 1/2019 giảm khá mạnh so với tháng trước.
Lạm phát cơ bản tháng 1.2019 so cùng kỳ ở mức 1,83% phản ánh nhu cầu về tiền tệ cuối năm âm lịch tăng hơn so với các tháng khác, tuy nhiên chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.